Hồi thập niên 1960, nhà kinh tế Mỹ Milton Friedman khẳng định tỷ giá hối đoái thả nổi sẽ giúp thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu và giảm hàng rào thuế quan. Nhưng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, logic của chuyên gia từng đoạt giải Nobel bị đảo lộn hoàn toàn. Thuế Mỹ dẫn tới tỷ giá đồng NDT “thả nổi” hơn.
Ngày 1/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9 tới. Bốn ngày sau, Bắc Kinh phản công bằng chiêu hạ giá đồng NDT xuống “lằn ranh đỏ” 7 NDT đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Giá đồng NDT đã giảm xuống mức gần 7 NDT đổi 1 USD. Ảnh: Reuters. |
Ông chủ Nhà Trắng nổi giận, lên Twitter cáo buộc chính quyền Bắc Kinh “thao túng tiền tệ”. Ngay sau đó, Bộ Tài chính Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia “thao túng tiền tệ”. Cố vấn Nhà Trắng Larry Kudlow khẳng định trên CNBC: “Khi Trung Quốc vi phạm các quy định của chúng ta, WTO và G20, chúng ta phải hành động”.
Doanh nghiệp Mỹ phải trả thuế
Những diễn biến dồn dập này càng khiến cục diện bàn cờ Mỹ - Trung trở nên phức tạp và bế tắc hơn. Trong thương mại quốc tế, tỷ giá có thể làm vết thương do thuế gây ra lở loét nặng hơn, nhưng cũng có thể khiến vết thương đó chóng lành. Ở trường hợp của đồng NDT, việc nó giảm giá đã khiến thuế của ông Trump trở nên kém hiệu quả.
Tổng thống Mỹ khẳng định rằng “Trung Quốc đang phải trả tiền thuế”, nhưng lập luận đó không chính xác. Khi hàng Trung Quốc vào Mỹ, doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu là đối tượng phải đóng thuế. Chính quyền Tổng thống Trump đang áp thuế 25% lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Một công ty Mỹ nhập 1 triệu USD hàng Trung Quốc sẽ phải chi 250.000 USD tiền thuế cho hải quan Mỹ.
Như vậy, công ty Mỹ đó phải bỏ ra tổng cộng 1,25 triệu USD. Còn doanh nghiệp Trung Quốc bán số hàng đó vẫn nhận đủ 1 triệu USD. Đây là kiến thức thương mại cơ bản, ông Trump là một doanh nhân lão làng, chắc hẳn phải hiểu rõ dù đưa ra những tuyên bố không chính xác.
Logic của thuế là nó khiến hàng Trung Quốc tại Mỹ trở nên đắt đỏ, người tiêu dùng không muốn mua và doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải đi tìm nguồn cung khác. Khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ sụt giảm, nền kinh tế nước này sẽ lao đao.
Bộ Tài chính Mỹ buộc tội Trung Quốc thao túng tiền tệ. Ảnh: Reuters. |
Tính đến nay, thuế trừng phạt của chính quyền ông Trump mới chỉ ảnh hưởng đến hàng hóa công nghiệp. Các loại hàng tiêu dùng như giày dép, đồ nội thất hay iPhone vẫn chưa tăng giá. Tuy nhiên, từ ngày 1/9, toàn bộ hàng Trung Quốc vào Mỹ sẽ chịu thuế 10-25%.
Để bán một chiếc iPhone XS (lắp ráp ở Trung Quốc) tại thị trường Mỹ, Apple phải đầu tư khoảng 450 USD. Từ ngày 1/9, “Táo khuyết” sẽ phải trả thêm 45 USD cho chính phủ Mỹ. Apple sẽ phải lựa chọn nâng giá iPhone, cắt giảm chi phí hoặc chấp nhận giảm lợi nhuận. Giày Nike hay đồ gia dụng KitchenAid cũng đối mặt với bài toán tương tự.
Tỷ giá vô hiệu hóa thuế
Nhưng việc đồng NDT giảm giá có thể vô hiệu hóa thuế trừng phạt của ông Trump. Một doanh nghiệp Mỹ mua 100 USD hàng hóa Trung Quốc đồng nghĩa với việc bỏ ra 630 NDT khi tỷ giá là 6,3 NDT đổi 1 USD. Khi giá đồng NDT giảm xuống còn 7 NDT đổi 1 USD, công ty Mỹ đó chỉ phải bỏ ra 90 USD để mua số hàng tương tự.
Nếu số hàng này chịu thuế trừng phạt 10% thì tỷ giá và thuế hóa giải lẫn nhau, và chi phí mà doanh nghiệp Mỹ bỏ ra không thay đổi. Như vậy, có thể khẳng định việc đồng NDT sụt giá là chiêu thức Bắc Kinh áp dụng để vô hiệu hóa đòn tấn công thuế của Tổng thống Trump.
Hiệu quả là rất rõ ràng. Với việc Bắc Kinh kiểm soát tỷ giá một cách linh hoạt, thuế của Washington chỉ còn mang tính chất “hù dọa”. Các nhà nhập khẩu Mỹ vẫn sẽ chịu áp lực nhất định, nhưng chừng đó là không đủ để họ di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Và tất nhiên sẽ không có chuyện chính quyền Bắc Kinh “quỳ gối đầu hàng”, chấp nhận các đòi hỏi của Washington.
Diễn biến chiến tranh thương mại những ngày kế tiếp sẽ phụ thuộc vào phản ứng của ông Trump. Ảnh: Reuters. |
Theo các chuyên gia Bank of America Merrill Lynch, nếu ông Trump tăng thuế đánh vào khối hàng hóa 300 tỷ USD của Trung Quốc từ 10% lên 25% như đã đe dọa, Bắc Kinh sẽ dìm giá đồng NDT xuống mức 7,5 NDT đổi 1 USD.
Nhiều nhà quan sát nhận định rất khó để dự đoán chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ diễn biến như thế nào. Câu chuyện của những ngày tới sẽ phụ thuộc vào phản ứng của ông Trump. CNBC dẫn lời chiến lược gia Naka Matsuzawa của Nomura nhận định có khả năng Trung Quốc sẽ chấp nhận thiệt hại kinh tế và chờ đợi ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Nhà phân tích Mark Haefele của UBS giải thích việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ sẽ làm tổn thương nghiêm trọng nông dân các bang khu vực Trung Tây của Mỹ. Đây là các bang đặc biệt quan trọng với chiến dịch tranh cử của ông Trump. Nước cờ của Bắc Kinh có thể làm xói mòn sự ủng hộ của nông dân Mỹ dành cho ông chủ Nhà Trắng.