Sáng 19/12, TP Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học “Nâng cao trách nhiệm công vụ, đẩy mạnh dân vận chính quyền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội trong điều kiện mới”.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh vừa qua trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ việc nóng khiến người dân, dư luận phản ứng với cách ứng xử, giải quyết vấn đề của chính quyền thành phố.
Còn công chức lạm quyền, lộng quyền, vô cảm
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm để phục vụ. Ông cho biết thời gian quan thành phố đã quyết tâm thực hiện việc tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ cũng như văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức.
Nhưng bên cạnh rất nhiều kết quả đạt được, người đứng đầu chính quyền thành phố thừa nhận việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính ở một số đơn vị chưa nghiêm. Vẫn còn một bộ phận công chức, viên chức năng lực hạn chế.
Cũng theo ông Chung, vẫn còn tình trạng vi phạm, sách nhiễu, lạm quyền, cửa quyền. Thái độ của một bộ phận vẫn còn vô cảm trước những vấn đề bức thiết của đời sống dân sinh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Quỳnh Hương. |
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cũng dẫn ra hàng loạt vụ cho thấy cán bộ vi phạm đạo đức công vụ, nhũng nhiễu, phiền hà người dân và doanh nghiệp, như vụ giải quyết thủ tục hành chính tại phường Văn Miếu, vụ công chức tư pháp lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để ký chứng thực các văn bản, tài liệu sai quy định để hưởng lợi; hay như việc bảo kê các phương tiện vận tải, việc một số đối tượng vòi vĩnh, thu tiền bốc dỡ tại chợ Long Biên; vụ ăn chặn hàng từ thiện tại trung tâm nuôi dưỡng người già.
Dù thành phố thường xuyên có chỉ đạo chấn chỉnh, bà Hà thừa nhận tình trạng này vẫn còn. Nguyên nhân có phần do yếu tố nội bộ khi một số lãnh đạo còn tư tưởng bao che, sợ ảnh hưởng đến thành tích.
Ngoài lời phát biểu, Chủ tịch Hà Nội có bài tham luận về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng thực thi công việc và đạo đức công cụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội trong giai đoạn hiện nay”. Trong đó, ông cũng thẳng thắn nêu lên nhiều bất cập.
Điển hình như có nhiều vụ cán bộ, công chức vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng như xâm phạm rừng phòng hộ Sóc Sơn, vi phạm đất đai ở Ba Vì, một số công chức địa chính cấp xã cố tình sai phạm để trục lợi cá nhân.
Tình trạng một số công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình cố tình gây khó dễ cho các cá nhân, tổ chức đến liên hệ công tác.
Hay tình trạng cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, thái độ làm việc hời hợt, thậm chí vô cảm trong việc tiếp công dân như việc cấp giấy khai tử ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa.
Đặc biệt, vẫn còn nhiều cán bộ công chức, viên chức giải quyết công việc cho dân theo kiểu “ban ơn”, chưa thực sự đúng nghĩa là “công bộc” của dân.
Mất đoàn kết nội bộ, kèn cựa địa vị làm giảm hiệu quả công việc
Chủ tịch Hà Nội cũng phản án tình trạng mất đoàn kết nội bộ một số nơi vẫn còn xảy ra hay việc bớt xén thời gian làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, có biểu hiện cục bộ, kèn cựa địa vị, ganh tị, bè phái, lợi ích nhóm, thiếu sự phối hợp dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao.
Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang. Ảnh: Quỳnh Hương. |
Theo ông Chung, từ 2016 đến tháng 9/2019, các cơ quan thành phố đã xử lý kỷ luật 2.139 cán bộ, công chức. Trong đó kỷ luật với hình thức buộc thôi việc, đưa ra khỏi bộ máy nhà nước là 43 người.
Từ thực tế đã nêu, Chủ tịch Hà Nội mong muốn được nghe góp ý về vấn đề trách nhiệm công vụ. Đồng thời chỉ ra những bất cập để chính quyền Hà Nội tự soi, tự sửa, không ngừng đổi mới, vươn lên.
Ông nhấn mạnh thành phố đã đúc rút ra nhiều bài học đắt giá về trách nhiệm công vụ, cũng như trong công tác dân vận chính quyền, ví dụ như bài học đối thoại với nhân dân trong giải quyết các vấn đề nóng, ứng xử, phát ngôn, phản biện của báo chí về cung cấp, giải quyết những vấn đề dân sinh.
Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang cũng đồng tình với bài học này khi nhắc lại việc Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp vào điểm nóng tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, để đối thoại với người dân.
“Dù đến nay còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, cơ bản người dân đã đồng tình, và đặc biệt việc này giúp có lòng tin của nhân dân”, ông Quang nói.