Tuần trước, Trung Quốc đã đưa ra một loạt tuyên bố bất ngờ trong khoảng thời gian 4 ngày khi cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang.
Tối 30/8, đảng Cộng sản Trung Quốc cuối cùng đã tuyên bố thời điểm tổ chức phiên họp toàn thể thứ 4 bị trì hoãn gần một năm của Ủy ban Trung ương. Đây là cuộc họp quan trọng để định hướng cho chính sách kinh tế giữa kỳ. Phiên họp sẽ diễn ra vào tháng 10.
Ngày hôm sau, Phó thủ tướng Lưu Hạc, trợ lý thân cận phụ trách kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình, gây ngạc nhiên với sự đảo ngược chính sách đáng kể. Xuất hiện tại ủy ban phát triển và ổn định tài chính của Quốc vụ viện, ông Lưu tiết lộ một loạt biện pháp kích thích tài chính.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó thủ tướng Lưu Hạc. Ảnh: Reuters. |
Sau đó vào tối 2/9, Trung Quốc tuyên bố sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về đợt trừng phạt thuế nhập khẩu của Mỹ có hiệu lực vào ngày hôm trước.
Theo Nikkei Asian Review, điểm mấu chốt trong ba thông báo là Trung Quốc đang chuẩn bị cho "cuộc chiến dài hơi" với Mỹ về thương mại.
Nhưng đây chỉ là một khía cạnh của bức tranh. Một sự thay đổi lớn đang diễn ra trong chính sách kinh tế trong nước. Sự thay đổi, như mọi khi, được kết nối chặt chẽ với chính trường Bắc Kinh.
Loại kinh tế khỏi chương trình nghị sự
Trong tuyên bố hôm 30/8, Bộ Chính trị, gồm 25 quan chức hàng đầu của đảng, cho biết đã quyết định tổ chức họp trung ương 4 vào tháng 10, để "thảo luận về các vấn đề quan trọng liên quan đến cách duy trì và cải thiện hệ thống chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và tiến bộ trong hiện đại hóa hệ thống và năng lực điều hành".
Từ "kinh tế" đã bị bỏ qua.
Thông thường, mỗi cuộc họp trung ương chỉ có một chủ đề trọng tâm. Rõ ràng, tại hội nghị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới, trọng tâm sẽ không phải là kinh tế.
Khi trung ương 3 kết thúc vào tháng 2/2018, truyền thông Trung Quốc đưa tin rộng rãi rằng họp trung ương 4 sẽ là cơ hội để Trung Quốc triển khai chính sách kinh tế bản lề cực kỳ quan trọng.
Phải mất nhiều tháng để chuẩn bị cho phiên họp. Sau sự chậm trễ đáng kể này, cuối cùng nó đã được ấn định thời gian. Nhưng vấn đề cốt yếu - chính sách kinh tế bản lề - đã bị loại khỏi chương trình nghị sự chính thức.
Sự đảo ngược của ông Lưu tại cuộc họp tài chính vào ngày 31/8 phần nào giải thích lý do. Ông nói về gói kích thích tài chính táo bạo, cắt giảm lãi suất và chính sách tài khóa mạnh mẽ - tất cả các đảo ngược chính sách lớn.
Đối với ông Lưu, một nhà kinh tế, điều này đồng nghĩa với sự thừa nhận và tự phê bình rằng các biện pháp giảm nợ mà ông đưa ra là sai lầm, và điều này dẫn tới sự suy giảm đáng kể của kinh tế Trung Quốc.
Khi Bộ Chính trị họp vào cuối tháng 7, họ lưu ý rằng "áp lực suy giảm của kinh tế trong nước đang gia tăng". Họ có thể cảm nhận được khủng hoảng với tình trạng xấu đi của nền kinh tế Trung Quốc.
Đương nhiên, Bắc Kinh đã phải đưa ra một số biện pháp đối phó khi tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế của quốc gia này giảm xuống còn 6,2% trong quý 2, tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ khi báo cáo hàng quý được công bố.
Động cơ tăng trưởng gần đây của Trung Quốc là tiêu dùng. Các dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu mạnh tay, dù là có chọn lọc.
Khách hàng chen chúc nhau trong ngày khai trương cửa hàng đầu tiên của Costco tại Trung Quốc ở Thượng Hải. Ảnh: AFP/Jiji. |
Ngày 27/8, khi Costco của Mỹ khai trương cửa hàng Trung Quốc đầu tiên tại Thượng Hải, hàng nghìn người mua sắm đã đổ xô đến cửa hàng, một số người chen chúc nhau ở quầy bán gà nướng. Cảnh tượng hỗn loạn khiến cửa hàng buộc phải đóng cửa sớm.
