Hai ứng viên tổng thống nêu ra cái nhìn hoàn toàn trái ngược cho nước Mỹ. Một ý kiến cho rằng họ vận động như đến từ “hai hành tinh khác nhau”. Cử tri Mỹ sẽ có phán quyết cuối cùng trong hôm nay.
Trao đổi với Zing, giáo sư Kimberly Nalder, khoa chính trị, Đại học Bang California - Sacramento, kiêm giám đốc Dự án Cử tri Thông thái tại trường này, nói “bầu cử năm nay rất kỳ lạ”, khi mà thảo luận chính sách hết sức giới hạn.
Bà đưa ra đánh giá liệu cử tri Mỹ vào ngày 3/11 sẽ đổ lỗi cho ai về những vấn đề “sát sườn” nhất đang đè nặng mà chưa thấy hồi kết - dịch Covid-19 và cứu trợ kinh tế.
Hai ứng viên tổng thống tại cuộc tranh luận tối 22/10. Ảnh: Reuters. |
Bầu cử năm nay rất kỳ lạ
- Trong những tuần cuối , Tổng thống Trump dường như không còn cố đưa ra tầm nhìn thuyết phục cho nhiệm kỳ thứ hai, mà chỉ tập trung đả kích ông Joe Biden. Bà có nhìn nhận ra sao?
- Bầu cử năm nay rất kỳ lạ. Chưa bao giờ chúng tôi có một năm như thế này.
Bình thường hai đảng sẽ đưa ra tầm nhìn cho tương lai, họ muốn đất nước đạt được gì trong bốn năm tới. Thông thường, vào đại hội của mỗi đảng, các bên sẽ công bố cương lĩnh, chính sách - tất cả những gì mà đảng muốn làm nếu đắc cử.
Tiến sĩ Kimberly Nalder trả lời Zing qua Zoom. |
Năm nay, lần đầu tiên đảng Cộng hòa không làm vậy. Họ không công bố cương lĩnh, không có đường lối, mục tiêu, đề xuất chính sách cho đất nước. Dường như cả đảng Cộng hòa chỉ làm theo bất cứ điều gì mà ông Trump quyết định.
Như vậy rất lạ, vì bình thường cử tri sẽ nghĩ xem ứng viên nào có chính sách gần với tôi nhất. Nhưng ở đây, (chính sách) lại hoàn toàn đồng nhất với ứng viên (Trump).
- Thông điệp của ông Trump khác gì so với thông điệp của chính ông bốn năm trước?
- Bốn năm trước, ông Trump có một chiến dịch khá u ám. Ông nói về nguy cơ người nhập cư từ biên giới phía nam, về ý định xây tường. Ông muốn đưa các ngành công nghiệp như khai mỏ và sản xuất quay trở lại, bảo vệ các công nhân.
Ông có một số ý tưởng, chính sách; nhưng đa phần muốn thuyết phục người dân từ bỏ đảng Dân chủ và tin vào tầm nhìn của mình. Mà cũng không hẳn là "tầm nhìn", chỉ là phong cách chính trị, tính cách của ông ấy. Ông đả kích chính quyền Obama và nói bà Hillary Clinton cũng giống y như vậy.
Năm nay, ông là tổng thống đương nhiệm. Thông thường tổng thống đương nhiệm sẽ nói hãy nhìn những gì tôi đạt được, và tôi sẽ đạt được gì trong tương lai. Nhưng ông Trump không làm vậy. Ông chỉ đả kích ông Biden trong các cuộc tranh luận, như thể ông Biden đang là tổng thống.
Điều này khác hẳn các mùa bầu cử trước. Ông Trump dường như đang dựa vào công thức của bốn năm trước, dù tình thế đã khác: chính ông là lãnh đạo.
Ông nói trong một cuộc tranh luận rằng ông không phải một chính khách, nhưng ông đang là tổng thống Mỹ, tất nhiên ông là chính khách. Ông dường như vẫn muốn tranh cử với tư cách người ngoài cuộc.
