Ông Obama 'cứu viện' cho Tổng thống Biden tại COP26 - Phân tích - ZNEWS.VN
Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ông Obama 'cứu viện' cho Tổng thống Biden tại COP26

Sự tái xuất của ông Obama tại COP26 đánh dấu nhiều điều bất thường nhưng đã góp phần giúp chính quyền Biden lấy lại niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Mỹ ở vấn đề biến đổi khí hậu.

Cựu Tổng thống Barack Obama có mặt tại hội nghị quốc tế về khí hậu COP26 tổ chức ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh hôm 8/11.

Phát biểu tại hội nghị, ông Obama gửi đi thông điệp khẳng định nước Mỹ đã trở lại với cộng đồng quốc tế và sẵn sàng đảm trách vai trò lãnh đạo cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Lúc này, Tổng thống Joe Biden đã trở về Washington đã thúc đẩy chương trình nghị sự trong nước. Sự xuất hiện của ông Obama được miêu tả là "viện binh" cho đặc phái viên John Kerry, trong bối cảnh Washington muốn thuyết phục thế giới rằng nước Mỹ thực sự nghiêm túc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Khẳng định sự trở lại của nước Mỹ

Xuất hiện tại COP26, ông Obama không chỉ muốn bày tỏ sự nuối tiếc vì người kế nhiệm ông - Donald Trump - đã kéo lùi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cựu tổng thống còn muốn thể hiện nỗi lo lắng khi giới chức toàn cầu đang quá chậm thực thi những biện pháp cần thiết để bảo vệ Trái Đất.

"Tôi nhận thấy chúng ta đang sống ở thời khắc mà hợp tác quốc tế trở nên mờ nhạt, một phần bởi đại dịch, một phần bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và tâm lý ích kỷ khắp thế giới, một phần cũng bởi thiếu đi sự lãnh đạo từ phía Mỹ trong các vấn đề đa phương 4 năm qua", ông Obama nói.

Thông điệp được ông Obama đưa ra chỉ một tuần sau khi Tổng thống Biden xuất hiện tại COP26 và đích thân xin lỗi vì chính quyền Trump đã rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Obama COP26 anh 2

Cựu Tổng thống Obama phát biểu tại COP26. Ảnh: Reuters.

Lúc này, cộng đồng quốc tế đang hoài nghi liệu Tổng thống Biden, lưỡng viện Quốc hội cũng như nước Mỹ có thực sự nghiêm túc với cam kết quốc tế chống biến đổi khí hậu, sau những biến cố đã xảy ra vài tháng qua.

Ông Obama sẽ phải thuyết phục các đối tác rằng nước Mỹ đã quay lại với nỗ lực chung bảo vệ Trái Đất. Nhiệm vụ của cựu tổng thống là cho thế giới thấy bất chấp thời gian 4 năm chính quyền Trump, nước Mỹ đã trở lại đúng hướng.

"Dĩ nhiên tại Mỹ, một số tiến bộ đã chậm lại khi người kế nhiệm tôi quyết định đơn phương rút khỏi Hiệp định Paris ngay trong năm đầu nhiệm kỳ. Điều đó làm tôi thực sự rất buồn", ông Obama cho biết.

Tuy nhiên, thời kỳ ông Trump không phải là lý do để mất đi niềm tin vào những gì mà hợp tác quốc tế có thể đạt được, cũng như cam kết của nước Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, ông Obama khẳng định.

Bất chấp chính sách "thù địch với khoa học môi trường" của cựu Tổng thống Trump, nước Mỹ vẫn đạt được cam kết ban đầu theo Hiệp định Paris, ông Obama nói.

"Không chỉ vậy, phần còn lại của thế giới vẫn kiên trì với Hiệp định. Và giờ khi chính quyền Tổng thống Biden tái gia nhập, chính phủ Mỹ một lần nữa tham gia và sẵn sàng đảm trách vai trò lãnh đạo", ông Obama khẳng định.

Ông Obama cũng chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin vì không tham dự COP26 trong khi phần lớn lãnh đạo thế giới đều có mặt.

