Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ông Trump khó đủ đường, nhưng còn nhiều 'bài' trước bầu cử?

Cục diện dư luận đối với Tổng thống Trump không đến mức quá ảm đạm như truyền thông Mỹ khác tô vẽ, và ông vẫn còn nhiều thời gian và“con bài” để cải thiện tình hình.


* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, người đang làm nghiên cứu QHQT ở Hà Nội.

Có thể nói, Tổng thống Donald Trump đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ.

Sở dĩ nói vậy là bởi, khác những bê bối trước đây về cơ bản chỉ liên quan đến cá nhân Tổng thống Trump, thì những vấn đề hiện nay ông đang đối mặt như dịch bệnh, bạo động… đều có tác động trực tiếp đến cử tri, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới nỗ lực tái tranh cử vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump cũng như những cử tri ủng hộ ông vẫn có lý do để lạc quan.

Tình hình nước Mỹ hiện nay, nếu đào sâu hơn, không đến mức nghiêm trọng như truyền thông mô tả. Ngoài ra, từ nay đến khi bầu cử diễn ra, ông Trump với lợi thế của một tổng thống đương nhiệm vẫn còn nhiều “con bài” để tung ra nhằm thay đổi cục diện.

Trước hết, hãy cùng phân tích kỹ hơn tình hình nước Mỹ hiện nay.

Sự nghiêm trọng của dịch Covid-19

Tính đến sáng 13/7 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại Mỹ đã vượt mốc 3,3 triệu với 135.171 ca tử vong. Riêng trong ngày 10/7, theo số liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp, Mỹ đã ghi nhận hơn 68.000 ca nhiễm Covid-19 mới, mức cao kỷ lục về số ca nhiễm trong ngày.

Con số nói trên tiếp nối chiều hướng số ca nhiễm Covid-19 gia tăng trở lại trong nhiều tuần vừa qua tại Mỹ. Khách quan mà nói, chiều hướng này không bất ngờ, nhất là trong bối cảnh nhiều bang tại Mỹ mở cửa trở lại, các hoạt động biểu tình diễn ra rộng khắp, và số lượng xét nghiệm tại Mỹ đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, có một nguyên nhân khác hết sức đáng chú ý nhưng lại không hề được truyền thông Mỹ nhắc đến, đó là cách thức tính số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ đã thay đổi.

Tháng 4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố khuyến nghị kêu gọi các bang tại Mỹ bên cạnh việc thống kê số ca xác nhận xét nghiệm dương tính (confirmed cases), nên thống kê cả những ca “nghi nhiễm” (probable cases), sau đó lấy cộng số ca xác nhận và số ca nghi nhiễm để xác định tổng số ca nhiễm. CDC cho rằng phương pháp này sẽ tăng cường khả năng theo dõi nguồn lây bệnh.

Theo định nghĩa của CDC, nếu một người có triệu chứng (ho, khó thở, sốt…) và đã tiếp xúc gần (khoảng cách 2 mét trở xuống, trong ít nhất 10 phút) với một ca xác nhận dương tính hoặc một ca nghi nhiễm khác; hoặc đã từng đến một khu vực có lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, thì sẽ được tính là một ca nghi nhiễm, và được thống kê vào tổng số ca nhiễm.

Nói cách khác, nếu một người Mỹ theo diện F1, F2 có bất kỳ một triệu chứng liên quan nào cũng sẽ bị tính là một “ca nhiễm Covid-19”!

Khuyến nghị trên của CDC bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/4. Ban đầu, đại đa số các bang tại Mỹ chưa thống kê các ca nghi nhiễm theo khuyến nghị trên. Tính đến hết tháng 5, chỉ có dưới 1% tổng số ca nhiễm ghi nhận thuộc diện ca nghi nhiễm.

Nhưng tính đến hết tháng 6, đã có 24/50 bang thống kê theo khuyến nghị nói trên. Tuy chưa có số liệu chính thức, song điều này chắc chắn góp phần không nhỏ vào xu hướng tổng số ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày tại Mỹ trong tháng 6 vừa qua tăng mạnh.

