Bảo kê vỉa hè: Chuyện lạ có thật
Trong vai một người muốn tìm chỗ trên vỉa hè tại một con phố chuyên bán bánh mỳ kẹp thịt ở khu vực Hoàng Mai (Hà Nội), anh Quân - một người bán ở đây - cho phóng viên biết, hơn chục điểm bán bánh mỳ trên phố này đều dưới sự quản lý của một ông trùm. “Ai muốn nhập hội đều phải qua ông trùm này mới sống ổn được”.
Anh Quân giải thích, mỗi tháng, họ đều phải nộp cho ông trùm 4 triệu đồng (thường gọi đó là tiền phí bảo kê) để yên tâm buôn bán. Ai không nộp tiền hay mới nhảy vào lãnh địa này mà chưa xin phép đều phải dọn dẹp đồ nghề đi ngay chứ không thể đứng bán được ở đây dù chỉ một ngày. Nói xong, anh Quân nhắc: “Muốn làm ăn ở đây anh sẽ giới thiệu em mai qua gặp vì hôm nay ông trùm nghỉ, không bán hàng. Sau khi xin phép và đóng phí, anh đảm bảo sẽ ổn cả. Ở đây, ai cũng phải làm vậy”.
Chỉ cần nộp phí đầy đủ, mọi người có thể thỏa mái buôn bán trên vỉa hè. |
Thừa nhận chuyện này, anh Trần Văn Tùng ở khu vực Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) đang quản lý cả một nhóm bán hàng trên vỉa hè con phố gần nhà, cho hay vỉa hè là nơi buôn bán phi lợi nhuận, nơi hái ra tiền nhưng không phải ai cũng có quan hệ để có thể nộp tiền bảo kê rồi buôn bán vô tư được. Thường thì “ông trùm” là người người buôn bán, sống lâu năm ở khu vực và “có chút quan hệ” mới có thể “bao sân” được.
Chị Chu Thị Hà - một trong số những quán hàng được anh Tùng “chăm sóc”, nói rằng trước chị đi bán hàng vỉa hè ở đường Cầu Giấy suốt ngày bị dẹp, một buổi sáng có khi phải chạy 3-4 lần. Không có thời gian bán, hàng thì ế, lại thâm hụt vào vốn nên chị chán ngán. Giờ thì chị yên tâm bán từ sáng tới tối mà không lo bị đuổi.
Phí đắt đỏ, quán vỉa hè kinh doanh theo giờ
Sáng là điểm bán đồ ăn, ban ngày chuyển sang quán nước, ban đêm lại thành nơi bán bánh khoai, nem chua rán... chỉ với một diện tích rất hẹp lấn chiếm trên vỉa hè, các hàng quán cũng phải phân chia kinh doanh, bán hàng theo thời gian để đảm bảo tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Thanh, chủ một quán nước trên đường Lê Đức Thọ (gần khu vực sân vận động Mỹ Đình) tâm sự, trước một mình chị thuê chỗ vỉa hè hết 3,5 triệu đồng/tháng, phí bảo kê mất 2 triệu nữa nên lời lãi chẳng được là bao. Đầu năm nay, chị cho một người bán đồ ăn sáng, đồ ăn tối thuê chung. Họ bán đồ ăn sáng, chị bán nước ban ngày và một người bán từ tối đến tận đêm khuya. Chi phí chia đều cho cả ba nên tiền phí ít hẳn.
Trùm vỉa hè bảo kê cả khu phố cho cả nhóm làm ăn . |
Tương tự, không ít quán vỉa hè khác cũng đang áp dụng cách “gối canh” kinh doanh trên vỉa hè để tiết giảm chi phí. Anh Lê Văn Ba, chủ quán đồ nướng sát ngay bên cạnh chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) kể rằng anh và một người nữa cùng mua và đóng phí hàng tháng để giữ vỉa hè này. Nhờ vậy, anh đã tiết kệm được một nửa chi phí, lại không ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.
Ngoài việc chia nhau kinh doanh theo giờ, nhiều chủ quán vỉa hè còn chọn quán cùng bán để hỗ trợ nhau thu hút khách hơn.
Nhờ hình thức gối canh, phân chia thời gian kinh doanh mà các chủ quán vỉa hè tiết kiệm được chi phí bảo kê. |
Chị Ngô Thị Phương - chủ hàng bún đậu cạnh trường học trên đường Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), cho biết, trước đây vỉa hè, khuôn viên này chỉ có một vài người bán như chị... Khách ăn xong lại phải đi chỗ khác để uống nước. Vừa rồi, mấy hàng quán bàn nhau, mỗi người thu hẹp diện tích quán của mình một chút rồi cho quán nước vào bán cùng. “Nhiều khi, chúng tôi vẫn nói vui khi khách hàng ngày càng đông hơn là nhờ chọn bạn cùng bán tốt”, chị Phương vui vẻ.
Cùng cách làm, chị Trâm bán bánh khoai tại khu chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) cuối năm ngoái cũng rủ một người bán nước ngồi cùng. Kể từ đó, số bánh chị bán ra mỗi ngày nhiều hơn, chưa kể còn “lãi” thêm một người bạn hàng vui tính.