Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Trump còn đường nào để lật ngược kết quả bầu cử?

Tổng thống Trump đang sử dụng sức ép chính trị lên các tiểu bang nhằm lật ngược kết quả kiểm phiếu, nhưng khả năng thành công của chiến thuật này là một dấu hỏi.

Cuộc chiến pháp lý của đội ngũ Tổng thống Trump, thách thức kết quả kiểm phiếu ở hàng loạt bang chiến trường, đang nhận về không ít kết quả bất lợi và chưa có bất cứ hy vọng nào giúp đảo ngược tình thế. Các luật sư phe Cộng hòa không thể đưa ra bằng chứng của cái mà ông Trump cáo buộc là gian lận bầu cử.

Khi công cụ pháp lý đang bế tắc, Tổng thống Trump dường như chuyển sang sách lược mới, gây sức ép chính trị lên quan chức Cộng hòa ở các tiểu bang trọng yếu. Mục tiêu cuối cùng là nhận được 270 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng chung cuộc.

Chiến thuật của ông Trump

Khi cử tri Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống, họ thực chất bỏ phiếu trong hệ thống tiểu bang, không phải hệ thống toàn quốc. Tại hầu hết tiểu bang, ứng viên đảng nào nhận được nhiều phiếu phổ thông nhất sẽ giành được toàn bộ phiếu của đại cử tri bang đó.

Các đại cử tri thường sẽ bỏ phiếu tuân theo ý nguyện của cử tri phổ thông. Trong lịch sử hiện đại, một số đại cử tri bỏ phiếu ngược lại với kết quả phiếu phổ thông của bang mình. Tuy nhiên, tất cả trường hợp như vậy không ảnh hưởng tới kết quả bầu cử chung cuộc.

Hiện tại, Tổng thống Trump đã bắt đầu gây sức ép lên các quan chức tiểu bang, những người có khả năng thay đổi lá phiếu đại cử tri, đi ngược với ý nguyện cử tri phổ thông.

Trump lat nguoc ket qua bau anh 1

Tổng thư ký tiểu bang Georgia Brad Raffensperger là quan chức Cộng hòa hứng chịu nhiều chỉ trích của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters.

Michigan là bang chiến trường nơi ông Biden chiến thắng với cách biệt 160.000 phiếu theo kết quả kiểm phiếu hiện tại. Ngày 23/11, một ủy ban gồm 2 đảng viên Cộng hòa và 2 đảng viên Dân chủ sẽ được thành lập để đếm kết quả kiểm phiếu, qua đó chính thức xác nhận 16 phiếu đại cử tri sẽ dành cho ông Biden.

Tuần qua, truyền thông Mỹ cho biết hai quan chức Cộng hòa ở Michigan đã nhận được điện thoại của Tổng thống Trump. Hai người này ban đầu từ chối xác nhận kết quả kiểm phiếu ở Detroit, nơi đa số phiếu bầu dành cho ứng viên Dân chủ, tuy nhiên sau đó đảo ngược quyết định và cho phép xác nhận kết quả.

Sau cuộc gọi từ Nhà Trắng, hai quan chức Cộng hòa cho biết họ hối tiếc vì đã đảo ngược quyết định và cho phép kết quả kiểm phiếu được xác nhận.

Bằng chứng nỗ lực can thiệp của Tổng thống Trump rõ ràng hơn khi lãnh đạo lưỡng viện lập pháp tiểu bang Michigan, đều thuộc đảng Cộng hòa, được mời tới Nhà Trắng hôm 20/11.

BBC đưa tin có thêm nhiều báo cáo cho biết Tổng thống Trump đang tìm cách gây sức ép buộc cơ quan lập pháp các tiểu bang xem xét lại, và thậm chí đảo ngược kết quả kiểm phiếu.

Ông Trump có cơ hội thành công?

Chiến thuật gây sức ép chính trị của Tổng thống Trump, về kỹ thuật không phải bất khả thi, nhưng cơ hội thành công là rất, rất nhỏ.

Đầu tiên, ông Trump phải đảo ngược kết quả đồng thời ở nhiều bang nơi ứng viên Biden dẫn trước từ vài chục nghìn tới hơn 100.000 phiếu phổ thông. Tình huống hiện nay khác với năm 2000 khi tranh cãi chỉ xảy ra ở Florida.

Hơn nữa, một số bang ông Trump nhắm tới, như Michigan, Wisconsin, Pennsylvania và Nevada, có thống đốc là quan chức của đảng Dân chủ. Họ sẽ không để yên cho nỗ lực đảo ngược kết quả kiểm phiếu của ứng viên Cộng hòa.

Trump lat nguoc ket qua bau anh 2

Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer đe dọa sa thải toàn bộ ủy ban bầu cử tiểu bang. Ảnh: AP.

Tại Michigan, Thống đốc Gretchen Whitmer tuyên bố có thể sa thải ủy ban bầu cử tiểu bang và thay thế bằng những người sẵn sàng xác nhận chiến thắng của ông Biden.

Các thống đốc Dân chủ cũng có thể đề cử nhóm cử tri đoàn bỏ phiếu cho ông Biden để cạnh tranh với nhóm cử tri đoàn đề cử bởi cơ quan lập pháp tiểu bang do đảng Cộng hòa kiểm soát. Trong trường hợp này, Quốc hội liên bang sẽ là cơ quan quyết định nhóm cử tri đoàn nào có quyền bỏ phiếu lựa chọn tổng thống.

Chiến thuật của ông Trump có hợp pháp?