- Thông điệp của ông Biden ra sao? Hình ảnh đảng Dân chủ đề cử một ứng viên 78 tuổi đang khiến một số bạn đọc Việt Nam cho rằng phe Dân chủ không có thông điệp mới, phải dựa vào thế hệ trước.
- Đảng Dân chủ có đưa ra cương lĩnh chính sách tại đại hội toàn quốc vào mùa hè, đi vào chi tiết thêm về các kế hoạch của họ.
Chẳng hạn, ông Biden đã nói về chủ đề y tế. Ông muốn tiếp tục chương trình bảo hiểm toàn dân của ông Obama (Obamacare), nhưng thêm lựa chọn "mua bảo hiểm công”. Ông cũng nói sẽ vẫn giữ bảo hiểm tư nhân.
Ông Biden thực sự có những đề xuất chính sách. Trên trang web của ông có những đề xuất cụ thể.
Trong khi đó, đảng Cộng hòa không có cương lĩnh. Ông Trump, khi được hỏi trên 60 Minutes gần đây về kế hoạch chi tiết cho y tế, ông chỉ nói sẽ loại bỏ Obamacare, thay thế bằng “thứ tốt hơn”. Ông luôn nói vậy - “sẽ tốt hơn, sẽ khắc phục được” - mấy năm nay rồi, mà chưa bao giờ có kế hoạch cụ thể. Đó là lý do ông không được sự ủng hộ của nhóm cử tri có trình độ.
Liệu chính sách của ông Biden có nghiêng xa về cánh tả như người ủng hộ ông Bernie Sanders mong muốn? Không, ông Biden là người ôn hòa. Ông còn nói đến chuyện đưa người đảng Cộng hòa vào nội các của mình.
Ông Biden cao tuổi, nhưng ông Trump cũng vậy, và điều lạ lùng là tuổi của ông Biden lại bị để ý nhiều hơn, trong khi họ cũng cùng lứa học trung học với nhau.
Tất nhiên, nó nói lên điều gì đó về đảng Dân chủ. Họ không chọn ứng viên mới trong mùa bầu cử sơ bộ, vì e ngại đặt cược vào nhân vật quá mới. Họ muốn đi theo sự an toàn.
Người ủng hộ ông Biden đang cầm biển Biden - Harris tại một sự kiện đảng Dân chủ tại Minnesota hồi tháng 9. Ông Biden đang chi tiền vượt xa ông Trump trong những tuần cuối tranh cử. Ảnh: New York Times. |
Dịch Covid-19 và kinh tế hậu bầu cử
- Dịch Covid-19 là điểm yếu của Tổng thống Trump trong kỳ bầu cử này. Nhưng ông vẫn đả kích chuyên gia của mình giữa lúc số ca đang tăng trở lại ở Mỹ. Việc này cho thấy điều gì về ông Trump?
- Điều này cho thấy ông Trump không tin vào khoa học. Chúng ta đã có nhiều ví dụ về điều này: Từ lâu, ông Trump đã đả kích những tổ chức khoa học trong chính phủ liên bang, cấm họ dùng một số cụm từ trong các nghiên cứu, báo cáo.
Một điều gây bất bình là ông không phản ứng theo cách của các lãnh đạo khác là đẩy mạnh truy vết tiếp xúc, sản xuất đồ bảo hộ, điều phối biện pháp chống dịch trên phạm vi toàn quốc.
Tôi nghĩ nguyên nhân là vì ông Trump không muốn nghe tin tiêu cực. Ông cũng bực mình vì nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa. Ông cảm thấy “chìa khóa” để tái đắc cử là nền kinh tế đang tốt trước khi có dịch Covid-19.
Ông Trump có thái độ “phủ nhận” rất công khai, không đeo khẩu trang, ngay cả sau khi đã nhiễm virus, và nói mọi người không nên lo lắng về virus, không nên để virus “thống trị” cuộc sống. Nhưng virus đã thực sự thống trị cuộc sống những gia đình đã mất người thân. Chúng ta đều đang phải lo về virus mỗi ngày, mà không thể “phủ nhận” như ông Trump. Phần lớn người dân bình thường đối mặt với thực tế không đẹp đẽ chút nào.
