Ông Hun Sen đưa ra phát biểu tại một sự kiện hôm 24/6 để khởi động chương trình hỗ trợ tiền cho người nghèo ở Campuchia trước những tác động kinh tế từ đại dịch, vốn đã khiến hàng trăm nghìn người đi vay lâm vào cảnh thất nghiệp.
Thủ tướng Campuchia đề cập đến việc mà ông gọi là "trò tuyên truyền" nhằm "kích động" người dân ngừng trả nợ ngân hàng hoặc rút tiền gửi. Điều này được cho là ám chỉ việc lãnh đạo đối lập lưu vong Sam Rainsy kêu gọi người đi vay giữ lại tiền của họ, theo Nikkei Asian Review.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh: AP. |
"Những người muốn các ngân hàng sụp đổ bằng cách không trả tiền vay hoặc bằng cách rút tiền gửi ngân hàng có thể bị thất vọng", ông Hun Sen nói, theo một tờ báo nhà nước.
"Tôi sẽ nhấn mạnh rằng tôi khuyến khích các ngân hàng tịch biên tài sản thế chấp của những người tin vào trò tuyên truyền này. Đối với những người đang cố gắng trả hết tiền vay, tôi đã kêu gọi các ngân hàng thông cảm cho họ vì đây là thời điểm rất khó khăn".
Ông Rainsy, người đã trốn sang Pháp năm 2015 để tránh bị bắt trong một vụ án, đã dựa vào vấn đề nợ cá nhân để chỉ trích chính phủ.
Campuchia là nước đứng đầu thế giới về nợ vi mô trung bình đối với mỗi người đi vay, ở mức khoảng 3.804 USD - cao hơn gấp đôi GDP bình quân đầu người.
Trước đại dịch, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo rằng các tổ chức tài chính vi mô (MFI), với hơn 2,6 triệu người đi vay, gây rủi ro cho sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô của Campuchia. Một số MFI cũng bị cáo buộc có hành vi cho vay liều lĩnh và săn mồi.
Trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc năm nay, một chuyên gia về nợ đã mô tả tình hình ở Campuchia là một "cuộc khủng hoảng" MFI vì hầu hết khoản vay đều dành cho "mục đích không sinh lời".
Giờ đây, khả năng trả nợ cho các khoản vay, mà ở Campuchia phần lớn được thế chấp bằng quyền sở hữu đất đai, của hàng trăm nghìn người tiếp tục bị đặt dấu hỏi. Đại dịch đã tác động mạnh đến các động lực kinh tế của Campuchia, bao gồm xuất khẩu hàng may mặc, du lịch và xây dựng.