Ở những nơi khác, các dấu hiệu cho thấy bức tranh u ám hơn. Các chủ sở hữu nhà máy tư nhân nhỏ ở khu vực phía đông Trung Quốc, gần Thượng Hải đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong đơn đặt hàng và đang thiếu tiền mặt nghiêm trọng.
Để cứu các chủ nhà máy, các khoản vay ngắn hạn một năm là rất cần thiết. Ông Lưu không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuẩn bị thanh khoản dồi dào, nhanh chóng.
Áp lực gia tăng khi khủng hoảng tới gần
Chủ tịch Tập và Phó thủ tướng Lưu sẽ gặp khó khăn khi tham gia trung ương 4 trong bầu không khí kinh tế ảm đạm như vậy. Điều này sẽ dẫn đến việc các đảng viên đặt câu hỏi về chính sách kinh tế trung hạn và dài hạn của đất nước mà hai ông đã dẫn dắt kể từ năm 2012.
Là kiến trúc sư của các chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc, ông Lưu sẽ phải chịu trách nhiệm nếu các chính sách kinh tế vĩ mô được theo đuổi trong bảy năm qua bị đánh giá là không phù hợp.
Điều đó cũng có nghĩa là những lập luận của Thủ tướng Lý Khắc Cường và các nhà cải cách khác là chính xác. Họ đã kêu gọi quyết định các chính sách dựa trên thị trường từ sớm.
Sự khác biệt giữa hai phe nổi lên cách đây vài năm, khi ông Lưu đóng góp vào bài viết không nêu tên tác giả chính thức trên Nhân Dân nhật báo, chỉ trích mạnh mẽ các chính sách kinh tế mà ông Lý chủ trương. Bài báo được xuất bản trên trang nhất.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đi ngang qua Phó thủ tướng Lưu Hạc tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 5/3. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, như tình hình hiện nay, thủ tướng có vẻ chiếm thế thượng phong. Ông Lưu cũng chịu trách nhiệm đàm phán thương mại với Mỹ. Nếu ông mất ảnh hưởng đối với các chính sách đối nội, nó sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán.
Ông Tập, người có quyền lực chính trị cao nhất, cần phải giải quyết vấn đề phức tạp này.
Nếu trung ương thông qua chính sách kinh tế cơ bản cho ba năm tới, thì đảng sẽ không thể phủ nhận hoặc từ chối các chính sách kinh tế bảy năm qua dưới "kỷ nguyên mới" của ông Tập.
Đây là lý do ông Tập không còn lựa chọn nào khác ngoài việc loại trừ chủ đề kinh tế khỏi chương trình nghị sự. Thay vào đó, vấn đề điều hành đất nước trở thành chủ đề trung tâm của trung ương 4.
Trung Quốc hiện đối mặt với một loạt thách thức khó khăn, đặc biệt là cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ với Mỹ và tình trạng bất ổn ở Hong Kong. Ngoài ra, để chống lại cuộc chiến thương mại kéo dài, Trung Quốc phải tăng cường khả năng điều hành và củng cố đoàn kết nội bộ đảng.
Nếu tình hình cho phép, các vấn đề kinh tế có thể được thảo luận, bao gồm cả chính sách của Trung Quốc về cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ. Từ ngữ trong tuyên bố của Bộ Chính trị để lại một số không gian cho việc này.
Tăng cường "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" được coi là chủ đề trung tâm. Cụm từ này rất mơ hồ và có thể bao gồm các vấn đề kinh tế.
Ông Tập có thể đẩy "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc", cụm từ đưa ra từ thời Đặng Tiểu Bình, sao cho phù hợp với xã hội toàn cầu hóa và thúc đẩy một số cải cách hệ thống như yêu cầu của ông Trump.
Động thái đó của Trung Quốc có thể giúp làm ổn định kinh tế toàn cầu - vốn đang ở ngưỡng bấp bênh theo những biến động liên tiếp của thương chiến.
Nếu trung ương 4 sắp tới tránh chủ đề kinh tế thì mọi con mắt sẽ đổ dồn về Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương dự kiến tổ chức cuối tháng 11 hoặc muộn hơn. Hội nghị này đặt ra chính sách kinh tế ngắn hạn cho năm sau.
Những thông điệp mà ông Lưu đưa ra sau bước ngoặt gần đây sẽ tác động đáng kể đến tương lai của nền kinh tế toàn cầu đang quay cuồng với cuộc đụng độ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.