Ông Obama từng nói việc một người da màu như ông trở thành tổng thống hoàn toàn là nhờ cống hiến của John Lewis trong cuộc chiến cả đời chống lại phân biệt chủng tộc.
Trong bài phát biểu mạnh mẽ, gay gắt nhất kể từ khi thôi làm tổng thống, ông Obama nói cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc vẫn còn tiếp tục, nhưng người kế nhiệm ông là Tổng thống Trump đang phá hoại điều đó.
Năm 2011, ông Lewis được tổng thống Barack Obama trao Huân chương Tự do cho những đóng góp của ông vì dân quyền. Đây là một trong hai huân chương cao quý nhất của nước Mỹ do tổng thống trao tặng. Ảnh: AP. |
Ông Obama còn có ý nói ông Trump muốn làm xói mòn dân chủ. “Có những người nắm quyền đang làm mọi cách để ngăn người dân đi bỏ phiếu”, ông nói. Chỉ vài giờ trước, ông Trump nói trên Twitter rằng bầu cử Mỹ có thể phải hoãn vì gian lận, dù không có bằng chứng nào.
Phát biểu gay gắt nhất
Giữa lúc Tổng thống Trump có các lời lẽ gây chia rẽ về phong trào biểu tình phản đối cảnh sát da trắng làm chết người da đen George Floyd, ông Obama ca ngợi ông John Lewis là một anh hùng dân tộc.
“Nước Mỹ là do những người như John Lewis tạo nên”, ông Obama nói. “Ông đưa nước Mỹ gần thêm một chút tới lý tưởng cao đẹp nhất của chúng ta. Một ngày, khi chúng ta đã hoàn thành chặng đường đến với tự do, khi chúng ta xây dựng một hợp chủng quốc hoàn hảo hơn, John Lewis sẽ là vị cha lập quốc của một nước Mỹ bao trùm hơn, công bằng hơn đó”.
John Lewis đang dẫn đầu hàng trăm người biểu tình đến cầu Edmund Pettus ở Selma (thành phố thuộc Alabama) vào ngày "Chủ nhật Đẫm máu" 7/3/1965. Ảnh: AP. |
“Hãy tưởng tượng sự dũng cảm của những người chỉ ngang, thậm chí trẻ hơn tuổi của Malia - con gái lớn của tôi, khi dám đứng lên thách thức cả một thể chế bất công”, ông Obama nói tiếp. (Con gái lớn Malia Obama 22 tuổi).
Giữa lúc nước Mỹ vừa trải qua phong trào biểu tình có quy mô lịch sử ngang với năm 1968, đám tang của ông John Lewis như một phút nhìn lại mình của Mỹ trong chặng đường loại bỏ phân biệt chủng tộc, trở thành cột mốc trong lịch sử thực thụ.
John Lewis (quỳ dưới đất bên phải) bị một sĩ quan khống chế trong cuộc biểu tình. Ảnh: AP. |
Ngày mà ông John Lewis được nước Mỹ tưởng nhớ bắt đầu bằng chính lời nói của ông. Báo New York Times đăng bài xã luận của ông vào sáng sớm, bàn về những nguyên tắc mà ông đã sống trong suốt cuộc đời.
“Khi bạn thấy điều gì không đúng, không công bằng, bạn phải có tiếng nói. Bạn phải làm gì đó. Dân chủ không phải là một trạng thái, mà là một hành động. Mỗi thế hệ cần phải làm phần của mình để xây dựng điều mà chúng tôi gọi là một cộng đồng đầy tình thương, một đất nước, một thế giới thực sự bình an”, ông viết khi còn sống.
Nói một cách ngắn gọn, “ông ấy để lại mệnh lệnh cho chúng ta: là hãy cứ tiếp tục”, cựu tổng thống Bill Clinton nói về bài viết tại lễ tang.
Việc Tổng thống Trump vắng mặt ở buổi lễ không hề gây ngạc nhiên, nhưng vẫn gây chú ý lớn - là sự nhắc nhở về tình hình chính trị chia rẽ sâu sắc hiện nay, CNN bình luận.
Tổng thống Obama phát biểu tại lễ tang ông John Lewis ngày 30/7 tại Atlanta, Georgia. Ảnh: Reuters. |
Chỉ trích đích danh Tổng thống Trump
Việc tưởng nhớ những tượng đài của lịch sử từng là một điều có thể khiến Washington đoàn kết lại, dù bất đồng đến đâu. Nhưng ông Trump, người từng không tới đám tang của cựu thượng nghị sĩ John McCain, giờ đây cũng không tới đám tang ông John Lewis.
Ông chỉ có tweet ngắn chia buồn sau tin ông Lewis qua đời. Mọi người không quên chỉ ra rằng tweet tưởng nhớ MC truyền hình Regis Philbin dài gấp ba lần.
“Giờ đây, có thể thấy rõ ông Trump ghét các sự kiện tưởng niệm và truyền thống dành cho những người ông không thích”, CNN bình luận. “Ông không có kiên nhẫn cho những lễ nghi nếu không xoay quanh ông. Các cố vấn từng nói không muốn đưa ông Trump đến những nơi mà ông không được đón tiếp nồng hậu, vì ông có thể làm mọi thứ rối lên”.
Ông có đến đám tang của cố tổng thống George H. W. Bush, cũng là lần duy nhất ông gặp gỡ những người tiền nhiệm kể từ khi lên nắm quyền. CNN nhận định thái độ của ông dường như khá lạnh nhạt, theo các video của sự kiện.
Năm 1987, John Lewis được bầu làm Hạ nghị sĩ đảng Dân ở bang Georgia, Mỹ, làm liên tiếp 17 nhiệm kỳ cho tới khi qua đời ngày 17/7. Ông được cả hai đảng tôn trọng, được coi là “lương tâm của Quốc hội Mỹ”. Ảnh: Getty Images. |
Trái ngược với ông John Lewis, ông Trump đã liên tiếp khắc sâu những chia rẽ mà ông Lewis dành cả đời mình để hàn gắn. Giữa lúc cả nước sôi sục phản đối phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát, ông Trump lại có những lời đe dọa đàn áp biểu tình như năm 1968. “Khi hôi của bắt đầu thì súng sẽ nổ", ông nhắc lại lời đe dọa của một cảnh sát trưởng phân biệt chủng tộc năm 1968.
Tuần này, ông còn khoe về việc hủy bỏ một quy định chống phân biệt chủng tộc, nhằm lấy lòng các cử tri da trắng ngoại ô, CNN lưu ý.
Cựu tổng thống Obama dùng bài điếu văn để cảnh báo tương lai nước Mỹ dưới quyền Tổng thống Trump.
“George Wallace có thể không còn, nhưng chúng ta vẫn thấy chính phủ liên bang cử lính đến dùng hơi cay và dùi cui chống lại người biểu tình ôn hòa”, ông nói. George Wallace là thống đốc Alabama chủ trương chia rẽ chủng tộc.
Ông Obama cảnh báo thời kỳ mới mà việc tôn sùng da trắng lại được coi là phép thử về lòng yêu nước. Thay vào đó, ông nói yêu nước thực sự là những người biểu tình như John Lewis, bị cảnh sát bang đánh đập trên cầu Edmund Pettus trong cuộc tuần hành đi vào lịch sử đến Montgomery (thủ phủ bang Alabama) đòi quyền bỏ phiếu.
“Yêu nước thực sự là như vậy. Tin tưởng vào nước Mỹ là như vậy”, ông nói.