Cuối năm là thời điểm trong nước cũng như quốc tế bùng nổ các cuộc thi hoa hậu. Chỉ trong một tháng trở lại đây, khán giả “quay cuồng” với thông tin về Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Đại dương…
Và vẫn còn khoảng trên dưới 10 cuộc thi sắc đẹp lớn nhỏ khác của năm 2017 chưa diễn ra. Nhiều người nói rằng họ không thể nhớ hết tên các cuộc thi và hoa hậu đăng quang vì số lượng ngày càng tăng lên.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh - nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong, người từng đứng ra tổ chức nhiều cuộc thi Hoa hậu Việt Nam - chia sẻ với Zing.vn xung quanh câu chuyện ồn ào của các cuộc thi nhan sắc trong nước và tình trạng "bội thực" thi hoa hậu hiện nay.
'Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam hoãn thi bán kết thì tốt hơn'
Đi cùng với các cuộc thi nhan sắc luôn là những câu chuyện ồn ào về kết quả, sự cạnh tranh, khâu tổ chức, việc thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ… Gần đây, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 tổ chức đêm thi bán kết trong bối cảnh người dân miền Trung đang gồng mình chống chọi với bão lũ (tối 4/11), gây ra những luồng dư luận trái chiều.
Không ít ý kiến nhận xét hành động của ban tổ chức là phản cảm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có người cho rằng việc hủy chương trình sẽ gây thiệt hại lớn cho ban tổ chức với con số ước tính lên đến 10 tỷ đồng.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh, cựu Trưởng ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ với Zing.vn, nhà thơ Dương Kỳ Anh bày tỏ: “Nếu ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam có thể hoãn, lùi tổ chức đêm bán kết sau khi bão qua một thời gian thì tốt hơn. Tất nhiên như thế họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, chúng tôi tổ chức Hoa hậu Việt Nam cũng có lúc gặp phải tình huống bất khả kháng và phải lùi thời gian. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng tôi phải chịu tốn kém nhiều hơn”.
Nói về con số thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng, nhà thơ Kỳ Anh nói: “Con số cụ thể thì tôi không biết, nhưng tốn kém là điều tất nhiên”.
Trước đó không lâu, một cuộc thi cấp quốc gia khác cũng gây xôn xao không kém là Hoa hậu Đại dương 2017 khi nhan sắc tân hoa hậu Lê Âu Ngân Anh bị dư luận đem ra bàn tán, chê bai. Điều này phần nào được coi là hệ quả tất yếu của việc tổ chức thi sắc đẹp tràn lan, mà không chú trọng đến chất lượng.
Về vấn đề này, ông Dương Kỳ Anh nêu quan điểm: “Khen, chê là quyền của mỗi người, của công chúng, nhưng khen, chê sao cho có văn hóa là điều mà tôi muốn nói”.
Trong trường hợp của Ngân Anh, dư luận đã đi quá xa khi mang hình ảnh của cô so sánh với cá kèm những bình luận chế giễu “cá chùi kính”, “hoa hậu của các loài cá”, "hoa hậu cá ngừ đại dương"…
Nhiều sao Việt lên tiếng cho rằng việc chà đạp, xúc phạm nhan sắc của một cô gái là rất ác. Một bộ phận khán giả có lẽ chưa phân biệt được đâu là giới hạn của bình luận, nhận xét và body shaming (miệt thị cơ thể).
Nhà thơ Dương Kỳ Anh cho rằng công chúng cần khen chê về ngoại hình cũng có văn hóa. |
‘Hoa hậu bị chê xấu thì khó chấp nhận’
Một thực tế là những năm gần đây, Việt Nam ngày càng nở rộ các cuộc thi sắc đẹp, dẫn đến chất lượng thí sinh yếu kém, khâu tổ chức thiếu chuyên nghiệp. Thậm chí có những gương mặt cũ, tham gia từ sân chơi này đến sân chơi khác.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh cho hay khi đọc báo và truy cập Facebook, ông thấy mọi người nói nhiều về điều này. Ông đồng tình “cái gì cũng vậy, nhiều quá mà chất lượng không cao sẽ trở nên nhàm chán, khiến niềm tin của công chúng vào cái đẹp giảm sút”. Nhà thơ cho rằng đây là điều đáng lo ngại.
Theo ông, khi tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam, mục đích của ban tổ chức là tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, định hướng cái đẹp cho tuổi trẻ. Sở dĩ họ tổ chức 2 năm một lần với mong muốn chất lượng thí sinh tốt hơn và khâu tổ chức có thời gian chuẩn bị chuyên nghiệp hơn.
“Hình như nhiều cuộc thi sắc đẹp ngày nay còn có mục đích khác. Cái đẹp quý và hiếm lắm, vẻ đẹp của người phụ nữ cũng vậy. Để có một người đẹp hài hòa và tương đối toàn diện khó lắm nên chúng ta phải trân trọng, nâng niu”.
Khi được hỏi về tiêu chí chọn hoa hậu hiện nay có những điểm thay đổi nào so với trước đây, ông Dương Kỳ Anh thẳng thắn: “Mấy năm nay tôi không trực tiếp làm giám khảo các cuộc thi nên không biết cụ thể tiêu chí lựa chọn hoa hậu như thế nào. Tôi chỉ thấy báo chí, công luận chê hoa hậu không đẹp.
Theo tôi, tiêu chí đầu tiên của các cuộc thi là hoa hậu phải đẹp, tất nhiên là vẻ đẹp hài hòa. Nhưng trước hết là vẻ đẹp hình thể, phải có gương mặt đẹp vì xưa nay chúng ta vẫn nói ‘đẹp như hoa hậu’. Hoa hậu mà bị chê xấu thì cũng khó chấp nhận”.
Khán giả đang bị "bội thực" bởi các cuộc thi hoa hậu? |
Cũng chính bởi sự mất uy tín, tổ chức lôm côm, khán giả dần mất thiện cảm với các chương trình về nhan sắc. Không ít ý kiến cho rằng các cuộc thi hoa hậu không đem lại giá trị cho xã hội mà chỉ là nơi để các cô gái khoe vẻ đẹp cơ thể và váy áo. Trước vấn đề này, nhà thơ Dương Kỳ Anh bày tỏ: “Có thể vì một số cuộc thi tổ chức chưa tốt, gây nhiều bức xúc trong dư luận nên mới có ý kiến như vậy”.
Ông nhận định nếu tổ chức tốt, các cuộc thi sắc đẹp sẽ trở thành ngày hội văn hóa cuốn hút hàng triệu người, để chúng ta luôn hướng tới cái đẹp, hướng đến giá trị chân – thiện – mỹ.
“Cha đẻ” của Hoa hậu Việt Nam cho rằng để cải thiện tình trạng ồ ạt thi nhan sắc như hiện nay, cơ quan quản lý chỉ nên cấp phép cho đơn vị nào có điều kiện, có kinh nghiệm tổ chức, có mục đích chính đáng là tôn vinh cái đẹp và có quyết tâm tổ chức tốt, từ đó lựa chọn được một ban giám khảo có tâm, có chuyên môn và “con mắt tinh đời” trong lĩnh vực lựa chọn cái đẹp, nhất là vẻ đẹp của người thiếu nữ Việt Nam.