Sáng 25/10, Samsung đột ngột thông báo sự qua đời của Chủ tịch tập đoàn Lee Kun Hee. Ông Lee là người dẫn dắt Samsung trong hơn hai thập kỷ, góp phần đưa tên tuổi tập đoàn xưng bá trên thị trường châu Á và thế giới.
Ông Lee là con trai thứ ba của cố chủ tịch Lee Byung-chul - người sáng lập Tập đoàn Samsung. Theo tờ New York Times, khi ông lên nằm quyền điều hành công ty từ người cha quá cố, Samsung trong mắt người phương Tây lúc bấy giờ chỉ là một thương hiệu sản xuất tivi giá rẻ.
Theo Forbes, ông Lee Kun Hee là người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản 20,1 tỷ USD và hạng 75 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh năm 2020. Con trai duy nhất của ông Lee, "thái tử" Samsung Lee Jae-yong, là người giàu thứ ba Hàn Quốc với tài sản 6,2 tỷ USD.
Forbes cũng bình chọn ông Lee Kun Hee là người quyền lực thứ hai Hàn Quốc, chỉ sau Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki Moon.
Tại Hàn Quốc, Samsung là đế chế điện tử hàng đầu và cố Chủ tịch Lee Kun Hee là biểu tượng của giới kinh doanh và siêu giàu Hàn Quốc (chaebol). Ông Lee từ trần sau 6 năm nằm liệt giường bởi một cơn đau tim hồi năm 2014. Do vậy, cố chủ tịch Samsung hiếm khi trả lời truyền thông hay xuất hiện trên mặt báo những năm trở lại đây.
Quyết đoán và nhìn xa trông rộng
Ông Lee Kun Hee là con trai thứ ba của người sáng lập tập đoàn Samsung. Từ nhỏ ông Lee đã thông thạo tiếng Hàn, tiếng Anh và tiếng Nhật. Ông nhận bằng cử nhân Kinh tế học của Đại học Waseda (Nhật Bản) và bằng MBA của Đại học George Washington (Mỹ).
Cố chủ tịch Samsung được miêu tả là người yêu thích vận động và các hoạt động thể thao. Theo BBC, ông Lee từng tiết lộ môn thể thao ưa thích là golf, cưỡi ngựa, bóng bàn và trượt tuyết. Ông còn thích xem phim và nghe nhạc cổ điển.
Cố chủ tịch Samsung Lee Kun Hee vừa qua đời sáng 25/10. Ảnh: The Guardian. |
Ông Lee được biết đến với lối lãnh đạo quyết đoán và có tầm nhìn đáng kinh ngạc. Trong thông báo về sự ra đi của ông, đại diện Samsung cho biết: "Chủ tịch Lee là người có tầm nhìn xa trông rộng, thúc đẩy Samsung thành đế chế công nghiệp hàng đầu thế giới từ một doanh nghiệp địa phương và trở thành một nhà đổi mới sáng tạo hàng đầu. Di sản của ông ấy sẽ mãi trường tồn".
Cố chủ tịch Samsung bắt đầu sự nghiệp một chi nhánh công ty ở Tongyang Broadcasting Company vào năm 1966. Ông tiếp tục làm việc tại Samsung C&T, công ty xây dựng và kinh doanh của tập đoàn, trước khi được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung vào năm 1979. Năm 1987, ông tiếp nhận vị trí chủ tịch thay cha mình.
Cho đến nay, các dịch vụ và sản phẩm của Samsung hầu như chạm đến mọi khía cạnh cuộc sống của người dùng Hàn Quốc, trở thành đế chế điện tử lớn nhất khu vực với mạng lưới các lĩnh vực đa dạng như đóng tàu, xây dựng, thời trang, giải trí và tài chính.
Trong đó, Samsung Electronics là mũi nhọn chiến lược trong hệ sinh thái Samsung. Samsung Electronics nhiều năm giành vị trí công ty công nghệ lớn nhất thế giới tính theo doanh thu. Ông Lee là động lực thúc đẩy công ty trở thành nhà sản xuất chip nhớ máy tính và TV màn hình phẳng lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất điện thoại di động số một toàn cầu.
Năm 1995, để nhấn mạnh vào tầm quan trọng của chất lượng, ông Lee từng đến thăm một nhà máy của Samsung ở thị trấn Gumi sau khi phát hiện lỗi trong một lô điện thoại di động. Theo cuốn sách “Samsung Electronics và cuộc chiến dẫn đầu ngành công nghiệp điện tử” của tác giả Tony Michell, hơn 2.000 công nhân của nhà máy Gumi được tập trung tại một sân đất trống, mỗi người phải đeo băng đô được ghi rõ “Chất lượng là trên hết”.
Ông Lee và ban giám đốc ngồi dưới biểu ngữ có nội dung “Chất lượng là niềm tự hào của tôi”. Tiếp theo, họ chứng kiến lô hàng hóa trị giá 50 triệu USD gồm điện thoại, máy fax và hàng tồn kho bị đập vỡ tan thành từng mảnh, sau đó bốc cháy nghi ngút.
