Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, cổ đông lớn nhất tại Tập đoàn Vingroup, vừa thông báo về việc gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu VIC.
Theo đó, Tập đoàn Đầu tư Việt Nam cho biết sẽ nhận chuyển quyền sở hữu hơn 55,6 triệu cổ phiếu VIC từ đối tác, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên mức 1,12 tỷ đơn vị, chiếm 32,67% vốn điều lệ Vingroup. Trước đó, tập đoàn này sở hữu 31,5% vốn Vingroup.
Phía đối tác chuyển nhượng cổ phiếu không được tiết lộ nhưng mục đích thực hiện giao dịch là để hoàn thành thủ tục do nhận góp vốn bằng cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, dự kiến diễn ra từ ngày 25/12 năm nay tới 23/1/2020.
Đặc biệt, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam chính là doanh nghiệp do ông Phạm Nhật Vượng nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu hơn 92%. Bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) cũng là một cổ đông khác tại Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup. Ảnh: Bloomberg. |
Ngoài việc nắm giữ vốn Vingroup gián tiếp thông qua Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, cá nhân ông Vượng còn đang sở hữu trực tiếp 876 triệu cổ phiếu VIC, chiếm 25,54% vốn điều lệ tập đoàn. Bà Phạm Thu Hương cũng đang sở hữu 4,4% vốn doanh nghiệp.
Nếu tính cả số vốn sở hữu trực tiếp và gián tiếp, vợ chồng tỷ phú Vượng đang chi phối khoảng 62% cổ phần Tập đoàn Vingroup. Giá thị trường hiện tại của cổ phiếu VIC ở mức 115.800 đồng (ngày 20/12), tương đương giá trị cổ phiếu vợ chồng ông Vượng đang sở hữu vào khoảng 240.000 tỷ đồng, tương đương hơn 10 tỷ USD.
Theo số liệu cập nhật từ Tạp chí Forbes, tại ngày 20/12, khối tài sản ròng vị doanh nhân người Việt này sở hữu là 7,7 tỷ USD, tăng 1,1 tỷ USD so với đầu năm và xếp thứ 234 thế giới.
Trong khi đó, số liệu của Bloomberg ước tính khối tài sản ròng của ông Vượng là 9,1 tỷ USD.
Mới đây, hãng tin này cũng cho biết ông Vượng đang có kế hoạch tự chi 2 tỷ USD tiền túi để thực hiện mục tiêu xuất khẩu xe điện sang thị trường Mỹ thông qua bằng hãng sản xuất ôtô và xe điện VinFast. Số tiền 2 tỷ USD này tương đương khoảng một nửa tổng vốn đầu tư vào dự án ôtô, xe điện.
Để có được số tiền này, vị tỷ phú dự kiến bán 10% cổ phần sở hữu tại Vingroup. Hiện tại, ông Vượng đang sở hữu 49% vốn VinFast và 51% cổ phần còn lại do Vingroup nắm giữ.
Vị doanh nhân cũng chia sẻ dự tính VinFast sẽ chưa thể có lãi trong 5 năm tới, Vingroup cũng sẽ phải chi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để bù lỗ, theo ước tính của ông Vượng có thể lên đến 18.000 tỷ mỗi năm.
Để dồn lực cho dự án này, Vingroup sẽ thoái vốn khỏi các mảng khác, đồng thời cắt giảm chi phí tại các công ty con.
Liên quan tới hoạt động này, liên tiếp gần đây Vingroup đã tuyên bố thoái vốn và giải thể hàng loạt mảng đầu tư từng rất quan trọng với tập đoàn.
Trong đó, tập đoàn này hoán đổi cổ phiếu để sáp nhập Công ty VinCommerce (sở hữu chuỗi Vinmart và Vinmart+) và VinEco cho đối tác Masan, giải thể chuỗi điện máy VinPro và sáp nhập trang thương mại điện tử Adayroi vào VinID. Nhiều nguồn tin cho biết VinID cũng đã được sang nhượng cho đối tác khác trong nước.