Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Dương Công Minh làm Chủ tịch Sacombank

Với số phiếu bầu áp đảo, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Him Lam, chính thức được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank.

Những đại gia từng muốn 'chen chân' tái cấu trúc Sacombank Sau khi NHNN xét đưa Sacombank vào diện tái cơ cấu để tập trung xử lý nợ xấu, nhiều nhóm đầu tư đã ngỏ ý muốn tham gia nhà băng này với những kế hoạch khác nhau.

Sau nhiều lần lùi thời điểm tổ chức cũng như có sự thay đổi trong danh sách ứng viên tham gia Hội đồng Quản trị (HĐQT), sáng nay, đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) diễn ra tại TP.HCM.

Ông Dương Công Minh chính thức ngồi ghế Chủ tịch HĐQT

Kết quả kiểm phiếu bầu thành viên HĐQT cho biết ông Kiều Hữu Dũng đạt hơn 1 tỷ phiếu bầu, tỷ lệ 66,4%, ông Dương Công Minh hơn 3 tỷ phiếu bầu, tỷ lệ 198,3%. Bà Lê Thị Hoa giành được hơn 93,5% số phiếu bầu. Ông Phạm Văn Phong, Nguyễn Miên Tuấn, Nguyễn Xuân Vũ đạt lần lượt 65,4%, 72,5%, 65,5%.

Dai hoi co dong Sacombank anh 1
Đại gia Dương Công Minh nhận được số phiếu bầu áp đảo trong HĐQT Sacombank. Ảnh: Lê Quân.

Với kết quả kiểm phiếu thành viên Ban kiểm soát, bà Nguyễn Thị Thanh Mai đạt 82,9%, ông Trần Minh Triết 125,7%, ông Lê Văn Tòng 82,5%, ông Hà Tôn Trung Hạnh 83%. Ông Trần Minh Triết được bầu làm Trưởng Ban kiểm soát.

Phát biểu khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Dương Công Minh cho biết việc tái cơ cấu Sacombank là một quá trình dài. Đề án xác định 10 năm nhưng ông Minh cho biết HĐQT mới đã họp, xác định sẽ cố gắng trong 5 năm, thậm chí 3 năm sẽ xong luôn.

Các việc được ưu tiên trước hết là tập trung xử lý tốt nợ xấu. Ông Minh nhấn mạnh nợ ở đây chủ yếu là bất động sản nên không sợ mất vốn, vấn đề làm nhanh hay chậm. Tiếp đó là quản trị, điều hành ngân hàng hiệu quả, cơ cấu lại nhân sự phù hợp, thúc đẩy kinh doanh.

HĐQT Sacombank cũng cho biết số thành viên còn thiếu theo quy định sẽ được bầu bổ sung.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho biết sở dĩ có chuyện tỷ lệ phiếu bầu đối với một số thành viên lên đến hơn 100% do phương pháp bầu dồn phiếu. Theo phương pháp này, kết quả trúng cử sẽ được lấy theo số phiếu bầu từ cao đến thấp. Người trúng cử có thể đạt trên 100% hoặc cũng có thể chỉ cần một vài phần trăm phiếu bầu, không bắt buộc đạt tỷ lệ 51-100% như thông thường.

3 năm tới xử lý được 70% nợ xấu

Trả lời cổ đông sáng 30/6, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank Nguyễn Miên Tuấn thông tin về định hướng tái cấu trúc của ngân hàng.

Theo đó, HĐQT mới sẽ có định hướng để phát huy được thế mạnh của Sacombank, bổ sung xử lý tồn đọng.

Dai hoi co dong Sacombank anh 2
Đại diện Sacombank cho biết ngân hàng kỳ vọng 3 năm tới sẽ xử lý được 70% nợ xấu. Ảnh: Lê Quân. 

Ông Tuấn cho biết giai đoạn 2 năm qua ngân hàng quá khó khăn, nhưng hiện nay đã bắt đầu ổn định, tăng trưởng cao (mỗi năm khoảng 20%). Việc này tạo ra nguồn thu nhập đủ bù đắp để xử lý các vấn đề sau sáp nhập.

"Chúng tôi tin việc bổ sung nhân lực với các thành viên có kinh nghiệm từ xử lý nợ, từ bất động sản và đặc biệt từ ngân hàng kinh nghiệm Vietcombank thì 3 năm tới sẽ xử lý 70% nợ xấu", ông Tuấn nói.

Ông nói thêm, Sacombank sẽ phát huy nền tảng về mạng lưới, sản phẩm của mình để đầu tư các sản phẩm mới, một trong những sản phẩm đó lả bảo hiểm nhân thọ. 

"Hy vọng cổ đông sẽ sớm được nhận cổ tức", ông Tuấn nói.

"Chúng tôi đã đi chệch đường"

Trong khi đó, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của Sacombank, chuyển lời của Trầm Bê xin lỗi cổ đông "vì chúng tôi đã đi chệch đường".

"Dù muốn hay không, chúng tôi cũng thành thật xin lỗi cổ đông. Chúng tôi đã cố gắng nhiều nhưng không đáp ứng được kỳ vọng của cổ đông", ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng giải thích với cổ đông về sự có mặt của 2 đại điện từ Vietcombank trong cơ cấu HĐQT mới của nhà băng. Theo đó, Sacombank sẽ học tập từ quản trị điều hành, từ cho vay, xử lý nợ của Vietcombank.

Về sự tham gia của ông Dương Công Minh, lãnh đạo tập đoàn Him Lam, vào HĐQT Sacombank, ông Kiều Hữu Dũng cho rằng "những người như anh Minh sẽ hỗ trợ tốt cho ngân hàng, nhất là điều hành, xử lý nợ".

‘Ghế nóng’ 60.000 tỷ đồng và cơ hội của đại gia Minh Him Lam

Người ngồi "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT Sacombank được cho là phải có nhiều tiêu chí, bao gồm việc "có tiền liền". 6 ứng viên, trong đó có ông Dương Công Minh, ai sẽ đủ tầm?

Cổ đông đề nghị cân nhắc sự tham gia của ông Minh Him Lam

Trước khi bầu ban lãnh đạo mới, nhiều cổ đông chất vấn về danh sách ứng viên. 

Một cổ đông lớn tuổi chia sẻ: "Tôi về hưu, năm 2000 tham gia cổ đông bằng lương hưu của hai vợ chồng. Thấy ông Thành làm ăn được, các tòa nhà cao tầng liên tục mọc lên, tưởng ngân hàng tốt. Nhưng việc xuất hiện của ông Trầm Bê và việc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam với nợ xấu cao khiến Sacombank khó khăn, liên tục đi xuống, cổ đông vất vả. Cổ tức nhiều năm không trả, cổ đông thì không được họp, trong khi chúng tôi chắt chiu từng đồng mua cổ tức".

Dai hoi co dong Sacombank anh 3
Ảnh: Lê Quân.

Cổ đông này đề nghị các ứng viên HĐQT cần làm rõ khả năng của mình, và cam kết sẽ giúp ngân hàng hoạt động như thế nào, để cổ đông tin, bầu vào HĐQT.

Một cổ đông khác đề nghị cân nhắc sự có mặt của ông Dương Công Minh trong HĐQT, vì đại gia này đang liên quan đến chuyện sân bay Tân Sơn Nhất, có khả năng sẽ thu hồi. Điều này liệu có ảnh hưởng gì đến ngân hàng trong tương lai gần hay không. 

Chia sẻ góc nhìn này, một cổ đông khác đặt câu hỏi: Ông Dương Công Minh tham gia Sacombank thì có đảm bảo là xây dựng vì ngân hàng, không vì lợi ích nhóm không?

Cổ đông thảo luận sự tham gia của ông Minh Him Lam ở Sacombank Trong khi một số cổ đông băn khoăn về sự tham gia của ông Dương Công Minh trong HĐQT Sacombank, người khác lại tin vào năng lực của vị này.

