Sáng 8/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Thành Tài, cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM. Ông Tài bị khởi tố để điều tra những sai phạm trong việc giao, cho thuê không qua đấu giá khu "đất vàng" 5.000m2 số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1. Đây cũng là nội dung được nêu rõ trong kết luận thanh tra hồi tháng 5 năm nay liên quan đến ông Tài trong việc chuyển nhượng lô đất trên.
Ký nhanh, nhiều văn bản chuyển nhượng đất vàng
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM thì khu đất trên có diện tích gần 5.000 m2 thuộc sở hữu Nhà nước. Trước khi vào tay Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue khu đất này thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở làm việc.
Theo đó các Công ty Cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Kim khí thành phố, Công ty Cổ phần hóa chất vật liệu điện thành phố và Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu (tất cả các công ty này trực thuộc bộ Công Thương) sử dụng. Đến năm 2010, cả 4 công ty trên đồng ý chuyển nhượng phần góp vốn tại Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư Kido.
Khu đất vàng liên quan đến sai phạm của ông Nguyễn Thành Tài. |
Sau khi chuyển nhượng, Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue có vốn 2.100 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông là Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà TP.HCM, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm và Công ty TNHH Đầu tư Kido. Năm 2011, UBND TP.HCM quyết định chấp thuận cho Công ty Lavenue sử dụng mảnh đất này để đầu tư khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Sau đó, Lavenue đã nộp tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất hơn 700 tỷ đồng.
Việc làm này theo Thanh tra Chính phủ là sai nguyên tắc khi UBND TP.HCM không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại khu đất này. Tuy nhiên, TP.HCM cho rằng “khó thu hồi đất” vì hiện tại Lavenue đã đầu tư hơn 700 tỷ đồng nộp tiền sử dụng đất và thuê đất.
Theo Thanh tra Chính phủ, những sai phạm của UBND TP.HCM và các sở, ngành, các doanh nghiệp liên quan là có dấu hiệu của việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước, cần được xử lý trách nhiệm một cách nghiêm túc.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định TP.HCM không tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư là vi phạm Điều 54 Luật đầu tư năm 2005. Thành phố giao, cho thuê đất đối với Công ty cổ phần Lavenue không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là trái với quy định tại Điều 6, khoản 1 Điều 7 Quyết định 09/2007 của Thủ tướng và tại khoản 3 Điều 2 Luật Quản lý tài sản nhà nước năm 2008.
Công ty này cũng không phải là đối tượng được cho thuê đất, nên UBND thành phố đã vi phạm Nghị định số 121/2010 của Chính phủ và Quyết định 140/2008 của Thủ tướng.
Việc không xin ý kiến Thường trực HĐND và báo cáo HĐND thành phố tại phiên họp gần nhất trước khi quyết định giá đất để làm căn cứ thu tiền sử dụng đối với 5.000 m2 đất là trái Nghị định 123/2007 của Chính phủ; trái với quy định Thông tư 145/2007 của Bộ Tài Chính.
UBND thành phố giao Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh nhà thành phố và 4 công ty của Bộ Công thương thời điểm đó tham gia dự án vượt quá khả năng tài chính của các đơn vị là vi phạm Quy chế quản lý tài chính công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác ban hành kèm Nghị định 09/2009 của Chính phủ.
“Trách nhiệm chung thuộc về UBND TP.HCM. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về cá nhân ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2015. Ông Tài là người đã ký nhiều, ký nhanh các văn bản chấp thuận cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án. Ngoài ra,còn có trách nhiệm của Sở Kế hoạch đầu tư; Sở Tài nguyên và môi trường; Sở Tài chính; Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM; Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà thành phố; 4 công ty thuộc Bộ Công Thương”- Thanh tra kết luận.
Sai lầm khi kế thừa nhiệm vụ của ông Nguyễn Hữu Tín?
Hối tháng 5, ngay sau khi kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố, ông Nguyễn Thành Tài đã có những trao đổi với Zing.vn về vấn đề này. Quan điểm lúc đó của ông Tài là sai lầm vì quá nóng vội và không hệ thống được lại từ đầu vì kế thừa những đề xuất trước đó của ông Nguyễn Hữu Tín.
Theo ông Tài, nhiệm kỳ 2004-2009 kéo dài đến năm 2011 thì ông được phân công làm Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, phải lo rất nhiều mảng khác chứ không phải mảng đô thị. Cuối năm 2008, ông Nguyễn Hữu Tín (khi đó là Phó chủ tịch) đi học, nên ông phải nhận luôn mảng đô thị, vì thế theo ông cần phải hệ thống lại rõ ràng và trách nhiệm của cá nhân đến đâu thì ông nhận đến đó.
Ông Nguyễn Thành Tài từng cho rằng bị 4 công ty thuộc Bộ Công Thương lật kèo. |
Ông Tài cho biết, chủ trương xây dựng khách sạn 5 sao và căn hộ thương mại cao cấp đã có từ năm 2007, do Chủ tịch UBND TP thời điểm đó, là ông Lê Hoàng Quân quyết định và thông báo. Theo như chủ trương chung, việc chọn nhà đầu tư sẽ qua đấu thầu cho đúng bài bản, thế nhưng khi triển khai thì không được.