Ngoài ra, nếu phân tích kỹ hơn, ngoài việc tổng số ca nhiễm tăng cao thì những yếu tố khác liên quan đến dịch bệnh tại Mỹ thời gian qua trên thực tế lại có xu hướng chuyển biến tích cực hơn.

Cụ thể, tỷ lệ tử vong đang có xu hướng giảm dần (6,5% tháng 4; 5,8% trong tháng 5; 2,8% trong tháng 6).

Số lượng các ca nghiêm trọng phải dùng máy thở, phòng điều trị tích cực cũng giảm, do người nhiễm có độ tuổi trung bình thấp hơn giai đoạn tháng 3/tháng 4, và đa phần không có triệu chứng, chỉ tự cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, phác đồ điều trị và trang thiết bị y tế tại Mỹ đã có cải thiện.

trump co dac cu khong anh 1

Buổi lễ hôm 12/7 tại nhà thờ Thánh Patrick ở New York để tưởng niệm những người chết vì virus corona. Ảnh: Reuters.

Nói tóm lại, dịch Covid-19 vẫn là mối đe dọa thường trực, tác động nhiều mặt đến an sinh xã hội và tâm lý người dân Mỹ. Tuy nhiên, có thể khẳng định tình hình dịch Covid-19 hiện nay tại Mỹ không nghiêm trọng như những gì một số cơ quan truyền thông Mỹ đang thổi phồng vì mục đích chính trị, và hệ thống y tế Mỹ nhìn chung đã được trang bị tốt hơn để có thể đương đầu với dịch bệnh này so với giai đoạn tháng 3.

Xu hướng biểu tình: Càng bạo loạn càng… có lợi cho TT Trump?

Các biểu tình tại Mỹ ban đầu xuất phát từ vụ việc George Floyd. Nhiều tầng lớp người dân Mỹ ra đường phản đối nạn phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc đối với người da đen tại Mỹ. Nổi bật trong số đó là phong trào Mạng sống người Da đen Có ý nghĩa (Black Lives Matter).

Ban đầu, các cuộc biểu tình diễn ra tương đối ôn hòa, chỉ dưới dạng chăng biểu ngữ, tuần hành tại các khu phố trung tâm.

Tuy nhiên, một số cuộc biểu tình sau đó đã chuyển hướng bạo động. Thậm chí, tình trạng cướp bóc, phá hoại của công, đặc biệt là nhà thờ và tượng đài các nhân vật lịch sử Mỹ, liên tục gia tăng trong thời gian qua.

Về bản chất, xu hướng này có lợi cho đảng Dân chủ nói chung, bởi người da màu là nhóm cử tri nòng cốt của đảng này. Năm 2016, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đã giành tới 88% số phiếu của cử tri da màu. Do đó, yếu tố bất bình đẳng sắc tộc được đẩy mạnh sẽ giúp đảng Dân chủ kêu gọi thêm được nhiều người da đen ra bỏ phiếu trong bầu cử sắp tới.

Tuy nhiên, trong chính trị Mỹ, tuyệt đại đa số các vấn đề đều có hai mặt.

Xu thế biểu tình dẫn tới bạo loạn trở nên nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống của một bộ phận không nhỏ người Mỹ, khiến họ không thể kinh doanh hay đi cầu nguyện một cách an toàn...

Việc đốt cờ Mỹ hay kéo đổ tượng các nhân vật lịch sử cũng bị nhiều người đánh giá là đã đi quá xa, chạm đến lòng tự tôn dân tộc, nhất là trong nhóm cử tri cựu chiến binh và người cao tuổi.

Điều này sẽ củng cố nhóm “đa số ngầm” (silent majority) đã góp phần không nhỏ đưa Tổng thống Trump vào Nhà Trắng năm 2016.

Đây là những người không quan tâm đến chính trị, chỉ muốn yên ổn làm ăn, sống cuộc sống của riêng mình, có thiên hướng muốn gìn giữ những giá trị truyền thống của nước Mỹ.

