Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông chủ Thế Giới Di Động và câu chuyện vì sao thường mặc áo phông

Trả lời Bloomberg, ông Nguyễn Đức Tài kể về hành trình xây dựng Thế Giới Di Động cũng như triết lý kinh doanh. Ông cũng nói mình thường mặc áo phông là để tiết kiệm thời gian.

Khi Nguyễn Đức Tài, con một người bán hàng rong, nói về giấc mơ cách mạng hóa ngành công nghiệp điện thoại di động Việt Nam, nhiều người đã không thèm để tâm.

"Họ cười nhạo tôi", ông Tài nói về quãng thời gian năm 2009.

Giấc mơ đế chế rau củ, thịt cá

Tuy nhiên, ông đã làm được điều mình tuyên bố. Công ty cổ phần Thế Giới Di Động (TGDĐ) của ông trở thành nhà bán lẻ điện thoại dẫn đầu Việt Nam, và là một trong những công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán, với giá trị thị trường đạt khoảng 1,7 tỷ USD.

nguyen duc tai la ai anh 1
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động. Ảnh: Bloomberg.

Vậy nên lần này khi ông nói về chuyện sẽ làm lớn trong ngành thực phẩm, tất cả đều lắng nghe.

"Tương lai của ngành bán lẻ tạp hóa rất rõ ràng", ông Tài, trong chiếc áo phông đơn giản, chia sẻ. "Đây không phải là câu hỏi về việc tôi có thành công hay không, mà là về việc sẽ mất bao lâu để tôi thành công".

Thành công trong khởi nghiệp của ông Tài đến từ ước mơ hiện đại hóa Việt Nam. Với điện thoại di động, ông đã mở chuỗi bán lẻ mà theo ông là cao cấp, nơi khách hàng có cảm giác an tâm về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Và trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm, ông mong muốn sẽ thay thế chợ truyền thống của Việt Nam bằng những cửa hàng bách hóa hiện đại.

Ông mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào năm 2014 để hiện thực hóa tham vọng này. Cửa hàng bày bán rau xanh, thịt và cá với nguồn gốc rõ ràng bên cạnh những nhu yếu phẩm như các loại mỳ sợi, đồ uống.

Tại các chợ truyền thống, thực phẩm được bày bán ngoài trời và không phải lúc nào cũng sạch sẽ. Người mua cũng không biết rõ thực phẩm tới từ đâu trong khi giá biến động thất thường.

Hiện Bách Hóa Xanh đã có 376 cửa hàng khắp TP.HCM. "Tham vọng của chúng tôi là có 10% thị phần trong thị trường tạp hóa trị giá 60 tỷ USD vào năm 2022", ông Tài cho hay.

Tham vọng đó lớn gấp đôi so với doanh thu 3 tỷ USD/năm hiện tại của TGDĐ.

Tất nhiên, ông đã từng trải qua một hành trình tương tự. 15 năm trước, Việt Nam đã nằm ngoài cuộc bùng nổ di động toàn cầu vì giá thiết bị đầu cuối khi đó quá đắt đỏ.

"Khi đó, chỉ có những lãnh đạo doanh nghiệp hoặc những người giàu có mới có khả năng mua điện thoại di động", ông Tài nói. "Sở hữu một chiếc điện thoại di động dường như là điều bất khả thi với số đông và tôi nghĩ đó là điều cần phải được thay đổi".

Do đó, năm 2003, ông bỏ công việc giám đốc chiến lược tại một doanh nghiệp điện thoại và mở công ty riêng. Theo ông Tài, ông mở 3 cửa hàng nhỏ trong những con hẻm ở TP.HCM và thất bại sau vài tháng, vì địa điểm xấu và không thể chiếm được lòng tin từ khách hàng.

Đến năm 2004, ông thử thêm một lần nữa khi sáng lập TGDĐ cùng 4 người bạn. Lần này, ông mở cửa hàng tại các phố lớn và bán các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Tới cuối tháng 4/2018, theo TGDĐ, hãng có 1.065 cửa hàng trải khắp Việt Nam và chiếm 45% thị phần điện thoại di động cũng như điện thoại thông minh trong nước.