Nguyên nhân của vấn đề này là lô đất không phải là đất trống mà có 4 đơn vị của Bộ Công Thương đã tiếp quản từ sau năm 1975.
Đến khi thành phố đưa ra quy định pháp luật mới thì các đơn vị này phải đăng ký với Công ty Quản lý Kinh doanh nhà thành phố. Từ đây cũng bắt đầu nảy sinh tranh chấp, vì các bên không chịu đóng tiền thuê nhà. Công ty Quản lý Kinh doanh nhà thành phố sau đó kiện ra tòa án kinh tế và đã được tuyên thắng kiện, buộc 4 đơn vị kia phải thanh toán tiền thuê nhà. Tuy nhiên, các đơn vị này cũng không thanh toán và vẫn duy trì hiện trạng như vậy.
Một lý do nữa là Bộ Công Thương cũng có văn bản chính thức xin mua chỉ định thầu theo Nghị định 09 đối với đất và toàn bộ tài sản trên đất. Tuy nhiên, TP.HCM đã có chủ trương đầu tư xây dựng rồi, nên không thể bán chỉ định được.
“Cái khó nữa là chúng tôi là cấp địa phương, còn 4 đơn vị kia thuộc cấp Trung ương thì sao có thể vào cưỡng chế thu hồi đất. Nếu muốn đấu giá chọn nhà đầu tư thì phải là đất sạch, nên nhiệm vụ này không thể thực hiện được.” ông Tài chia sẻ.
Thừa nhận sai lầm
Nói về việc giao đất không qua đấu thầu, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thời điểm đó ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách mảng đô thị, cho rằng nếu cứ để đất như vậy thì bao giờ mới thực hiện được dự án, nên đề xuất một phương án khác.
Cụ thể, phương án này là chọn chủ đầu tư để họ đứng ra huy động vốn. Công ty Quản lý và Kinh doanh nhà thành phố là đơn vị được đại diện sở hữu và quản lý tài sản sản do UBND TP.HCM giao, và là pháp nhân chịu trách nhiệm huy động vốn, lập pháp nhân mới.
Đề xuất này đã được Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đồng ý, nhưng vẫn không huy động vốn được. Lý do là vì khi lập pháp nhân mới với nhiều đơn vị để tham gia góp vốn đầu tư, thì lại không có mặt 4 đơn vị kinh tế của Bộ Công Thương. 4 đơn vị này lại tiếp tục đâm đơn kiện, nên bỏ dở việc thành lập pháp nhân mới này.
Dự án đất vàng Lê Duẩn hiện nay đang được UBND TP.HCM đề xuất thu hồi. Ảnh: Lê Quân |
Nhưng lần này tôi nghĩ để tránh vướng mắc và khiếu kiện, tôi đề nghị 4 đơn vị của Bộ Công Thương tham gia cùng Công ty Quản lý Kinh doanh nhà thành phố mỗi bên chiếm 50% cổ phần. Nếu dự án này được khôi phục và đẩy nhanh tiến độ thực hiện thì nó mang lại kết quả quan trọng, vì đó là một trong những nội dung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ VII và VIII.
Ngay sau đó, Công ty Quản lý kinh doanh nhà có báo cáo là nguồn vốn của doanh nghiệp phải đổ vào dự án rất nhiều, nên nhìn lại bài toán xây dựng công trình ở 8-12 Lê Duẩn là quá lớn và không ôm nổi. Doanh nghiệp này đã đề xuất với ông là cho phép nhượng cổ phần lại cho một đơn vị khác tham gia đầu tư.
“Tôi thì quá muốn thúc đẩy nhanh dự án, nên suy nghĩ chủ quan là 4 công ty của Bộ Công Thương nắm 50% cổ phần vốn, cộng với 20% của Công ty Quản lý Kinh doanh nhà, là 70% sở hữu Nhà nước rồi. Tuy nhiên, mọi tính toán của tôi không lường được tình huống, là 4 doanh nghiệp quốc doanh kia “lật kèo”, đi bán toàn bộ cho Công ty Kinh Đô. Đây chính là thiếu sót của tôi, vì không lường trước được hệ quả, mà chỉ suy nghĩ theo chiều thuận lợi.” Ông Tài chia sẻ
Trả lời Zing.vn thời điểm đó, ông Tài cho rằng mình đã nóng ruột triển khai dự án, thậm chí là không đợi được các cơ quan chức năng của thành phố báo cáo thẩm định các đơn vị tham gia đầu tư, nên sơ suất đã trở thành sai sót.
“Thiếu sót của tôi thì rất rõ ràng. Tôi quá nôn nóng và cũng chia sẻ thật là rất tin tưởng 4 doanh nghiệp của Bộ Công Thương sẽ không bán cổ phần. Tôi nghĩ họ cũng đàng hoàng là của Bộ, họ cũng không thiếu tiền” ông Tài nói.