Nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: Trung Nam. |
Trong buổi chia sẻ lần đầu với nhà đầu tư mới đây, Tập đoàn Trung Nam đã công khai về tình hình kinh doanh, quy mô hoạt động cũng như những thông tin trái chiều về doanh nghiệp thời gian qua.
Lãnh đạo tập đoàn này cho biết đang là nhà đầu tư năng lượng tái tạo tư nhân lớn nhất Việt Nam với công suất phát 1,61 GW phát lên lưới điện quốc gia, trong đó chủ yếu là năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió.
Công ty đang vận hành các nhà máy điện với tổng sản lượng điện đang phát lên lưới là 4,3 tỷ KWh hàng năm, tổng vốn đầu tư khoảng 55.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp còn có kế hoạch tiếp tục nâng mạnh công suất và sản xuất hydrogen.
"Trung Nam đặt mục tiêu nâng công suất lên 4,8 GW và doanh thu bán điện tăng từ mức 200 triệu USD năm 2021 lên 1 tỷ USD vào năm 2026, biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) đạt khoảng 90%", Phó tổng giám đốc Đỗ Tú Anh thông tin.
Với quy mô trên, bà Tú Anh khẳng định nhu cầu huy động vốn cũng rất lớn. Thống kê cho thấy nhóm công ty Trung Nam đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu và vay vốn trong các năm gần đây. Tổng huy động trái phiếu huy động kể từ 2019 đến nay là hơn 30.000 tỷ đồng.
Bà Đỗ Tú Anh thông tin Trung Nam Group có sở hữu quỹ đất 600 ha sẵn sàng kinh doanh. Ảnh: H.L. |
Dư nợ trái phiếu lớn nhất đang là các thành viên như Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, Điện mặt trời Trung Nam... Trong đó, số lượng trái phiếu sắp đáo hạn trong năm 2023 chỉ là 6.500 tỷ đồng.
Trước những lo ngại về khả năng huy động vốn, Tổng giám đốc Nguyễn Tâm Tiến nói rằng năng lượng tái tạo không chỉ là xu hướng mà còn là cam kết COP26 đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam có tiềm năng rất lớn trên thế giới, trong khi Trung Nam với vị thế dẫn đầu nên có nhiều ưu thế để gọi vốn trong và ngoài nước.
Thực tế, tập đoàn này đang sở hữu nhà máy điện mặt trời Thuận Nam (Ninh Thuận) lớn nhất Đông Nam Á với công suất 450 MW và tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng. Tiếp đến là Điện gió Ea Nam - Đắk Lắk với công suất lên đến 400 MW hay Điện mặt trời Thuận Bắc - Ninh Thuận 204 MW...
Không chỉ nổi bật trong lĩnh vực phát điện, đại diện Trung Nam còn tiết lộ nắm giữ quỹ đất gần 600 ha đã giải phóng mặt bằng, đây là quỹ đất tích lũy nhờ làm các dự án BOT trước đó; đồng thời đầu tư các khu công nghiệp sản xuất có đô thị kèm theo.
Đối với lĩnh vực hạ tầng, Trung Nam cũng đóng vai trò là tổng thầu và nhà đầu tư PPP các dự án hàng trăm triệu USD như Cầu Bạch Đằng Hải Phòng, Cầu vượt Ngã Ba Huế, Dự án Ngăn triều TP.HCM, phát triển Cảng Cà Ná…
Về kế hoạch dài hạn, tập đoàn này có kế hoạch tham gia đấu thầu một loạt các dự án điện gió trên bờ và gần bờ và cả điện khí LNG. Các dự án mới có thể mang về gần 3 GW công suất, dự kiến phát điện vào năm 2024 và 2025.
Theo đó, Trung Nam sẽ tiếp tục huy động vốn để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời tham gia huy động vốn trên thị trường chứng khoán trong lộ trình niêm yết cổ phiếu.
Mảng năng lượng tái tạo được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng đang có ít doanh nghiệp niêm yết. Theo chuyên gia VNDirect, cơ hội đầu tư cổ phiếu điện tái tạo tại Việt Nam là rất lớn khi nhìn sang các sàn chứng khoán Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc).
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích VNDirect đánh giá phát triển năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu khi nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam ước tính sẽ tăng trưởng kép hơn 8% trong giai đoạn 2022-2030. Việt Nam đang dẫn đầu cuộc đua năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á với 16 GW điện mặt trời và khoảng 5 GW điện gió.
Quá trình tư nhân hóa ngành điện cũng diễn ra mạnh mẽ. Các nhà máy điện độc lập đã tăng từ 18,4% năm 2018 lên mức 41,3% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống. Tỷ trọng sản lượng năng lượng tái tạo cũng mở rộng từ mức 4-5% đầu năm 2020 đến 14 -15% trong 8 tháng đầu năm 2022.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế