Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Đinh La Thăng bị tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội

Chiều 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp thông qua nghị quyết về tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội với ông Đinh La Thăng.

Chiều 8/12, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp thứ 18.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết "Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV".

Đồng thời tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua nghị quyết "Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Quốc Khánh, Đại biểu Quốc hội khóa XIV". Ông Nguyễn Quốc Khánh nguyên là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, hiện là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIV, liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra.

Theo TTXVN, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra 2 vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng:

(1) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank);

(2) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Dinh La Thang anh 1
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Đinh La Thăng, là đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (sau khi chuyển về từ đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vào tháng 5/2017).

Ông Thăng mắc khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng

Ngày 7/5/2017, tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bỏ phiếu tỷ lệ trên 90% kỷ luật ông Đinh La Thăng với hình thức cảnh cáo và cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị.

Bộ Chính trị sau đó quyết định cho ông Thăng thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM (nhiệm kỳ 2015-2020), phân công làm Phó ban Kinh tế Trung ương.

Theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ông Đinh La Thăng mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong thời gian công tác tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN giai đoạn 2009-2011, ông Thăng đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân, "gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng".

Trước đó, từ ngày 24 đến 26/4 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) đã họp kỳ thứ 14. Tại kỳ họp này, UBKT đã xem xét, kết luận về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Đảng ủy PVN và một số cá nhân có liên quan.

Ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009-2011.

Vì sao Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng bị kỷ luật? Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã bị kỷ luật cảnh cáo, thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị.

5 năm làm chủ tịch PVN

Ông Đinh La Thăng, sinh ngày 10/09/1960, quê ở Nam Định, có học vị tiến sĩ.

Ông Thăng bắt đầu công tác từ năm 1983 tại Công ty Cung ứng vật tư thuộc Tổng công ty Xây dựng thuỷ điện Sông Đà, là kế toán viên.

Giai đoạn 1989-1995, ông Đinh La Thăng làm phó kế toán trưởng rồi thăng dần lên chức vụ Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc kiêm Chủ tịch công đoàn Tổng công ty Sông Đà.

Giai đoạn 2001-2003, ông làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà, đại biểu Quốc hội Khoá XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Năm 2003, ông được điều động làm Phó bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế. Giai đoạn này, ông Thăng cũng được bầu là đại biểu Quốc hội Khoá XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Giai đoạn 2006-2008, ông Thăng làm Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng; đại biểu Quốc hội Khoá XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó bí thư Đảng uỷ cơ quan Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Từ tháng 12/2008, ông Thăng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Những dự án khiến ông Đinh La Thăng bị đề nghị kỷ luật Giai đoạn 2009-2011, PVN khởi động hàng loạt khoản đầu tư thông qua các công ty thành viên, trong đó không ít dự án đến nay thua lỗ lớn, bị cơ quan chức năng chỉ ra nhiều sai phạm.

5 năm làm Bộ trưởng Giao thông vận tải

Năm 2011, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông Đinh La Thăng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Sau đó ông Thăng tiếp tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội Khoá XIII. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, ông Thăng được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Giao thông vận tải.

Phát biểu với báo chí sau khi được Quốc hội phê chuẩn vào chức Bộ trưởng GTVT, ông Thăng cho rằng: "Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội."

Trong giai đoạn làm Bộ trưởng Giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng có nhiều phát ngôn và quyết định gây chú ý như đề xuất tiêu hủy xe đua tại TP.HCM, thay đổi giờ làm việc công sở và giờ học, đề xuất hạn chế xe cá nhân à tăng phí lưu thông ôtô, xe máy...

15 tháng làm Ủy viên Bộ Chính trị

Tháng 1/2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Đinh La Thăng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Ông Thăng cũng tiếp tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội Khóa XIV.

Tháng 2/2016, tại Thành ủy TP.HCM diễn ra hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy.

Khi phát biểu tại lễ công bố quyết định của Bộ Chính trị, ông Đinh la Thăng chia sẻ "Kể từ giờ phút này, toàn bộ tâm trí của tôi sẽ dành cho một việc duy nhất là cùng với Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP.HCM kế tục một cách xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của thành phố".

Tổng thư ký Quốc hội nêu lý do ông Đinh La Thăng về đoàn Thanh Hóa

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.


Nhật Lâm

Bạn có thể quan tâm