Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Lê Phước Vũ muốn dồn lực cho mảng bán lẻ trước khi rời Hoa Sen

Người đứng đầu doanh nghiệp muốn dồn toàn lực cho hệ thống bán lẻ Hoa Sen Home, xem đây là nỗ lực cuối cùng trước khi rời khỏi tập đoàn.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HSG) ông Lê Phước Vũ cho biết tập đoàn sẽ có bước ngoặt lớn là hình thành hệ thống bán lẻ Hoa Sen Home.

"Trong 5-10 năm tới, khi nói đến Tập đoàn Hoa Sen chính là nói đến hệ thống phân phối vật liệu xây dựng Hoa Sen Home chứ không phải là tôn Hoa Sen hay ống thép Hoa Sen", ông Vũ phát biểu.

Hoa Sen Home,  dung san xuat,  ban le thep,  Le Phuoc Vu anh 1

Phiên họp cổ đông thường niên năm 2022 của Hoa Sen Group. Ảnh: M.H


Dồn lực cho Hoa Sen Home

Người đứng đầu Hoa Sen tin tưởng nếu vận hành tốt chuỗi bán lẻ này thì có thể đem về doanh số xấp xỉ 50.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD) cho tập đoàn, thậm chí lên 5 đến 10 tỷ USD cũng không phải là con số viển vông nếu triển khai hệ thống thành công.

Ông Vũ tham khảo định giá P/E của công ty phân phối trên sàn chứng khoán vào khoảng 25 lần, doanh số công ty phân phối thường tương đương giá trị vốn hóa của công ty đó.

Trong khi đó, vị này cho rằng cổ phiếu các công ty sản xuất trên sàn chứng khoán chịu nhiều thiệt thòi, giá trị không được định giá tương xứng như công ty phân phối. Đơn cử Hoa Sen năm ngoái có EPS hơn 9.000 đồng nhưng giá cổ phiếu chủ yếu trong khoảng 30.000-50.000 đồng, tức P/E chỉ khoảng 3,5-5,5 lần.

"Do vậy, nếu Hoa Sen chuyển đổi thành công với chuỗi Hoa Sen Home thì PE trên 25 là đạt được và cổ phiếu sẽ có giá trên 100.000 đồng. Đây là một bước ngoặc rất lớn", ông Vũ tự tin.

Hiện Hoa Sen có vị thế đứng đầu thị phần tôn, thứ 2 về ống thép và thứ 3 về ống nhựa ở Việt Nam. Hoạt động xuất khẩu năm ngoái cũng có doanh số gần 1,2 tỷ USD và nhiều kinh nghiệm về quản trị sản xuất.

Tuy nhiên, chủ tịch Hoa Sen khẳng định sẽ không đầu tư thêm vào lĩnh vực sản xuất. Thậm chí những tài sản không liên quan đến hệ thống phân phối như dự án khách sạn, bất động sản, khu công nghiệp... đều bán hết.

Lý do ông đưa ra là Hoa Sen phải tập trung nguồn lực vào cái tạo ra giá trị lớn nhất, tối ưu nhất chính là hệ thống Hoa Sen Home, thay vì đầu tư lan man như trước đây. Nếu phát triển tốt hệ thống bán lẻ thì doanh số Hoa Sen sẽ gấp nhiều lần con số hiện nay.

"Với ngành tôn, chúng ta đã to rồi nên muốn phát triển nữa cũng không được, còn muốn sản xuất thép phải đầu tư vào thượng nguồn nhưng chúng ta bị những vật cản ở dự án Cà Ná. Trong khi đó chúng ta có lựa chọn khác tốt hơn là hệ thống 600 cửa hàng phân phối trên toàn quốc, dữ liệu khách hàng lớn và sự chín muồi về năng lực cạnh tranh", ông lý giải thêm.

Hoa Sen Home,  dung san xuat,  ban le thep,  Le Phuoc Vu anh 2

Ông Lê Phước Vũ muốn dồn lực cho Hoa Sen Home, nỗ lực cuối cùng trước khi rời khỏi tập đoàn.

Hiện vốn chủ sở hữu của Hoa Sen là 11.289 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 4.935 tỷ. Theo đó tập đoàn đang có nguồn vốn thặng dự hơn 6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu chỉ là 0,53 lần.

Ông Vũ đánh giá một doanh nghiệp sản xuất và phân phối mà doanh số hơn 2 tỷ USD cùng hệ số nợ thấp như Hoa Sen là rất tốt.

Hơn nữa tập đoàn có có kế hoạch đưa nợ trung dài hạn sẽ về số 0 vào giữa năm sau. Đồng thời nếu kinh doanh thuận lợi thì đến năm 2024 cũng trả hết nợ ngắn hạn. Khi đó toàn bộ tài sản là tiền của công ty chứ không phải tiền vay nợ.

"Hoa Sen có hệ thống phân phối, có hệ thống khách hàng, có đội ngũ quản trị, có nguồn lực tài chính và có công nghệ, thương hiệu. Đây là điều kiện chín muồi để phát triển hệ thống Hoa Sen Home thành một hệ thống phân phối vật liệu xây dựng và nội thất số 1 Việt Nam", ông Vũ nhận định.

