Vậy là tôi có mặt tại buổi dã ngoại của chiến dịch tranh cử tại Montana, dẫn đầu một nhóm những người lạ mặt hát bài “Chúc mừng sinh nhật” tặng Malia, cô bé con đang mỉm cười ngồi trên bãi cỏ với một chiếc hamburger trên đĩa.
Những mật vụ bí ẩn
Tôi biết cử tri thấy hai cô con gái của chúng tôi thật đáng yêu và thấy sự gắn bó của gia đình chúng tôi thật đáng quý. Nhưng tôi thường nghĩ không biết các con nhìn nhận toàn bộ những chuyện này như thế nào, chúng có suy nghĩ gì về mọi chuyện đang diễn ra.
Tôi cố gắng dằn xuống cảm giác tội lỗi. Chúng tôi có kế hoạch tổ chức một bữa tiệc sinh nhật đúng nghĩa vào cuối tuần tiếp theo, một bữa tiệc có rất nhiều bạn bè của Malia đến tham dự và ngủ lại nhà chúng tôi ở Chicago, và không dính gì tới chính trị.
Còn buổi tối hôm quốc khánh đó, chúng tôi đã có một bữa quây quần riêng tư hơn tại khách sạn. Tuy vậy, khi hai con gái của chúng tôi chạy quanh khu dã ngoại trong lúc Barack và tôi bắt tay các cử tri tiềm năng vào chiều hôm đó, tôi tự hỏi không biết về sau chúng có nhớ tới bữa tiệc ngoài trời này như một kỷ niệm vui hay không.
Những ngày này, tôi dõi theo Sasha và Malia với một cảm giác mãnh liệt mới mẻ trong tim. Giờ đây, những người lạ bắt đầu gọi tên chúng. Họ muốn chạm vào chúng và chụp ảnh chúng, giống họ làm với tôi.
Sau mùa đông, chính phủ cho rằng tôi và hai con gái cần có mật vụ bảo vệ vì quá nhiều người đã biết tới chúng tôi. Điều này nghĩa là khi Sasha và Malia đi học hay tham dự trại hè, thường do bà ngoại chở đi, nhân viên mật vụ sẽ lái xe theo sau chúng.
Ở buổi dã ngoại, mỗi chúng tôi đều có nhân viên mật vụ theo sát. Họ dò xét đám đông để xem có dấu hiệu đe dọa nào hay không. Họ khéo léo can thiệp nếu một người thiện chí trở nên nhiệt tình quá mức và thu hút sự chú ý.
Thật may, bọn trẻ có vẻ không xem các mật vụ như cận vệ mà xem họ giống những người bạn lớn tuổi mới xuất hiện trong mạng lưới ngày càng mở rộng của những con người thân thiện mà chúng tôi đi cùng, chỉ khác là họ đeo tai nghe và luôn có tinh thần cảnh giác cao độ. Sasha thường gọi họ là “những người bí ẩn”.
Hai đứa trẻ giúp quá trình vận động tranh cử trở nên dễ chịu hơn, bởi chúng không chú tâm nhiều vào kết quả. Tôi và Barack cảm thấy an tâm khi có các con bên cạnh. Đó là một sự nhắc nhở rằng rốt cuộc thì gia đình vẫn có ý nghĩa hơn số lượng đông đảo người ủng hộ hay chuyện vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng bầu cử.
Hai đứa con của chúng tôi đều không để tâm đến sự ồn ào huyên náo đang vây quanh cha chúng. Chúng không bận tâm xây dựng một nền dân chủ tốt đẹp hơn hay muốn được vào Nhà Trắng.
Tất cả điều chúng muốn (thật sự, thật sự muốn) là một chú cún. Vào những lúc mọi người ít bận rộn hơn, hai đứa thích chơi đuổi bắt hoặc chơi bài với nhân viên chiến dịch, và cho dù đến đâu, chúng cũng sẽ luôn tìm một tiệm kem. Những thứ còn lại đều không đáng bận tâm.
Gia đình ông Obama. Ảnh: Twitter Barack Obama. |
Con thấy sao nếu cha tranh cử tổng thống?
Tới tận hôm nay, Malia và tôi vẫn còn cười khi nhắc lại chuyện hồi con bé chỉ mới tám tuổi. Một đêm nọ, khi Barack đang dỗ con bé ngủ, anh đã hỏi: “Con thấy sao nếu cha tranh cử vị trí tổng thống? Con có nghĩ cha nên làm vậy không?”.
“Có chứ ạ!”, con bé đáp và hôn lên má Barack. Quyết định tranh cử của anh sẽ thay đổi gần như mọi thứ trong cuộc sống của con bé sau này, nhưng làm sao mà con bé biết được? Con bé chỉ đơn giản xoay người rồi chìm vào giấc ngủ.
Ngày hôm đó ở Butte, chúng tôi đến tham quan bảo tàng khai thác mỏ trong vùng, chơi đấu súng nước và đá bóng trên bãi cỏ.
Barack đọc bài diễn văn tranh cử và bắt tay đám đông cử tri như thường lệ, đồng thời vẫn duy trì sự gắn bó với cả nhà.
Sasha và Malia trèo lên người anh, cười khúc khích và khiến anh vui vẻ với những suy nghĩ ngây thơ của chúng.
Tôi nhìn thấy sự thoải mái trong nụ cười của anh, ngưỡng mộ anh vì khả năng gạt mọi xao nhãng bên ngoài sang một bên và chỉ đơn giản là người cha mỗi khi có cơ hội. Anh trò chuyện với vợ chồng em gái, Maya và Konrad, và luôn choàng vai tôi khi chúng tôi đi bất kỳ đâu.
Chúng tôi không bao giờ đơn độc. Chúng tôi có nhân viên vây quanh, có mật vụ bảo vệ, có phóng viên chờ phỏng vấn, có những người xa lạ chụp ảnh chúng tôi từ xa. Giờ đây, tất cả điều đó đều là bình thường trong cuộc sống chúng tôi.
Trong suốt thời gian tranh cử, cuộc sống của chúng tôi được lên lịch sẵn đến mức chúng tôi chỉ biết nhìn cuộc sống cá nhân và quyền làm chủ cuộc sống của mình dần dần biến mất.
Cả Barack và tôi đều trao gần như cả cuộc sống vào tay một nhóm những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi, những người cực kỳ thông minh và tháo vát, nhưng cũng là những người không biết cảm giác từ bỏ quyền làm chủ cuộc đời mình đau đớn đến dường nào.
Nếu cần một món gì đó ở cửa hàng, tôi phải nhờ ai đó đi mua giùm. Nếu muốn nói chuyện với Barack, tôi thường phải gửi yêu cầu cho một nhân viên trẻ tuổi của anh. Đôi khi trên lịch trình của tôi xuất hiện các sự kiện và hoạt động mà tôi không biết.
Nhưng dần dần, như một bản năng sống còn, chúng tôi đã học cách chấp nhận thực tế và sống cuộc đời của mình trước con mắt của công chúng.