Sự xuất hiện của Obama tại một hội nghị quốc tế đã là động thái bất thường đối với một cựu tổng thống, cũng như những lời chỉ trích công khai của ông về người kế nhiệm Donald Trump, theo CNN. Không kém phần bất thường là việc ông chỉ trích các nhà lãnh đạo nước ngoài đương nhiệm, như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hướng tới thế hệ trẻ

Vị tổng thống thứ 44 của Mỹ thừa nhận đôi lúc ông cảm thấy ảm đạm vì tương lai của nhân loại. Tuy nhiên, ông Obama kêu gọi các chính trị gia, các nhà hoạt động không mất niềm tin. Ông cũng ca ngợi các chiến dịch bảo vệ Trái Đất của giới trẻ.

"Nguồn năng lượng quan trọng nhất trong phong trào hiện nay đến từ thế hệ trẻ. Lý do rất đơn giản, thế hệ trẻ có nhiều thứ để mất hơn bất cứ ai khác. Đó là lý do tôi muốn dành phần thời gian còn lại của tôi hôm nay để trò chuyện với các bạn", ông Obama nói.

Nói với đại diện các phái đoàn dự COP26, ông Obama cho rằng sẽ không thể đạt được những kế hoạch chống biến đổi khí hậu đủ tham vọng nếu thiếu đi sức ép từ lá phiếu của các cử tri.

"Các cuộc biểu tình là cần thiết để nâng cao nhận thức, phong trào hashtag có thể lan tỏa thông điệp đi xa", ông Obama nói.

Cựu tổng thống Mỹ đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ tuyên truyền tới người thân về biến đổi khí hậu, ông cho biết cần chuyển hóa những người chưa tin hoặc thờ ơ trước thách thức hiện nay.

Obama COP26 anh 3

Một nhóm hoạt động môi trường biểu tình tại Glasgow trong thời gian diễn ra COP26. Ảnh: AFP.

"Chúng ta phải khiến thêm những người khác lắng nghe, chúng ta không thể chỉ trách móc hay nói xấu họ", ông Obama nói.

Trong phần cuối bài phát biểu, ông Obama cho biết ngăn chặn thảm họa toàn cầu sẽ không dễ dàng. Cựu tổng thống chỉ ra thực tế các chính phủ vẫn phản ứng chậm chạp, giới doanh nghiệp không sẵn sàng hy sinh lợi nhuận, cũng như những thông tin sai lệch trên mạng xã hội.

"Nếu có một điều cần vượt qua tranh đấu chính trị và toan tính địa chính trị, đó là biến đổi khí hậu. Thế giới cần ra tay hành động và cần hành động ngay bây giờ", ông Obama khẳng định.

"Để mọi người cùng phối hợp hành động trên quy mô toàn cầu sẽ cần nhiều thời gian, mà thời gian là thứ chúng ta không có nhiều", ông Obama nói thêm.

Cựu tổng thống Mỹ cho rằng Trái Đất đã chịu tổn thương bởi hành động của chính con người, những vết thương này sẽ không lành trong một sớm một chiều. Nhưng, ông Obama tin nhân loại có thể sửa chữa để có tương lai tốt đẹp hơn.

Ông Obama kêu gọi giới trẻ đẩy mạnh hơn nữa sức ép lên những người có trách nhiệm để tiếp tục cuộc chiến với biến đổi khí hậu.

"Tôi đã sẵn sàng cho chặng đường dài phía trước, nếu các bạn cũng sẵn sàng, hãy bắt tay vào việc", ông Obama kết thúc bài phát biểu trong tràng pháo tay từ phía các đại biểu tham dự.

Trong thời gian ở Scotland, Vương quốc Anh, cựu Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ lãnh đạo nhiều nhóm hoạt động môi trường, lãnh đạo giới doanh nghiệp và các quan chức.

Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về khí hậu được tổ chức 5 năm sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực. Hiệp định Paris ra đời sau COP21 năm 2015, theo đó các nước cam kết không để Trái Đất nóng lên quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mục tiêu hiện nay là mức 1,5 độ C.

Bọc chăn chống lửa bảo vệ cây cổ thụ lớn nhất thế giới
00:00
/
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
Video sẽ chạy sau3
Bọc chăn chống lửa bảo vệ cây cổ thụ lớn nhất thế giới Cháy rừng ở California đe dọa sự sống của hàng loạt sinh vật trong Vườn quốc gia Sequoia. Các nhân viên cứu hỏa đã bọc chăn chống lửa quanh gốc cây cổ thụ lớn nhất thế giới.
Bài liên quan

Duy Anh