Năm 2018, khi bắt đầu áp thuế đối với 360 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tự tin tuyên bố trên Twitter rằng "chiến tranh thương mại có lợi và dễ thắng". Nhưng các thống kê cho thấy ông đã lầm.
Theo Bloomberg, ngay cả trước cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc vẫn trụ vững trước đòn thuế của ông Trump. Sau khi Bắc Kinh kiểm soát thành công đại dịch, xuất khẩu thiết bị y tế và đồ gia dụng của nước này tăng mạnh, khiến thặng dư thương mại với Mỹ gia tăng bất chấp thuế trừng phạt.
Chiến tranh thương mại - công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc là điểm nhấn nổi bật trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Nhưng kết quả không được như ông Trump kỳ vọng. Dù vậy, Bloomberg cho rằng ông Trump vẫn để lại một di sản cần thiết cho người kế nhiệm Joe Biden. Đó là bài học về các phương pháp hiệu quả và những gì không thành công.
Từ năm 2018, ông Trump phát động cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc không trả tiền thuế
Ông Trump tuyên bố rằng thuế trừng phạt đánh lên hàng Trung Quốc có lợi cho nền kinh tế Mỹ, đồng thời khiến Trung Quốc trải qua "năm tồi tệ nhất trong vòng hơn 50 năm". Tuy nhiên, tác động kinh tế trực tiếp đối với cả hai quốc gia thực chất không đáng kể. Bởi giá trị xuất khẩu giữa Trung Quốc và Mỹ rất nhỏ so với GDP.
Theo chuyên gia kinh tế Yang Zhou tại Đại học Minnesota, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bằng hoặc cao hơn 6% trong cả năm 2018 và 2019, với chi phí thuế chiếm khoảng 0,3% GDP.
Bà ước tính cuộc chiến thương mại khiến Mỹ thiệt hại 0,08% GDP so với cùng kỳ. Trong khi đó, các quốc gia thực sự hưởng lợi là những điểm đến đầu tư mới của nhóm doanh nghiệp đa quốc gia, bao gồm Ấn Độ và Đông Nam Á.
Ông Trump cũng nhiều lần tuyên bố rằng Trung Quốc đang trả tiền cho cuộc chiến thuế. Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra thiệt hại thuộc về chính người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Bởi các nhà sản xuất Trung Quốc không hạ giá để duy trì giá cả cạnh tranh sau khi bị áp thuế.
Xuất khẩu của Mỹ giảm trong năm 2019. Ảnh: Bloomberg. |
Theo báo cáo của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc đã dẫn đến thiệt hại thu nhập cho người tiêu dùng Mỹ khoảng 16,8 tỷ USD/năm vào năm 2018. Ngoài ra, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc có xu hướng làm giảm xuất khẩu của Mỹ. Bằng cách đánh thuế lên linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc, Washington đã áp thuế lên hàng hóa của chính nước Mỹ.
Tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ cũng đi ngang trong năm 2019, một phần do xuất khẩu giảm. "Không có bằng chứng nào cho thấy thuế mang lại lợi ích cho người lao động", nhà kinh tế Michael Waugh của Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York nhận định.
Ông lấy dẫn chứng ngay cả những khu vực có các ngành công nghiệp như thép - đáng lẽ hưởng lợi từ đòn thuế - cũng chứng kiến số việc làm giảm.
Thâm hụt thương mại
Năm 2016, ông Trump đã tuyên bố sẽ nhanh chóng "bắt đầu đảo ngược" thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại với Trung Quốc vẫn tăng lên kể từ đó. Theo dữ liệu của Bắc Kinh, con số này đạt 287 tỷ USD trong 11 tháng tính đến tháng 11/2020.
Mức thâm hụt đã giảm so với cùng kỳ năm 2019 do các công ty Mỹ chuyển sang nhập khẩu từ những quốc gia khác. Tuy nhiên, so với năm 2016, khoảng chênh lệch vẫn lên đến 254 tỷ USD, một phần do Bắc Kinh áp thuế trả đũa lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Bắc Kinh hứa sẽ nhập khẩu 172 tỷ USD hàng hóa của Mỹ vào năm 2020. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11, nước này chỉ thực hiện được 51% mục tiêu. Một phần nguyên nhân là giá năng lượng sụt giảm trong bối cảnh đại dịch và các vấn đề với máy bay của Boeing.