Một cử tri bỏ phiếu sớm ở bang Wisconsin. Bang này đang chứng kiến số ca nhiễm và tử vong mới vì Covid-19 tăng kỷ lục. Ảnh: New York Times. |
- Chính quyền Trump và phe Dân chủ trong Quốc hội đã đàm phán nhiều tháng nay để đưa ra gói cứu trợ thứ hai, nhưng vẫn chưa đi đến đâu, trong khi kinh tế Mỹ đang rất khó khăn. Cử tri sẽ đổ lỗi cho ai về sự trì hoãn này?
- Chính phủ liên bang có gói cứu trợ ban đầu, chuyển tiền thẳng cho người dân, và hỗ trợ thêm cho một số đối tượng như người thất nghiệp hay như sinh viên của tôi. Nhưng chương trình đó đã hết hạn.
Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua dự luật vài tháng trước để gia hạn các hỗ trợ đó, nhất là hỗ trợ tiền cho các thành phố gặp khó khăn và các trường học đang phải áp dụng biện pháp phòng dịch.
Nhưng Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát từ chối xem xét dự luật này. Chính quyền và Quốc hội đang đàm phán thêm nhưng sẽ khó có thỏa thuận trong năm nay.
Cử tri thường sẽ phản ứng với tình hình xung quanh họ. Những người bị ảnh hưởng - người mất việc, hay hộ kinh doanh nhỏ bị phá sản vì không có hỗ trợ - sẽ phải cân nhắc khi bỏ phiếu.
Tưởng chừng như thế sẽ có lợi cho đảng Dân chủ, nhưng không hẳn là vậy, vì còn tùy vào nguồn tin tức của cử tri.
Nếu chỉ xem các báo đài bảo thủ hay Fox News, có thể bạn còn không biết đảng Dân chủ đã thông qua một dự luật, bạn cũng không biết trong dự luật đó có gì. Bạn chỉ thấy tổng thống đang cố làm gì tốt cho bạn, một cách mơ hồ, và bạn bầu cho ông vì bạn tin tưởng.
Môi trường thông tin ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều cử tri không hiểu được bức tranh toàn cảnh từ nguồn tin của họ.
- Kinh tế Mỹ gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng lớn đến các nước xuất khẩu nhiều sang thị trường Mỹ. Toan tính của phe Dân chủ và Cộng hòa sẽ thay đổi nhiều sau ngày bầu cử. Bà có nghĩ họ sẽ sớm đạt thỏa thuận về gói cứu trợ sau bầu cử?
- Nếu các thăm dò chính xác, đảng Dân chủ sẽ giành thêm ghế ở Hạ viện và giành kiểm soát Thượng viện. Thăm dò cũng cho thấy ông Biden sẽ đắc cử. Các nghị sĩ mới sẽ nhậm chức vào cuối năm, trong khi tổng thống mới nhậm chức ngày 20/1 năm sau.
Vì vậy khó có khả năng gói cứu trợ sẽ được thông qua trước cuối tháng 1. Vấn đề này có ảnh hưởng đến các nước khác là đối tác thương mại của Mỹ, vì Mỹ hiện diện lớn trong nền kinh tế thế giới.
Từ nay cho tới lúc đó, nhiều doanh nghiệp có thể phá sản, chẳng hạn các nhà hàng nhỏ vốn đang cầm cự vì có khách đến ăn ngoài trời, nhưng sẽ không thể như vậy khi mùa đông tới. Nhiều doanh nghiệp trong số đó sẽ đóng cửa vĩnh viễn. Sẽ mất rất lâu để kinh tế phục hồi, dù là trong kịch bản tốt nhất.
Người ủng hộ ông Trump tại buổi vận động ở Bullhead City, bang Arizona. Ảnh: New York Times. |
Lời hứa mơ hồ “chìm” trong tin giả
- Tổng thống Trump đắc cử năm 2016 nhờ phiếu bầu của nhóm công nhân “cổ xanh”, tức những người lao động chân tay, mà ông Trump hứa hẹn mang việc làm quay trở lại từ Mexico hoặc Trung Quốc. Ông đã làm được lời hứa đó chưa? Họ có còn ủng hộ ông?