Trong khi đó, một cổ đông có 30.000 cổ phiếu, là cổ đông Sacombank 20 năm, cho rằng vị này biết ông Dương Công Minh từ nhiều năm nay. Ông Minh có đóng góp nhiều cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.

"Việc sân golf Tân Sơn Nhất đã được cho phép đầu tư, nhưng giờ sân bay căng như thế thì việc thu hồi chắc chắn thôi. Nhưng đây là việc khác, tôi đồng ý ông Minh trong HĐQT vì ông Minh có năng lực, đã thể hiện qua việc điều hành phát triển LienVietPostBank", vị này nói. 

Vị khác thì nêu quan điểm dù vụ việc ở sân golf Tân Sơn Nhất đang lùm xùm, nhìn vào sự phát triển của Him Lam, ông tin vào sự lãnh đạo của đại gia Dương Công Minh. "Tôi tin ông Minh sẽ lãnh đạo, đưa Sacombank phát triển như các doanh nghiệp của ông ấy".

Vị này cũng muốn ông Minh chia sẻ kế hoạch xử lý nợ xấu cho Sacombank một khi ông tham gia HĐQT của nhà băng. 

Một cổ đông khác thì đặt câu hỏi về việc đại gia Đặng Văn Thành muốn trở lại Sacombank. 

"Tôi nghe ông Thành muốn về với ngôi nhà chung của chúng tôi là Sacombank, vậy có không? Vì tôi tin vị này xây dựng và phát triển được Sacombank", vị này nói.

Hội đồng Quản trị Sacombank phải có 7 thành viên

Trước đó, đại diện ngân hàng cho biết danh sách thành viên Hội đồng quản trị 2017-2021 phải là 7 thành viên, trong đó có 1 thành viên độc lập BKS là 4 thành viên, chuyên trách. Tuy nhiên, trong quá trình chờ NHNN phê duyệt có một số ứng viên xin rút, nên số được duyệt đưa ra bầu không đảm bảo như dự kiến. 

Hiện nay, danh sách có 6 người, thiếu một người, nên sẽ bầu bổ sung trong các kỳ họp tới. 

Danh sách HĐQT được Sacombank chính thức công bố tối 28/6 ngoài 3 “người cũ” của Sacombank còn có ông Dương Công Minh và 2 người của Vietcombank.

Ông Trầm Bê đâu?

Cổ đông thắc mắc tại sao đại hội không có ông Trầm Bê, người được cho là nguyên nhân khiến cổ đông của Sacombank bị thiệt hại, trong khi cổ đông không đồng ý sáp nhập, 3 năm nay cổ đông không được chia cổ tức.

Gánh nặng chi phí cho vận hành hệ thống cổ đông phải “è cổ” chịu. Cổ đông đề nghị HĐQT giải thích.

Cổ đông Sacombank: Ông Trầm Bê ở đâu? Tại ĐHCĐ của Sacombank ngày 30/6, nhiều người chất vấn về trách nhiệm của ông Trầm Bê trong việc khiến ngân hàng làm ăn thua lỗ, cổ đông chịu thiệt.

Đại diện HĐQT giải thích với cổ đông rằng ông Trầm Bê hiện nay không còn liên quan, không còn cổ phần, hết quyền lợi với ngân hàng nên không được tham gia đại hội.

Mỗi sếp Sacombank muốn nhận 1,8 tỷ đồng tiền thù lao

HĐQT trình các cổ đông phương án trả thù lao cho các thành viên trong HĐQT và Ban kiểm soát năm 2017 là 18 tỷ đồng. Như vậy, bình quân, mỗi thành viên sẽ nhận 1,8 tỷ đồng thù lao cho cả năm.

Dai hoi co dong Sacombank anh 4
Kết quả kinh doanh của các công ty/ngân hàng con và Sacombank trong 2 năm thực hiện Đề án tái cấu trúc hậu sáp nhập 2015-2016. Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ Sacombank. Đồ họa: Quang Thắng.

Năm 2016, Sacombank không tổ chức đại hội cổ đông. Tuy nhiên, mức thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát (BKS) xin thông qua là 20 tỷ đồng, giảm một nửa so với con số 40 tỷ đồng của năm 2015.

Trong phần thảo luận tại ĐHCĐ, một cổ đông đặt câu hỏi: Sacombank đã thành công nhiều, nhưng mấy năm gần đây quyền lợi cổ đông giảm, trong khi quyền lợi, thù lao của HĐQT vẫn giữ nguyên mức cao.

Một vị khác tâm tư: Tôi đến với ngân hàng từ hơn 30 tuổi, giờ tôi 65 tuổi rồi. Trước đây, đi đâu nghe Sacombank, tôi rất tự hào, giờ tôi xấu hổ, không dám nhận. Từ lúc ông Trầm Bê về, không xây dựng mà làm ngân hàng khó liên tục. Lẽ ra ngân hàng càng ngày càng phát triển thì lại đi xuống. Tôi thấy vô lý khi cứ nghe ngân hàng lỗ.

Vị này cũng cho biết hiện nắm giữ 596.263 cổ phiếu STB.

"Tôi chưa bán cổ phiếu nào, vì tôi vẫn có niềm tin lớn rằng chúng ta sẽ hết khó. Vậy tôi xin hỏi, từ giờ niềm tin chúng tôi đặt ra có được hay không? Và năm nay chúng tôi có được chia cổ tức không? Nợ xấu giải quyết tới đâu, cổ đông phải gánh đến bao giờ", cổ đông hỏi.

Dai hoi co dong Sacombank anh 5
Đại gia Dương Công Minh (Minh Him Lam) tại ĐHCĐ của Sacombank. Ảnh: Lê Quân. 

Lập 3 công ty tài chính

Tại đại hội, nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của Sacombank được nêu ra, bao gồm việc cấp, đổi, bổ sung một số ngành nghề kinh doanh, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như mua nợ, mua bán trái phiếu Chính phủ, doanh nghiệp, cho vay dưới hình thức bảo lãnh ngân hàng... tái xác nhận chủ trương thành lập công ty trực thuộc và liên doanh giai đoạn 2017-2020. 

Cụ thể, Sacombank dự kiến thành lập 3 công ty trực thuộc và liên doanh giai đoạn 2017-2020. Đó là công ty tài chính dưới hình thức công ty TNHH một thành viên trực thuộc Sacombank với vốn điều lệ dự kiến 500 tỷ.

Nhà băng cũng thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ dưới hình thức liên doanh với đối tác nước ngoài, với khoản vốn góp dự kiến 500 tỷ đồng

Ngân hàng cũng dự kiến mua lại hoặc thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ, dự kiến vốn đầu tư là 1.300 tỷ.

Tại ĐHCĐ, Sacombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2017 là 585 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng công bố số liệu lợi nhuận ròng sau thuế hết 3 tháng đầu năm 2017 đã đạt 211 tỷ đồng.

Câu chuyện lợi nhuận sụt giảm mạnh cũng được HĐQT mang ra “mổ xẻ”, với lý do tái cơ cấu. Lợi nhuận trước thuế năm 2015 và 2016 lần lượt là 878 và 156 tỷ đồng.

Bức tranh toàn cảnh ngân hàng Sacombank Từng được coi là 'đế chế' ngân hàng của gia đình ông Đặng Văn Thành, hiện tại, Sacombank là ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ 5, nhưng lợi nhuận ngân hàng chỉ đứng thứ 11 hệ thống.

‘Ghế nóng’ 60.000 tỷ đồng và cơ hội của đại gia Minh Him Lam

Người ngồi "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT Sacombank được cho là phải có nhiều tiêu chí, bao gồm việc "có tiền liền". 6 ứng viên, trong đó có ông Dương Công Minh, ai sẽ đủ tầm?


H.Linh

Ảnh, video: Lê Quân.

Bạn có thể quan tâm