Trong bối cảnh hiện nay, những người trong nhóm này nhiều khả năng sẽ ủng hộ Tổng thống Trump, cho dù có thể họ chẳng ưa gì tính cách khoa trương hay những bê bối của ông, thay vì một đảng Dân chủ đại diện cho phe cánh tả đang muốn thực hiện những thay đổi mang tính hệ thống tại xã hội Mỹ thông qua bạo động.

Những “con bài” của TT Trump

Nắm được tâm lý trên, Tổng thống Trump thời gian qua đang đẩy mạnh các động thái củng cố lại trật tự và thúc đẩy những giá trị truyền thống của Mỹ.

Đáng chú ý có việc công bố hàng loạt các sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy cải cách lực lượng cảnh sát; bắt giữ các phần tử kéo đổ tượng các nhân vật lịch sử; và tuyên bố xây dựng “công viên tượng đài các nhân vật lịch sử Mỹ”.

Những động thái trên nhận được sự phản ứng tích cực từ nhóm cử tri nòng cốt, thể hiện qua tỉ lệ ủng hộ ông trong nội bộ đảng Cộng hòa vẫn duy trì ở mức 94%.

Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng đẩy mạnh công kích đối thủ trực tiếp, ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Mục đích của Tổng thống Trump là hướng tâm lý cử tri tập trung vào những điểm yếu trong chính sách và vấn đề tuổi tác của ông Biden.

Khía cạnh này nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh khai thác trong các phiên tranh luận tổng thống, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9 tới, khi chiến dịch tranh cử bước vào giai đoạn nước rút.

Thời gian tới, Tổng thống Trump sẽ tiếp tục tận dụng lợi thế của một tổng thống đương nhiệm, đẩy mạnh công bố các thành tích, đặc biệt là những thành tích liên quan đến cam kết tranh cử trước đây như xây tường biên giới - một nội dung rất được sự ủng hộ từ nhóm cử tri nòng cốt.

Ngoài ra, không loại trừ khả năng cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về việc Cục Điều tra Liên bang (FBI) dưới thời cựu tổng thống Obama đã lạm dụng quyền lực, dựa trên những chứng cứ không xác đáng để tiến hành theo dõi, nghe lén chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, sẽ công bố một số kết quả ban đầu trong thời gian tới, có liên quan tới nhiều gương mặt chủ chốt của đảng Dân chủ.

trump co dac cu khong anh 2

Sự kiện tranh cử hôm 25/6 của ông Joe Biden, đối thủ chính của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Ảnh: Reuters.

Tóm lại, không thể phủ nhận Tổng thống Trump đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh bầu cử chỉ còn gần 4 tháng nữa sẽ diễn ra. Những thăm dò dư luận thời gian qua cũng phản ánh xu thế này.

Tuy nhiên, cục diện theo một số luồng dư luận của Mỹ không đến mức quá ảm đạm như nhiều cơ quan truyền thông Mỹ khác tô vẽ, và Tổng thống Trump vẫn còn nhiều thời gian và “con bài” để cải thiện tình hình.

Cùng thời điểm này năm 2016, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton trong các thăm dò dư luận đang bỏ xa ông Trump tại các bang chiến trường quan trọng như Florida (khoảng cách 14%), Pennsylvania (14%), North Carolina (10%), Ohio (9%), hay Wisconsin (5%).

Bốn tháng sau, tất cả các bang trên đều về tay Trump.

Hãy chờ xem lịch sử liệu có lặp lại.

Tổng thống Trump lần đầu công khai đeo khẩu trang

TT Donald Trump đã đeo khẩu trang khi đến thăm các binh sĩ bị thương tại Trung tâm y tế quân sự quốc gia Walter Reed vào hôm 11/7. Đây là lần đầu ông công khai đeo khẩu trang.

Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi WHO

Mỹ vừa chính thức thông báo với tổng thư ký Liên Hợp Quốc về việc rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khởi động cơ chế rút khỏi tổ chức toàn cầu. 

Mỹ Châu

Bạn có thể quan tâm