- Nhiều công nhân “cổ xanh” đã tin lời của ông Trump là sẽ đưa việc làm trở lại, như công nhân sắt thép, thợ mỏ, nông dân - những người làm việc trong những ngành vốn đang mất dần. Chẳng hạn, cả thế giới đang dịch chuyển khỏi than đá, sang nhiên liệu tái tạo. Vì vậy không ai có thể thay đổi đáng kể được xu hướng này, vì năng lượng tái tạo trở nên rẻ hơn.
Tổng thống Trump có những nỗ lực đầu nhiệm kỳ, như thỏa thuận với một số công ty để giữ việc làm sắp chuyển sang nước ngoài ở lại Mỹ. Chắc chắc điều đó làm hài lòng một số người. Nhưng nhiều việc làm như vậy cũng bị mất đi trong bốn năm qua.
Dù vậy, nhiều công nhân “cổ xanh” vẫn cảm thấy ông Trump là người tranh đấu cho họ, trong khi cả thế giới toàn cầu hóa đang cùng nhau cướp việc làm của họ. Họ tin như vậy, bất chấp ông Trump chưa hẳn đã làm được như đã hứa. Do vậy, nhiều người trong số họ vẫn sẽ ủng hộ ông Trump.
Ông Trump đang xếp lịch đi vận động ở nhiều bang trong từng ngày cuối của chiến dịch. Ảnh: New York Times. |
- Bầu cử năm 2016 bị nhiễu loạn bởi tin giả. Bà đánh giá thế nào về vấn đề tin giả năm nay so với bốn năm trước?
- Chúng ta vẫn thấy tin giả, thậm chí ở mức tinh vi hơn. Qua thời gian, những kẻ phát tán còn nhắm đến đúng đối tượng hơn (trên mạng xã hội) và cho họ thông tin dễ thuyết phục hơn.
Một số chiến dịch tin giả không chỉ từ những hacker của Nga hay các bot tự động của nước ngoài, mà còn từ Nhà Trắng. Tổng thống Trump tweet lại những thuyết âm mưu, nhất là về Covid-19. Ông đả kích khoa học và đưa ra các thông tin sai lệch về khẩu trang hay giãn cách xã hội, về cơ chế của bệnh Covid-19 hay thuốc chữa.
Ông Trump cũng đẩy mạnh tin giả về gian lận bầu cử, rằng bỏ phiếu qua thư không được bảo mật.
Trên thực tế, gian lận rất hiếm khi xảy ra (so với quy mô của cuộc bầu cử), và bỏ phiếu qua thư đã được tiến hành rất nhiều năm nay, ở rất nhiều bang, thậm chí trong thời nội chiến giữa thế kỷ 19.
Ông Trump cũng nói các nguồn tin uy tín là “tin giả”, khiến người ủng hộ ông không còn tin vào các nguồn này. Mỗi khi báo đài uy tín đưa ra các dữ kiện thực tế bất lợi cho ông, họ đều coi là thiên lệch. Đó là một di sản rất đen tối mà ông đã đạt được, là làm người ủng hộ ông không còn tin vào thực tế.
- Sự khác biệt của năm nay có lẽ nằm ở các nhóm nội địa phát tán tin giả, cũng như sự vào cuộc của các công ty công nghệ?
- Twitter đã nói không cho phép quảng cáo chính trị nữa. Facebook cũng có biện pháp đánh dấu nội dung. Gần đây, họ cũng yêu cầu người dùng đọc bài viết trước khi chia sẻ ra chỗ khác. Những biện pháp đó có thể tạo khác biệt trong năm nay.
Năm 2016, tin giả phát tán nhanh gấp 7 lần tin thật. Như vậy đã là nghiêm trọng, nhưng năm nay chúng ta còn thấy những nhóm nội địa tham gia vào phát tán hay sản xuất tin giả, như QAnon. Đa phần hoạt động tin giả là do chính người Mỹ, có thể là họ thật sự tin, nhưng cũng có thể họ muốn làm mọi cách để ông Trump tại vị.