Ông Trump là một tổng thống khác thường, với rất nhiều điểm không giống những người tiền nhiệm. Trong 4 năm tại vị, ông Trump đã đi ngược lại nhiều truyền thống của một tổng thống đương nhiệm. Và những ngày cuối nhiệm kỳ, có thể là duy nhất của ông Trump, dường như sẽ không khác so với 4 năm vừa qua.

Sức ép chính trị Tổng thống Trump tạo ra cho quan chức cơ quan bầu cử và cơ quan lập pháp tiểu bang đang gây tranh cãi lớn và là điều chưa có tiền lệ. Thế nhưng, chiến thuật này không hẳn trái pháp luật.

Trong những ngày đầu nước Mỹ thành lập, cơ quan lập pháp các tiểu bang có thẩm quyền rộng lớn trong lựa chọn đại cử tri đoàn. Tới nay, hiến pháp Mỹ chưa có quy định buộc các đại cử tri đoàn phải bỏ phiếu theo ý nguyện của cử tri phổ thông.

Trong hơn 200 năm, các cơ quan lập pháp tiểu bang tự giới hạn thẩm quyền thông qua việc lựa chọn đại cử tri và lá phiếu bầu tổng thống dựa trên ý nguyện của cử tri phổ thông. Tuy nhiên, nền tảng hệ thống ban đầu còn nguyên vẹn.

Nếu Tổng thống Trump thuyết phục thành công một cơ quan lập pháp tiểu bang hành động ngược lại lá phiếu của cử tri phổ thông, phe Dân chủ chắc chắn sẽ khởi kiện. Tuy nhiên, luật pháp liên bang và các tiểu bang quy định mơ hồ về tranh chấp kiểu này, bởi lựa chọn đại cử tri đoàn hiếm khi trở thành đối tượng của tiến trình pháp lý.

Trump lat nguoc ket qua bau anh 3

Ông Al Gore (phải) thừa nhận thất bại sau phán quyết của Tòa án Tối cao năm 2000. Ảnh: AP.

Tranh chấp bầu cử trong quá khứ

Lần gần nhất xảy tranh chấp liên quan tới đại cử tri là cuộc bầu cử năm 2000 giữa ứng viên Dân chủ Al Gore và ứng viên Cộng hòa George W. Bush. Tranh chấp khi đó chỉ xảy ra ở bang Florida, khi cách biệt giữa hai ứng viên chỉ là vài trăm phiếu.

Tòa án Tối cao Mỹ cuối cùng ra phán quyết không chấp nhận kết quả kiểm phiếu lại, công nhận kết quả kiểm phiếu ban đầu, dẫn tới chiến thắng của George W. Bush, người sau này trở thành tổng thống 43 của nước Mỹ.

Bản chất vụ việc năm 2000 rất khác so với hiện nay. Trong khi Al Gore cuối cùng thừa nhận thất bại sau phán quyết của Tòa án Tối cao, Tổng thống Trump hiện tìm cách dùng ảnh hưởng chính trị để thay đổi lá phiếu đại cử tri của các tiểu bang.

Lần gần nhất cuộc bầu cử xảy ra tranh chấp ở nhiều tiểu bang diễn ra năm 1876, giữa ứng viên Cộng hòa Rutherford Hayes và ứng viên Dân chủ Samuel Tildon.

Kết quả kiểm phiếu khi đó bị thách thức ở Louisiana, South Carolina và Florida, khiến không ứng viên nào nhận được đa số phiếu đại cử tri. Sau khi hạn chót công nhận kết quả kiểm phiếu trôi qua, Hạ viện liên bang được trao thẩm quyền. Cơ quan này cuối cùng đứng về phía ứng viên Hayes.

Điều gì xảy ra nếu ông Trump từ chối rời Nhà Trắng?

Nếu tất cả nỗ lực đảo ngược kết quả kiểm phiếu của Tổng thống Trump thất bại, ông Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức vào 12h01 ngày 20/1/2021 và trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, bất kể ông Trump có chấp nhận kết quả hay không.

Sau thời điểm tân tổng thống tuyên thệ, nếu ông Trump từ chối rời Nhà Trắng, Cơ quan Mật vụ và quân đội Mỹ có toàn quyền giải quyết tình hình như họ xử lý các trường hợp xâm phạm cơ quan chính phủ bất hợp pháp.

Zing từ Mỹ: Ông Trump vẫn tuyên bố không nhận thua Jesse Hardman của Zing cho biết ông Trump đăng tweet ám chỉ Biden rằng “ông ta thắng”, dù vậy vẫn chưa chính thức chấp nhận thua cuộc.

Tổng thống Trump âm thầm lên kế hoạch bước đi tiếp theo

Tổng thống Trump đang lên kế hoạch cho cuộc sống hậu Nhà Trắng, nhiều khả năng ông sẽ duy trì ảnh hưởng chính trị và truyền thông, chi phối quyền lực bên trong đảng Cộng hòa.

Ông Trump dùng lại 'bí kíp' kinh doanh trong cuộc chiến bầu cử

Việc Tổng thống Trump kéo dài cuộc chiến pháp lý là điển hình của chiến lược mà ông luôn áp dụng khi còn hoạt động kinh doanh.

Mỹ thử nghiệm đánh chặn tên lửa xuyên lục địa để đề phòng Triều Tiên

Cuộc thử nghiệm là bước đi đầu tiên của Lầu Năm Góc nhằm đẩy mạnh chương trình phòng thủ chống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm