Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Hồ Đức Phớc nói về cách Chính phủ huy động tiền phục hồi kinh tế

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, một trong những gói hỗ trợ mà Chính phủ đang tính đến là cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.

Các tổ thảo luận tại Quốc hội về đề án tái cơ cấu lại nền kinh tế và kế hoạch sử dụng đất 10 năm tới vào chiều 29/10 khá sôi nổi. Các đại biểu có nhiều ý kiến góp ý về việc phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 và sử dụng nguồn lực đất đai sao cho hợp lý và hiệu quả.

Vấn đề lấy nguồn lực ở đâu để phục hồi kinh tế đã được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc (đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định) chia sẻ. Hiện tại, Chính phủ cũng đang xây dựng chương trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 không chỉ cho năm 2022 mà nhiều năm tiếp theo.

Hỗ trợ cấp bù lãi suất

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong đề án tái cơ cầu nền kinh tế có tính đến việc vừa đảm bảo cho tài chính Nhà nước phát triển, nhưng cũng đảm bảo cho tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư phát triển. Gói kích thích kinh tế sẽ giúp cho cầu của nền kinh tế tăng lên, tạo ra một giai đoạn tăng trưởng mới.

“Khi kích thích lại nền kinh tế thì doanh nghiệp sẽ cần vốn, nguồn nhân lực, thị trường… Chúng ta sẽ giải quyết từng vấn đề đó”, ông chia sẻ.

quoc hoi thao luan tai co cau kinh te va quy hoach dat dai anh 1

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc. Ảnh: Trung tâm báo chí Văn phòng Quốc hội.

Về vốn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đang tham mưu cho Thủ tướng và Chính phủ một số gói kích thích kinh tế. Ví như sẽ có gói hỗ trợ cấp bù lãi suất ở mức 2-3%. Nguồn tiền sẽ lấy từ ngân sách, giao cho các ngân hàng thực hiện.

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch, nhưng có đủ điều kiện để vay có thể tiếp cận chính sách này. Đó có thể là doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ vận tải, ăn uống… Nguồn vốn lãi suất ưu đãi này cũng dành cho các dự án đầu tư công trình hạ tầng, đặc biệt là công trình hạ tầng trọng yếu, hạ tầng trọng điểm quốc gia.

“Gói này sẽ giúp kích cầu nền kinh tế rất nhanh, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Phớc chia sẻ.

quoc hoi thao luan tai co cau kinh te va quy hoach dat dai anh 2

Bộ Tài chính sẽ hiến kế để huy động nguồn tiền trong dân. Ảnh: Hoàng Hà.

Một nguồn tiền nữa được Bộ trưởng Tài chính chia sẻ đó là đề án phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước. Bộ cũng đang hiến kế huy động tiền nhàn rỗi trong dân. Ngoài ra, nhiều ngân hàng thương mại đang có mức lãi suất 0 đồng, thì sẽ huy động nguồn này để phát triển kinh tế của đất nước.

Cần thiết thì sẽ phát hành thêm trái phiếu Chính phủ ngắn hạn, để tập trung vào những vấn đề trước mắt, thúc đẩy quá trình tăng trưởng sau đó quay vòng vốn đảm bảo cho kinh tế phát triển. Ông nhấn mạnh gói kích cầu năm 2022-2023 có thể làm tăng bội chi, nhưng đến năm 2024 thì giảm bội chi. Bội chi bình quân của cả nhiệm kỳ vẫn đạt được theo chỉ tiêu mà đại hội Đảng lần thứ XIII đã định.

“Chúng tôi cũng còn nhiều giải pháp, tính thêm các nguồn thu ngân sách. Ví như tập trung vào các nền tảng số như YouTube, sàn thương mại điện tử. Một số vấn đề như có giãn thuế nữa hay không thì chúng tôi sẽ cân nhắc”, ông nói.

Sớm số hóa dữ liệu đất đai

Tại tổ thảo luận gồm các đoàn TP.HCM, Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Bình, Gia Lai, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (đại biểu đoàn TP.HCM) cho ý kiến về quy hoạch đất đai giai đoạn 2021-2030. Ông nhấn mạnh đây là nền tảng quan trọng để phát triển các loại hình khác trong tái cơ cấu.

“Nước ta tam sơn, tứ hải, nhất đẳng điền. Diện tích chỉ hơn 300.000 km2 nhưng dân số tới 100 triệu người, là một trong những nước có bình quân đất đai rất thấp. Chính vì vậy sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả đất đai là điều rất quan trọng. Phải dành đất cho thế hệ cháu con chúng ta”, Chủ tịch nước nói.

Theo ông, đất không sinh ra thêm nên một yêu cầu lớn, lâu dài là phải quản lý có hiệu quả. Xã hội hoá, tư nhân hoá cái gì nhưng cái gì Nhà nước cần phải quản lý, giữ cho mãi mãi những đời sau thì phải quản lý. Không được vô nguyên tắc trong quy hoạch đất đai.

“Vừa qua chuyện giàu lên vì đất rất nhiều nhưng tù tội vị đất cũng rất nhiều, kỷ luật Đảng vì đất cũng rất nhiều. Cho nên yêu cầu đặt ra là phải chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai ở các cấp các ngành”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

quoc hoi thao luan tai co cau kinh te va quy hoach dat dai anh 3

Nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn cần có giải pháp để sử dụng đất đai một cách hiệu quả. Ảnh: Lê Xuân.

Cho rằng việc dành đất cho kinh tế là quan trọng, song Chủ tịch nước lưu ý việc dành dất cho văn hoá và môi trường sống của người dân cũng rất cần thiết, cần phải có một quy hoạch đồng bộ.

Cũng thảo luận nội dung quy hoạch đất đai, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho rằng trong quy hoạch cần đặt ra một lộ trình rõ ràng về việc số hóa dữ liệu đất đai toàn quốc. Bất cứ người dân, nhà đầu tư nào cũng có thể truy cập vào hệ thống quản lý đất đai để tìm hiểu về thực trạng của từng thửa đất.

Có như vậy mới giúp sử dụng đất một cách hiệu quả, không lãng phí. Việc giám sát sử dụng đất đai cũng công khai minh bạch hơn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, định hướng quy hoạch đã đánh giá khá kỹ tiềm năng theo từng vùng. Ông Cường nêu thực tế nếu đất lúa giảm thì rất đáng lo. Mặc dù hiện nay, địa phương nào có nhiều đất lúa thì lại nghèo đi. Do đó, chúng ta phải xác định rõ quy luật để có sự điều chỉnh.

Cũng theo đại biểu đoàn Hà Nội, nội dung quy hoạch đất đai cần ban hành sớm. Tuy nhiên hiện nay còn tình trạng “vênh” nhau hoặc chậm trong việc ban hành quy hoạch vì cấp dưới phải dựa vào cấp trên trong quy hoạch.

Việc quy hoạch đất đai phải dựa vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nhưng ở vùng, tỉnh chưa có thì địa phương cấp dưới rất khó triển khai. Do đó cần phải sớm thống nhất trong việc triển khai quy hoạch đất đai để tạo hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội.

Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là đột phá giúp cơ cấu lại kinh tế

Theo tờ trình tái cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm tới, tăng trưởng sẽ dựa nhiều vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Kim ngach xuat khau cao ky luc hinh anh

Kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục

0

Trong nửa đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đã đạt hơn 368 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Thuận Hiếu

Bạn có thể quan tâm