Theo Bloomberg, tình trạng thâm hụt dai dẳng cho thấy mức độ phụ thuộc của các doanh nghiệp Mỹ vào năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh đại dịch.
Ông Trump nhiều lần chỉ ra việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 đã giúp nền kinh tế nước này cất cánh "như tên lửa" và nhấn mạnh rằng điều đó không công bằng. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại với Mỹ thậm chí còn mở rộng hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ vẫn tăng lên dưới thời ông Trump. Ảnh: Bloomberg. |
Sau khi thu hẹp trong hai năm liên tiếp hồi năm 2015 và 2016, tổng sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên mỗi năm kể từ khi ông Trump nhậm chức. Các quốc gia Đông Nam Á thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc vào năm 2019.
Ông Trump tin rằng đòn thuế sẽ đưa các doanh nghiệp Mỹ về nước. Trong một tweet hồi năm 2019, ông "ra lệnh" cho những công ty này "tìm một giải pháp thay thế Trung Quốc ngay lập tức". Tuy nhiên, làn sóng chuyển dịch sản xuất đã không diễn ra.
Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Trung Quốc vẫn tăng nhẹ từ 12,9 tỷ USD năm 2016 lên 13,3 tỷ USD vào năm 2019, theo dữ liệu của Rhodium Group. Các công ty Mỹ cho biết thị trường tiêu dùng và năng lực sản xuất mạnh mẽ của Trung Quốc là lý do họ mở rộng tại thị trường này.
Cuộc chiến công nghệ
"Xuất khẩu ít bị ảnh hưởng cho thấy khả năng phục hồi của năng lực sản xuất Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại đã bộc lộ sự dễ tổn thương của Trung Quốc trong một số lĩnh vực 'nút thắt cổ chai' như công nghệ cao", chuyên gia Chang Su tại Bloomberg bình luận.
Chiến thắng lớn nhất được chính quyền ông Trump tuyên bố trong khuôn khổ thỏa thuận thương mại là lời hứa từ Bắc Kinh sẽ tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Doanh nghiệp Trung Quốc đã trả con số kỷ lục 7,9 tỷ USD thanh toán sở hữu trí tuệ cho Mỹ vào năm 2019, tăng từ 6,6 tỷ USD năm 2016. Các tòa án Trung Quốc cũng áp dụng khoản tiền phạt kỷ lục đối với vi phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến doanh nghiệp Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đã thực hiện “những thay đổi lớn về luật pháp” để tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hai năm qua, với động lực chính là đổi mới, thay vì áp lực từ phía Mỹ.
Semiconductor Manufacturing International Corp là một trong những mục tiêu mới nhất của chính quyền ông Trump. Ảnh: Reuters. |
So với đòn thuế, xung đột về công nghệ ngày càng leo thang là mối quan tâm lớn của Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt và hạn chế xuất khẩu do Washington áp đặt đe dọa khả năng tồn tại của những công ty công nghệ hàng đầu như Huawei Technologies Co. và Semiconductor Manufacturing International Corp.
Theo Bloomberg, đó là mối đe dọa lớn đối với kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh. "Nếu Mỹ tiếp tục tăng cường chèn ép về công nghệ, quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc theo hướng cao cấp của chuỗi công nghiệp toàn cầu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng", hai nhà nghiên cứu Trung Quốc khẳng định trong một bài viết.
Cho đến nay, tác động từ các hành động của Mỹ buộc Bắc Kinh phải thúc đẩy khả năng tự cung công nghệ. Điều này trở thành vấn đề nổi cộm trong chương trình nghị sự của chính quyền Trung Quốc. Theo đó, tăng cường “sức mạnh chiến lược khoa học và công nghệ” là nhiệm vụ kinh tế quan trọng nhất.