Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) là một thành viên của Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC). Năm 2015, IPC có vốn sở hữu tại Công ty Sadeco là 44%. Tháng 6/2017, Công ty Sadeco đã chuyển nhượng cho Công ty Nguyễn Kim 9 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu vốn của Công ty IPC tại Công ty Sadeco từ 44% xuống 28,8%.
Thông báo 495
Đánh giá về thương vụ chuyển nhượng này, Thanh tra TP.HCM cho rằng chỉ riêng phần thiệt hại về chênh lệch cổ phiếu đã lên tới 153 tỷ đồng. Nếu tính cả việc đầu năm 2017, nhà đất khu Nam Sài Gòn ảnh hưởng cơn sốt đất, giá tăng rất nhiều nên giá trị thiệt hại thực tế sẽ rất lớn.
Điều đáng chú ý là trong văn bản giải trình, Công ty IPC cho rằng việc chuyển nhượng đã được Thường trực Thành ủy Thành ủy chấp thuận chủ trương nhưng bị Thanh tra TP.HCM bác bỏ.
Trụ sở Công ty IPC |
Cụ thể, trong văn bản số 675/IPC.17 ngày 31/5/2017, Công ty IPC viện dẫn thông báo số 495-TB/VPTU truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang, chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Công ty Sadeco.
Từ đó, Công ty IPC đề nghị Chi cục tài chính doanh nghiệp TP chấp thuận và trình UBND TP phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ, giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Công ty Sadeco.
Sau đó, Chi cục Tài chính doanh nghiệp trình UBND TP.HCM kiến nghị giảm tỷ lệ vốn Nhà nước từ 44% xuống còn 28,8% tại Công ty Sadeco.
Tại văn bản số 732/TCDN-CN ngày 7/6/2017, Chi cục Tài Chính doanh nghiệp cũng viện dẫn thông báo số 495, truyền đạt ý kiến của Phó bí thư Thường trực Thành ủy nhưng chi tiết hơn. Cụ thể, Phó bí thư Thường trực Thành ủy chấp thuận để Văn phòng Thành ủy được biểu quyết chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco.
Thế nhưng, tại văn bản số 730/IPC.17 ngày 16/6/2017, Công ty IPC báo cáo UBND TP.HCM lại nêu: “Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại thông báo số 495".
Đối chiếu các văn bản trên, Thanh tra TP.HCM phân tích văn bản số 730/IPC.17 của Công ty IPC cho rằng “Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương” là không đúng, vì thông báo số 495 là ý kiến chỉ đạo của mỗi Phó bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang.
Vi phạm thẩm quyền
Trong thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM cũng đề cập đến vấn đề trên.
Ông Tất Thành Cang. Ảnh: Zing.vn. |
Cụ thể, UBKT Trung ương xác định ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ thành phố và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp.
Ông Cang cũng được xác định thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố.
Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cuối tháng 12/2018, Ban chấp hành Trung ương kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng; Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM vì có những vi phạm rất nghiêm trọng.