Hàng loạt vấn đề liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng, xét xử các vụ án kéo dài và bất cập trong hoạt động từ thiện… được Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí giải trình cuối phiên thảo luận sáng 24/10.
Không phải “muốn thu là thu”
Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết với quyết tâm chính trị, các cơ quan tố tụng đã làm tốt hơn, tích cực hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì vẫn chưa thể hài lòng vì “cái mất và cái lấy lại chưa tương xứng”.
Ở góc độ khác, ông Trí nhấn mạnh dù có quyết tâm kê biên, thu hồi cũng phải theo pháp luật. “Với hệ thống pháp luật hiện hành, không phải lúc nào ta cũng niêm phong, kê biên được, nhất là khi các cơ quan còn phải chịu trách nhiệm bồi thường Nhà nước”, ông Trí nói và khẳng định phải làm chặt chẽ, chính xác, không phải “muốn thu là thu”.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình việc xây dựng Luật Đăng ký tài sản. Ảnh: Hồng Phong. |
Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình việc xây dựng Luật Đăng ký tài sản. Thực tế hiện nay, chúng ta mới chỉ kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn người ngoài xã hội đang đứng tên, chiếm hữu, có chứng minh nguồn gốc hợp pháp hay không vẫn là khoảng trống rất lớn.
“Nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản thì không đụng vào được người có hành vi che giấu, nhờ đứng tên hộ ôtô, nhà đất...”, Viện trưởng Lê Minh Trí nói.
Về vấn đề có một số người tranh chấp, xung đột, lợi dụng mạng xã hội gây mất trật tự liên quan đến hoạt động từ thiện, ông Trí viện dẫn Điều 331 Bộ luật Hình sự quy định tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Thời gian tới các cơ quan tố tụng sẽ xem xét hành vi này, xử lý để bảo đảm trật tự kỷ cương của xã hội.
Phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 24/10 về báo cáo của các cơ quan tư pháp. Ảnh: Hồng Phong. |
Giải đáp băn khoăn của đại biểu về việc xử lý các vụ án kéo dài, điển hình như vụ Hồ Duy Hải, vụ sản xuất phân bón Thuận Phong (Đồng Nai) và vụ gỗ trắc (Quảng Trị), Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết có những việc đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
“Có vụ việc, vụ án, chúng tôi đang tiến hành các biện pháp tố tụng điều tra, làm rõ theo đúng luật định. Khi có kết quả chúng tôi sẽ thông tin đầy đủ đến đại biểu”, ông Trí nói.
Chuyển 7 vụ việc mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế sang cơ quan điều tra
Giải trình về báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2021, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết các cơ quan đang từng bước hình thành cơ chế phòng, ngừa chặt chẽ theo hướng đảm bảo không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng.
Bên cạnh kết quả đã nêu, ông Phong thừa nhận công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế. Vì vậy, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Hồng Phong. |
Ông Phong nhấn mạnh cơ chế kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, từ xa, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Về kết quả thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát hiện, xử lý tham nhũng, ông Phong thông tin năm 2021, số cuộc thanh tra, kiểm tra giảm nhưng việc phát hiện, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra tăng.
Điều này cho thấy chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra đã từng bước được nâng lên. Đặc biệt, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì hồ sơ sẽ được chuyển ngay đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, xử lý mà không cần chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án.
Tổng Thanh tra Chính phủ dẫn chứng trong cuộc thanh tra quản lý Quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh, cơ quan này đã báo cáo Thủ tướng chuyển 7 vụ việc ngay trong 6 tháng đầu năm 2021 sang cơ quan điều tra, kể cả khi chưa có dự thảo kết luận thanh tra.