Theo đó người đứng đầu Hoa Sen tái khẳng định sẽ không đầu tư vào sản xuất nữa, những tài sản nào không cần thiết bán hết để đưa về tiền mặt. Tập đoàn sẽ trở thành đối tác của hàng trăm nhà cung cấp và đảm bảo đầu ra.

Kế hoạch lãi 2.000 tỷ đồng là khả thi

Tại đại hội, cổ đông Hoa Sen đã thông qua chủ trương chuyển đổi một đơn vị thành Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen để tiếp nhận toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mảng nhựa.

Đồng thời cũng thành lập mới Công ty Cổ phần Phân phối Vật liệu xây dựng & Nội thất Hoa Sen (gọi tắt là Hoa Sen Home) để tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của mảng phân phối và bán lẻ.

Ông Vũ định hướng trong 2 năm tới, khi điều kiện chín muồi thì Hoa Sen có thể tiến hành IPO 2 công ty con trên. Với nguồn thặng dư và lợi nhuận chưa phân phối thì tập đoàn sẽ tiếp tục tích lũy, mục tiêu đến lúc IPO công ty nhựa và bán lẻ thì sẽ chia nguồn thặng dư cho cổ đông để mua cổ phiếu IPO.

"Nếu thành công thì quy mô Hoa Sen Home sẽ gấp nhiều lần Hoa Sen hiện nay, cởi áo giáp bằng thép để mặc áo mới. Đây là điều tốt nhất, nỗ lực cuối cùng tôi để lại cho cổ đông trước khi rời khỏi tập đoàn", ông Vũ chia sẻ.

Năm ngoái tập đoàn đặt mục tiêu mở mới 150 cửa hàng Hoa Sen Home nhưng dịch bệnh nên chỉ mở 80 địa điểm và đến cuối tháng 3 đã nâng lên 90 cửa hàng.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết giai đoạn 2022-2023 vẫn sẽ mở mới với tốc độ từ từ, tùy tình hình do sức mua giảm mà tập trung vào quản trị, công nghệ để tối ưu hóa hiệu quả. Tuy nhiên mục tiêu cuối cùng vẫn là lập ra hơn 1.000 cửa hàng.

Trước đây Hoa Sen chỉ có 3 mặt hàng tôn – thép - nhựa, còn hiện tại hệ thống bán lẻ đã có đến hàng trăm mặt hàng... Trong đó tập trung chính cho 4-5 mặt hàng có doanh thu cao như thép xây dựng, gạch, sơn, thiết bị vệ sinh...

Về kế hoạch kinh doanh niên độ 2021-2022 (kết thúc 30/9/2022), Hoa Sen đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ 2 triệu tấn giảm hơn 11% so với thực hiện niên độ trước. Tập đoàn này thường vượt chỉ tiêu sản lượng trong các năm gần đây.

Kế hoạch doanh thu tương ứng là 46.399 tỷ đồng, giảm gần 5% so với thực hiện năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dao động 1.500-2.500 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể năm liền trước.

Nói về kế hoạch trên, chủ tịch Hoa Sen cho rằng những khó khăn và thách thức vẫn còn. Tập đoàn sẽ duy trì thế mạnh hiện có, đẩy mạnh chuỗi Hoa Sen Home và tái cấu trúc theo hướng chuyên môn hóa để tối ưu hiệu quả. Trong đó con số lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng là hoàn toàn khả thi.

Chỉ tiêuĐơn vịKế hoạch 2021Thực hiện 2021Kế hoạch 2022
Sản lượng tiêu thụTấn1.800.0002.253.7332.000.000
Doanh thuTỷ đồng33.00048.72746.399
Lợi nhuận sau thuếTỷ đồng1.5004.3131.500-2.500

Tổng giám đốc Trần Quốc Trí bổ sung hoạt động xuất khẩu cũng có nhiều thách thức. Tuy nhiên các khó khăn đã được dự báo và có biện pháp thích ứng, do đó kế hoạch xuất khẩu gần 1 triệu tấn cũng hoàn toàn khả thi.

"Hiện nay một số lô hàng xuất đi từ tháng 10 và 11 năm ngoái đến châu Âu, Mỹ vẫn chưa được cập cảng do tình hình ách tắc cầu cảng rất lớn. Song Hoa Sen có 3 nhà máy ở gần cảng và được bố trí ở 3 miền nên đều đưa hàng xuất khẩu được. Công ty ký được nhiều đơn hàng nhưng rất lo lắng về khâu logistics", ông Trí nói về khó khăn.

Ông Lê Phước Vũ chia sẻ nhu cầu trong nước cũng giảm sút nên Hoa Sen vẫn tập trung xuất khẩu sang châu Âu Mỹ. Ông còn dự báo giá HRC năm sau có thể tăng lên khoảng 1.600 USD/tấn trong khi dự trữ của Hoa Sen hiện khoảng 800 USD/tấn là lợi thế rất lớn.

Tại đại hội, cổ đông còn thông qua phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối đa 20%, dựa trên lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/9/2021.

Công ty cũng đưa ra tờ trình về chủ trương phát hành cổ phiếu cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản trị - điều hành chủ chốt trong năm 2022.

Khối lượng phát hành tối đa là 1% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Hoa Sen muốn IPO các công ty nhựa và bán lẻ

Tập đoàn tôn mạ đầu ngành này lên kế hoạch lãi 1.500-2.500 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức lãi 4.313 tỷ đồng của niên độ trước.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm