Sáng 4/1, đại diện VKS nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM), Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco) và 18 người liên quan các sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).
Đại diện VKS đề nghị phạt bị cáo Tất Thành Cang 12-14 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.
Ngoài ra, VKS đề nghị phạt bị cáo Tề Trí Dũng 11-12 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí; 9-10 năm tù về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt 19-22 năm tù.
Bị cáo Tất Thành Cang tại tòa. Ảnh: Chí Hùng. |
Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (Tổng giám đốc Sadeco) bị đề nghị 10-11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí; 9-10 năm tù về tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt 19-20 năm tù.
Đại diện VKS đề nghị phạt bị cáo Đỗ Công Hiệp 13-15 năm tù, Trần Công Thiện 13-15 năm tù, Huỳnh Phước Long 12-14 năm tù, Phạm Xuân Trung 6-8 năm tù, Trần Đăng Linh 9-11 năm tù cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí và Tham ô tài sản.
VKS đề nghị phạt Phạm Văn Thông 6-7 năm tù, Nguyễn Hữu Thành 6-7 năm tù, Nguyễn Hữu Thành 6-7 năm tù, Lê Hoàng Minh 5-6 năm tù, Vũ Xuân Đức 4-5 năm tù, Nguyễn Trường Bảo Khánh 4-5 năm tù cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí. Còn bị cáo Nguyễn Văn Minh 5-6 năm tù về tội Tham ô tài sản.
Các bị cáo: Trần Mạnh Khôi, Đoàn Minh Lý, Lâm Văn Tuấn, Đoàn Thị Minh Trang, Lương Trí Cường bị đề phị phạt từ 2-3 năm tù treo về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, thời gian thử thách 4-5 năm.
Theo đại diện VKS, với vai trò là Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, là người đứng đầu, được giao quản lý tài sản của đảng bộ thành phố, phụ trách Văn phòng Thành ủy, bị cáo Tất Thành Cang buộc phải biết rõ bán cổ phần, phát hành thêm để tăng vốn điều lệ cho Công ty Sadeco phải thực hiện đấu giá và thẩm định giá.
Tuy nhiên, bị cáo vẫn bút phê "Đồng ý" vào tờ trình 1148 phát hành 9 triệu cổ phần có giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua đấu giá công khai, không định giá tài sản theo quy định. Hành vi của bị cáo Tất Thành Cang trái quy định tại Khoản 5 Điều 38, Nghị định 91 của Chính phủ, gây thất thoát tài sản của Nhà nước 184 tỷ đồng.
Quá trình điều tra và thẩm vấn công khai tại tòa, bị cáo thừa nhận bút phê vào tờ trình 1148, nhưng bị cáo cho rằng mình thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, không phạm tội. Tuy nhiên, VKS có đủ căn cứ để xác định hành vi phạm tội của bị cáo.
Đại diện cơ quan công tố nhận định, bị cáo Tất Thành Cang có tầm quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành. Nếu không được bị cáo đồng ý thì Văn phòng Thành ủy không thể thống nhất với Sadeco về việc chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim. Sau khi có ý kiến đồng ý của bị cáo, UBND TP.HCM là cơ quan chủ sở hữu của Công ty IPC mới có ý kiến về việc giảm tỷ lệ vốn Nhà nước và phương án phát hành cổ phần cho công ty chiến lược.
Cũng theo lời khai của bị cáo Tề Trí Dũng tại tòa, bị cáo Dũng đã khai đại diện UBND thành phố khi trao đổi với bị cáo cũng cho rằng UBND thành phố chỉ có ý kiến sau khi có quan điểm của Văn phòng Thành ủy. Mặt khác, ngay cả văn bản của Chi cục Tài chính doanh nghiệp gửi UBND thành phố, văn bản của UBND thành phố gửi Công ty IPC cũng căn cứ thông báo 495 của Văn phòng Thành ủy, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư Thường trực dù vốn góp của UBND thành phố và Văn phòng Thành ủy khác nhau và có quyền quyết định độc lập.
Ngoài ra, thông báo 495 không gửi UBND thành phố. Điều đó thể hiện vị trí, vai trò mang tính chất quyết định của bị cáo Tất Thành Cang. Như vậy, cáo trạng của VKSND TP.HCM truy tố bị cáo Tất Thành Cang về tội danh trên, với vai trò đầu vụ là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bị cáo Tề Trí Dũng tại tòa. Ảnh: Chí Hùng. |
Đối với ông Tề Trí Dũng, bị cáo người được Nhà nước giao quản lý tài sản nhưng bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi phạm tội, gây thất thoát tài sản của Nhà nước với số tiền 669 tỷ đồng.
Quá trình điều tra và thẩm vấn công khai tại tòa bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội xuyên suốt từ khi tiếp xúc với Công ty Nguyễn Kim đến khi họp HĐQT thông qua hợp tác với Nguyễn Kim, ký hợp đồng thẩm định giá với Công ty Chứng khoán TP.HCM thống nhất giá phát hành 40.000 đồng/cổ phần, xin ý kiến của UBND thành phố cho đến cuộc họp HĐQT Công ty ban hành nghị quyết chuyển nhượng cổ phần cho Nguyễn Kim. Khi đó, bị cáo đều giữ vai trò chỉ đạo và trực tiếp thực hiện chuỗi hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, bị cáo Dũng khai không thể tự ý lựa chọn được Công ty Nguyễn Kim là đối tác chiến lược nếu không có chỉ đạo của bị cáo Tất Thành Cang.
Trong việc chi tiền của Sadeco cho nhiều cá nhân trong công ty đi du lịch nước ngoài, bị cáo Dũng đã chi tiền của Sadeco cho nhiều cá nhân đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài trái quy định; gây thiệt hại cho Sadeco gần 3,6 tỷ đồng; gây thất thoát gần 2,2 tỷ đồng vốn Nhà nước.