Theo cập nhật mới nhất từ Forbes, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, đã trở lại danh sách tỷ phú USD với khối tài sản 1 tỷ USD.
Ông chủ Tập đoàn Hòa Phát xếp ở vị trí thứ 1.996 trong bảng xếp hạng những tỷ phú giàu có nhất hành tinh do tạp chí này thống kê.
Nếu so với danh sách công bố hồi đầu năm, khối tài sản ròng của ông Long đã giảm hơn 300 triệu USD, và ông cũng đã giảm 240 bậc trong xếp hạng.
Chiều qua (4/12), ông Trần Đình Long đã có buổi gặp mặt nhà đầu tư để cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và động thái bán ra của các quỹ ngoại.
Ông Long cho biết động thái bán ra HPG của quỹ PENM gần đây là do nhà đầu tư này đến hạn thoái quỹ phải bán ra theo chu kỳ.
Thông thường, khi đến hạn thoái quỹ (10 năm), các quỹ thuộc PENM quản lý buộc phải bán đi các cổ phiếu trong danh mục. Nhưng sau đó, quỹ khác thuộc PENM sẽ lập tức mua lại. Hiện tại, PENM III chưa bán nhiều HPG.
Việc bán cổ phiếu như vậy là điều bắt buộc do điều khoản quỹ. Nhưng PENM III còn 2,5 năm nữa mới đến thời hạn đóng quỹ nên có thể sẽ chưa bán hết cổ phiếu HPG ngay lúc này.
Ông Long cũng khẳng định không bán ra cổ phần doanh nghiệp mà thậm chí sẽ mua thêm vào.
Ông Trần Đình Long trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes với vị trí 1996. Nguồn: Forbes. |
Ngay sau đó, trong phiên giao dịch hôm nay (5/12), cổ phiếu HPG đã có đà tăng 2% thị giá, tương đương 700 đồng/cổ phiếu. Hiện cổ phiếu này được giao dịch với giá 35.300 đồng/cổ phiếu, vốn hóa doanh nghiệp ước đạt gần 75.000 tỷ đồng.
Nắm giữ tới 534,2 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 25,15% vốn doanh nghiệp, ông Long chính là cổ đông lớn nhất tại đây. Lượng cổ phiếu ông nắm giữ hiện có giá trị lên tới gần 19.000 tỷ đồng.
Việc ông Long không xuất hiện trong danh sách tỷ phú USD do Forbes thống kê xuất phát từ sụt giảm thị giá của cổ phiếu HPG khiến tài sản ròng của ông sụt giảm tương ứng xuống dưới 1 tỷ USD. Ngay khi cổ phiếu tăng giá trở lại, tên của đại gia này đã trở lại danh sách.
Tạp chí này từng cho biết phương pháp thống kê tài sản ròng của các tỷ phú có bao gồm tài sản trên giá trị cổ phiếu của họ trên các sàn chứng khoán. Vì vậy khối tài sản này có thể biến động. Bên cạnh đó là các bất động sản sở hữu, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của các tỷ phú để tìm ra tài sản ròng sở hữu.
Forbes cũng đồng thời lấy ý kiến hàng loạt chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau để ước tính tài sản của các tỷ phú.