Các nhân viên bật khóc. Câu chuyện này trở thành giai thoại truyền kỳ trong lịch sử Samsung về sự quyết đoán trong lối làm việc và mục tiêu xây dựng chất lượng sản phẩm của ông Lee Kun Hee về sau này.
Dẫn đầu sáng tạo và đổi mới
Samsung Electronics ngày nay là trụ cột lớn mạnh của nền kinh tế Hàn Quốc, đồng thời là một trong những đơn vị chi nhiều kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển nhất trên thế giới. Trong suốt thời gian tại vị, ông Lee luôn giữ vai trò nhà tư tưởng lớn của Samsung và là người đề xuất nhiều định hướng chiến lược quan trọng.
Ông Lee Kun Hee được mô tả là người lãnh đạo quyết đoán và có tầm nhìn xa rộng. Ảnh: Bloomberg. |
Samsung bước vào giai đoạn chinh phục toàn cầu những năm 2000. Tuy nhiên, đến năm 2007, ông Lee xác định cuộc khủng hoảng tiếp theo sắp xảy đến đối với Samsung. Giai đoạn đó, Trung Quốc đã vươn lên trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa cấp thấp trong khu vực, trong khi Nhật Bản và phương Tây vẫn dẫn đầu về công nghệ tiên tiến. Các công ty Hàn Quốc - bao gồm cả Samsung - rơi vào thế bị kẹp giữa.
Từ khi tiếp nhận vị trí chủ tịch Samsung, ông Lee đã sớm học hỏi từ người cha và tiếp thu nhận thức về việc lập kế hoạch cho tương lai xa, ngay cả khi công ty đang trong giai đoạn hưng thịnh. Ông trả lời trong cuộc phỏng vấn với Forbes sau khi nhậm chức trước đây: "Chúng tôi đang ở trong quá trình chuyển đổi rất quan trọng. Nếu Samsung không chuyển đổi sang các ngành sử dụng nhiều vốn và công nghệ hơn, sự sống còn của tập đoàn có thể bị đe dọa”, ông quả quyết.
Sau sự kiện hy hữu ở Gumi, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của Samsung tăng vọt. Công ty bắt đầu tung ra các sản phẩm dày công nghiên cứu với chất lượng cao như điện thoại MP3 đầu tiên trên thế giới, điện thoại có camera megapixel cao nhất và các thiết bị cao cấp khác có thể ứng dụng trên mạng di động siêu nhanh của Hàn Quốc.
Được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2005, ông Lee bắt đầu công cuộc đại tu Samsung Electronics sau khi nhìn thấy các sản phẩm của công ty này bám đầy bụi trong một cửa hàng điện tử ở Los Angeles.
Thay máu
Ông Lee gia nhập công ty gia đình từ năm 1968 và trở thành Chủ tịch tập đoàn năm 1987. Trong cuốn tiểu sử về cuộc đời mình "Lee Kun Hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung", ông cho biết vào năm 1993 công ty có trụ sở tại Suwon, Hàn Quốc và chỉ được biết đến với các thiết bị điện tử giá rẻ, chất lượng thấp.
Cố chủ tịch Samsung là nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển vượt bậc của đế chế điện tử Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Cũng thời gian này, ông Lee Kun Hee quyết định cải tổ triệt để công ty bởi cho rằng Samsung chỉ được xếp vào tiêu chuẩn "hạng hai" trên toàn cầu. Tính cấp tiến của quá trình chuyển đổi được thể hiện rõ ràng khi ông Lee triệu tập các giám đốc của Samsung Electronics đến một khách sạn sang trọng ở Frankfurt vào năm 1993. Tại đây, ông đã thúc giục những lãnh đạo cấp cao này rũ bỏ cách làm việc và suy nghĩ cũ.
Ông Lee là người đưa ra chiến lược quyết định rằng Samsung sẽ tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm thay vì tăng thị phần. Theo ông, điều này sẽ thu hút nhân tài nước ngoài và đòi hỏi các giám đốc điều hành cấp cao phải tìm hiểu sâu sắc thị trường nước ngoài và cách thức cạnh tranh tại đó.
Vị cố chủ tịch Samsung nổi tiếng với lời khuyên nhân viên Samsung: "Hãy thay đổi mọi thứ ngoại trừ vợ và con của bạn" cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc cải tổ toàn bộ tập đoàn của ông. Trong giai đoạn đó, các nhân viên Samsung chia sẻ tập đoàn có những sự thay đổi lớn nhưng họ "cần sự lãnh đạo của ông Lee để duy trì vị thế toàn cầu vào thời điểm bất ổn".
Nhờ tài năng lãnh đạo và những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông Lee Kun Hee đã thúc đẩy công ty leo những bước dài trên nấc thang công nghệ. Theo NYT, đầu những năm 1990, Samsung vượt qua các đối thủ Nhật Bản và Mỹ để trở thành nhà sản xuất dẫn đầu trong lĩnh vực chip nhớ.
Samsung cũng thống trị thị trường màn hình khi xu hướng màn hình phẳng lên ngôi. Chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp này từng bước chinh phục thị trường di động tầm trung đến cao cấp khi nhu cầu điện thoại di động bùng nổ vào những năm 2000.