Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Bloomberg |
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đầu năm 2016 có sự khởi đầu tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ. Chỉ số CSI 300 trên sàn chứng khoán Trung Quốc giảm hơn 7%, khiến thị trường ngừng giao dịch sau khi mở cửa 30 phút ngày 7/1. Đây là lần thứ hai giao dịch tại Trung Quốc bị gián đoạn, sau lần lao đao hồi đầu tuần cũng vì thị trường sụt giảm mạnh.
Nguyên nhân của vụ việc được cho là do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố giảm tỷ giá nhân dân tệ với mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Tỷ giá đồng tệ đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2011. Đây là lần thứ 2 trong năm 2016 thị trường chứng khoán Trung Quốc đóng cửa vì lao dốc. Nó trở thành phiên giao dịch ngắn nhất trong lịch sử chứng khoán Trung Quốc.
Ngày 6/1, Triều Tiên tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân mà Bình Nhưỡng gọi là bom H. Vụ nổ tạo ra động đất mạnh 5,1 độ Richter, với địa chấn có thể cảm nhận được từ bên kia biên giới với Trung Quốc. Bắc Kinh là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên nên cộng đồng quốc tế ngay lập tức kêu gọi các động thái kiềm chế Bình Nhưỡng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Kim Jong Un chưa gặp mặt trong khi phía Bình Nhưỡng từ chối lời kêu gọi ngừng theo đuổi chương trình hạt nhân của Bắc Kinh. Theo phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bình Nhưỡng không báo trước cho Bắc Kinh về vụ thử hạt nhân vừa diễn ra.
Cuộc khủng hoảng kép có thể là khởi đầu cho một năm đầy thách thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông phải nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cải tổ các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh và khắc phục những hệ lụy từ một lực lượng lao động đang già đi nhanh chóng.
Hu Xingdou, giáo sư kinh tế học tại Viện công nghệ Bắc Kinh, nhận định: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải khắc phục vấn đề trong năm nay. Đây là một năm quan trọng".
Chủ tịch Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc diễn ra trong tháng 3. Trong khuôn khổ Đại hội, chính phủ Trung Quốc dự kiến thông qua kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo nhằm đạt được tăng trưởng hàng năm tối thiểu từ 6,5% tới cuối thập kỷ. Giới lãnh đạo Trung Quốc đang tìm kiếm các đường hướng phát triển chậm nhưng bền vững hơn, dựa vào sức tiêu dùng nội địa thay vì các dự án cơ sở hạ tầng lớn như sân bay và đường sắt cao tốc.
Năm ngoái, đồng nhân dân tệ được chỉ định trở thành một trong những loại tiền chính của thế giới, vị thế của Trung Quốc trên vũ đài chính trị quốc tế được nâng cao qua các chuyến công du tới Mỹ và Anh của ông Tập. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý thị trường chứng khoán sụp đổ chưa thực sự hiệu quả cũng như lo ngại về sự tăng trưởng kém nhất của nền kinh tế Trung Quốc trong 1/4 thế kỷ làm dấy lên câu hỏi về định hướng của chính phủ Trung Quốc.
Trước vụ việc cổ phiếu bị bán tháo năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc trong hai thập kỷ qua. Các vấn đề được ông Tập trực tiếp quản lý là kinh tế, đối ngoại và an ninh quốc gia. Ở thời điểm hiện tại, vấn đề kinh tế và các sự kiện quốc tế lớn đang tiếp tục thách thức vai trò lãnh đạo của ông Tập.