Cuối năm 2017, đã có 120 triệu thuê bao di động tại Việt Nam, nhiều hơn dân số 94 triệu người. Doanh số điện thoại cũng tăng trưởng theo đà tăng trưởng kinh tế.

Ông chủ "bình dân"

"Cơ hội đến rất nhanh và thị trường phát triển nhanh chóng hơn cả sự tưởng tượng của tôi", ông chủ TGDĐ nói.

Ông lớn lên trong nghèo khó tại TP.HCM, nơi mẹ ông thường bán xôi và bánh tráng cuốn dạo. Những năm tháng khó khăn đã khiến ông nung nấu mục tiêu: có được cuộc sống tốt hơn so với bố mẹ mình.

nguyen duc tai la ai anh 2
Một cửa hàng TGDĐ tại TP.HCM. Ảnh: Bloomberg.

"Tôi luôn muốn nghĩ lớn và làm lớn", ông cho hay.

Cổ phiếu của TGDĐ đã tăng giá 6 lần kể từ khi lên sàn năm 2014. Trong 10 hãng phân tích có theo dõi TGDĐ, 9 hãng nói đây là cổ phiếu nên mua vào. TGDĐ cũng là công ty Việt Nam duy nhất trong danh sách 50 công ty niêm yết lớn nhất châu Á của Forbes năm 2017.

"Giờ giấc mơ của tôi là có 20 tỷ doanh thu mỗi năm vào năm 2022", ông Tài chia sẻ.

Tất nhiên, hành trình này không hề bằng phẳng. Bách Hóa Xanh chỉ đóng góp 3% doanh thu của TGDĐ trong quý I/2018. Lãnh đạo doanh nghiệp hiểu rằng, chuỗi cửa hàng trên vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Chuỗi Bách Hóa Xanh lỗ trước thuế 60 tỷ đồng trong quý I/2018 khiến TGDĐ phải đóng cửa 3 cửa hàng và hủy kế hoạch mở 7 cửa hàng mới. Công ty cũng giảm kế hoạch mở cửa hàng mới trong năm nay từ 1.000 xuống còn 500 cửa hàng.

"Bách Hóa Xanh vẫn đang trong giai đoạn bất ổn định", ông Nguyễn Đức Hiếu, nhà phân tích từ Công ty chứng khoán Rồng Việt nhận định. "Đây không phải là một ngành dễ tham gia, vì yêu cầu chuỗi cung ứng tốt, điều rất khó có được trong thời điểm này bởi không có nhà cung cấp nào đủ lớn để cung ứng thịt và rau sạch. Thị trường có lớn nhưng để triển khai thì không dễ dàng".

Tuy nhiên, ông chủ TGDĐ không dễ dàng bị những khó khăn làm chùn bước. Ông nhận định khi giàu lên, người ta sẽ bớt bị cám dỗ về vật chất. Thời điểm khởi nghiệp, ông có 30.000 USD và hiện chỉ riêng cổ phần tại TGDĐ của ông đã có trị giá 53 triệu USD, theo định giá của Bloomberg.

Nhà đầu tư Chris Freund từ quỹ Mekong Capital, một trong những đơn vị đầu tiên đầu tư vào TGDĐ, miêu tả ông Tài là người "rất bình dân", và đề cập rằng trong một chuyến công tác nước ngoài, ông Tài đã dùng chung phòng với 3 nhân viên.

Với ông chủ thường xuất hiện trong chiếc áo phông quen thuộc, ông nói rằng việc mặc áo phông đơn giản là để tiết kiệm thời gian.

"Nghĩ về việc mặc gì hôm nay rất mệt. Tôi muốn dành thời gian đó để nghĩ về việc làm sao phát triển công ty hơn", ông chủ TGDĐ nói.

Thế Giới Di Động với mong muốn 'bán cả thế giới' có thành hiện thực?

Hơn một thập kỷ xây dựng từ cửa hàng đầu tiên đến đế chế bán lẻ tỷ USD, TGDĐ đang có một hệ sinh thái bán lẻ với mong muốn "bán cả thế giới", nhưng liệu điều này có còn thuận lợi.


Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm