Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, vừa thông báo về việc đăng ký mua vào 4 triệu cổ phiếu HSG thông qua phương thức thỏa thuận.
Mục đích được đại gia này đưa ra nhằm tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp của mình.
Hiện tại, cá nhân ông Vũ nắm giữ trực tiếp hơn 41,1 triệu cổ phiếu HSG, tương ứng 10,7% vốn doanh nghiệp. Nếu thương vụ mua vào này thành công, ông sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu và lợi ích trực tiếp của mình tại tôn Hoa Sen lên mức 11,74%, tương ứng 45,1 triệu cổ phiếu nắm giữ.
Với mức giá chỉ 7.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, ước tính khối cổ phiếu ông Vũ muốn mua vào có giá trị vào khoảng 28 tỷ đồng.
Việc đăng ký mua thêm cổ phần doanh nghiệp cũng giúp ông Vũ tiếp tục là cổ đông cá nhân sở hữu nhiều vốn nhất tại Hoa Sen. Bên cạnh cổ đông doanh nghiệp do chính đại gia này làm chủ là Công ty TNHH Tập Đoàn Đầu Tư Hoa Sen và Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen.
Ông Lê Phước Vũ (phải) đang muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu trực tiếp tại Hoa Sen. |
Đáng chú ý, cùng thời điểm ông Vũ đăng ký mua vào lượng cổ phiếu trên thì Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, nơi ông Vũ đang là chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật, cũng muốn bán ra lượng cổ phiếu tương ứng để giảm tỷ lệ sở hữu còn 24,32%.
Thời gian, khối lượng, phương thức của 2 giao dịch này hoàn toàn giống nhau.
Như vậy, nhiều khả năng đây sẽ là thương vụ bán sang tay cổ phiếu giữa chính ông chủ tập đoàn này với doanh nghiệp của mình nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu trực tiếp của ông tại Hoa Sen.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HSG đang đi xuống vùng giá thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Đóng cửa phiên hôm nay (19/12), cổ phiếu HSG chỉ còn giao dịch ở mức 7.000 đồng/cổ phiếu. Nếu so với 2 tháng trước đây, HSG đã “bốc hơi” tới gần 50% giá trị, từ vùng giá 12.000-13.000 đồng hồi đầu tháng 11.
Còn nếu so với mức đỉnh giá trên 25.000 đồng/cổ phiếu đầu năm, HSG đã khiến ông chủ và các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này thua lỗ trên 70% khoản đầu tư.
Thậm chí, biểu đồ HSG vẫn đang cho thấy dấu hiệu đi xuống bất chấp thanh khoản cổ phiếu này luôn ở mức cao.
Nguyên nhân chủ yếu khiến HSG sa sút nhanh chóng đến từ việc kết quả kinh doanh không mấy thuận lợi và những khoản nợ vay lớn.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2018 (niên độ tài chính 2017-2018) của Hoa Sen cho hay tập đoàn lỗ tới 102 tỷ đồng trong kỳ dù doanh thu vẫn tăng 24%. Nguyên nhân gây ra khoản lỗ là do chi phí tăng cao khiến biên lợi nhuận gộp giảm mạnh, cùng với đó là chi phí lãi vay cao và lỗ tỷ giá tăng cao dù sản lượng hàng bán ra vẫn ổn định.
Tính trong cả niên độ tài chính 2017-2018, Hoa Sen ghi nhận doanh thu tăng 32% nhưng lãi ròng lại giảm mạnh 69% chỉ đạt 410 tỷ đồng.
Mới đây, Hoa Sen cũng đã thông qua quyết định bán khu đất nông nghiệp hơn 7.100 m2 tại quận 9 TP.HCM để thu về gần 140 tỷ đồng. Đồng thời, giải thể Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái Đầm Vân Hội (Yên Bái), dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng.