Hôm 3/12, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC, hãng năng lượng CNOOC và một số doanh nghiệp khác vào danh sách công ty thuộc sở hữu hoặc chịu kiểm soát của quân đội Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là các công ty này sẽ bị cấm vận và các nhà đầu tư Mỹ sẽ không thể rót tiền vào chúng.
CNN dẫn lời chuyên gia Michael Hirson - Trưởng bộ phận Trung Quốc và Đông Bắc Á tại Eurasia Group - cho rằng chính quyền ông Trump xác định các công ty "thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc" là những doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ chiến lược hiện đại hóa của quân đội nước này.
Như vậy, ông Hirson dự báo sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bị chính quyền ông Trump trừng phạt. Trên thực tế, Nhà Trắng đã đưa SMIC vào tầm ngắm từ vài tháng trước và liên tục cảnh báo doanh nghiệp Mỹ không làm ăn với công ty này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump không để thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng ngăn ông trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Cú đòn trực tiếp
Lệnh cấm vận SMIC sẽ là cú đòn giáng thẳng vào tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Nước này đang cố đuổi theo phương Tây về công nghệ sản xuất chip và đã đầu tư hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp này với hy vọng xây dựng tập đoàn "cây nhà lá vườn".
Tháng trước, Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ đầu tư vào những doanh nghiệp Trung Quốc có tên trong danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ. Đã có 35 cái tên nằm trong danh sách này.
Huawei Technologies và Hikvision - một trong những nhà sản xuất thiết bị giám sát video lớn nhất thế giới - cũng bị bêu tên. Một số công ty như China Telecom, China Mobile và CNOOC niêm yết trên sàn chứng khoán New York.
Sau lệnh cấm, các nhà đầu tư Mỹ không được sở hữu hoặc giao dịch bất cứ chứng khoán nào liên quan đến những công ty này. Thời hạn thoái vốn của các nhà đầu tư là tháng 11/2021.
Nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC mới bị đưa vào danh sách cấm của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: CNN. |
Đáng nói, Tổng thống Donald Trump vẫn còn nhiều "đạn" để tấn công Bắc Kinh. Hồi đầu tuần này, Hạ viện Mỹ thông qua các dự luật có thể loại bỏ một số công ty Trung Quốc ra khỏi Phố Wall.
Theo đó, các công ty Trung Quốc không tuân thủ quy tắc kiểm toán của cơ quan giám sát Mỹ sẽ bị cấm niêm yết chứng khoán trên bất cứ sàn giao dịch nào của Mỹ. Dự luật nhận được sự ủng hộ của Thượng viện hồi đầu năm nay và chỉ cần chữ ký của ông Trump để thành luật.
Khó đảo ngược
"Ông Trump gần như chắc chắn sẽ ký thành luật trước khi nhiệm kỳ kết thúc", chuyên gia Shirley Yu tại Trường Kinh tế London khẳng định. "Với sự nhất trí của Quốc hội Mỹ, quyết định này cực kỳ khó bị chính quyền tiếp theo đảo ngược", bà nói thêm.
Tổng thống Trump cũng có thể "hồi sinh" chiến tranh thương mại. Theo bà Yu, Trung Quốc không thực hiện cam kết mua khối hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Mỹ. Đây vốn nằm trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký hồi đầu năm nay.
"Điều đó có nghĩa là ông Trump có thể đơn phương tăng thuế một lần nữa, thậm chí áp đặt đòn trừng phạt cao hơn", bà cảnh báo. Phe diều hâu (những người có quan điểm chống Trung Quốc) của Washington cũng đang để mắt đến các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Baidu.
Hồi tháng 8, ông Trump ký lệnh hành pháp cấm ứng dụng WeChat của Tencent hoạt động ở Mỹ. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc cũng bị thêm vào một danh sách khác nhằm ngăn doanh nghiệp nước này tiếp cận nguồn cung hàng hóa và công nghệ Mỹ.
Chính quyền Tổng thống tân cử Joe Biden sẽ khó đảo ngược các chính sách của ông Trump. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Hirson, các công ty Trung Quốc còn có thể điêu đứng nếu bị chặn nguồn cung từ nhà sản xuất Mỹ. Hồi năm ngoái, Huawei bị thêm vào danh sách này với lý do "rủi ro an ninh quốc gia". Huawei từ lâu đã phủ nhận việc sản phẩm của họ gây ra rủi ro an ninh.
SMIC không bị liệt vào danh sách. Tuy nhiên, hồi tháng trước, công ty này cảnh báo các nhà đầu tư rằng những hạn chế xuất khẩu của Mỹ có thể trở thành mối lo ngại lớn trong tương lai.