Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông chủ ô mai Hồng Lam học nghề từ sách 'nữ công gia chánh'

Ông Nguyễn Hồng Lam, chủ doanh nghiệp ô mai lừng danh đất Bắc mất 15 năm nghiên cứu để lập nên thương hiệu Hồng Lam.

Đã có những lúc thất bại tưởng chừng như không vượt qua được, nhưng đến nay, ô mai Hồng Lam đã trở nên quá đỗi quen thuộc với người Việt. Để làm được điều ấy, ông Nguyễn Hồng Lam chủ doanh nghiệp này đã mất 15 năm cần mẫn nghiên cứu. Và cách ông dạy con cũng như chính những gì ông làm, kiên trì nhẹ nhàng để các con từng bước trưởng thành.

Đưa "hồn quà Việt" đi khắp nơi

Mặc dù đã ngoài 50 tuổi nhưng ngày nào ông Nguyễn Hồng Lam cũng đi hơn 30 cây số từ nhà (Trần Phú, Hà Nội) đến xí nghiệp sản xuất của mình tại khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) để làm việc. Tôi gặp ông Lam khi ông đang kiểm tra những quả ô mai mới ra lò. Sau khi đã hoàn tất công việc ông mới rảnh rang ngồi tiếp chuyện chúng tôi. Là người làm kinh doanh nhưng ông lại khá cởi mở không có vẻ quá thận trọng về lời ăn tiếng nói như nhiều người làm kinh doanh khác. 

Ông Lam tâm sự rất nhiều điều từ công việc cho đến gia đình. Ông bộc bạch: "Hồi trẻ tôi không được học về kinh doanh đâu, chỉ mãi sau này khi đã thành lập công ty rồi tôi mới đi học bổ trợ. Năm 1974 tôi nhập ngũ, rồi vào đại học Kỹ thuật Quân sự. Năm 1975 tôi được cử sang Liên Xô học về điện ảnh. Năm 1981 tốt nghiệp về nước công tác tại xưởng Phim Quân đội Tổng cục chính trị. Năm 1991 thì ra quân".

Ông Nguyễn Hồng Lam.

"Ra quân rồi, tôi thấy rằng lúc này làm về văn hóa như những gì mình đã học thì khá khó khăn, tôi quyết định 'nhảy' vào kinh doanh. Ban đầu tôi làm tăm, hương bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên tăm hương phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu mà thị trường Trung Quốc thì khá thất thường không chủ động được nên không làm nữa. Năm 1992 bắt đầu làm quen với nghề kinh doanh nông lâm sản chế biến hoa quả. Công việc này giúp tôi chủ động về đầu ra đầu vào, tổ chức sản xuất, vốn nên tôi thấy làm cái này lợi hơn. Khi ấy tôi cũng lấy hàng về buôn bán nhưng sau đó tôi học chế biến ô mai, mứt để tự sản xuất và bán lấy mà không phải đi buôn", ông Lam chia sẻ thêm.

Nhấp một ngụm trà, ông Lam kể tiếp: "Để tạo ra những sản phẩm và có được mùi vị đặc trưng như ngày hôm nay tôi đã phải tự mày mò và nghiên cứu lấy. Ban đầu tôi chỉ học làm từ các sách nữ công gia chánh, sau đó được học các kiến thức cơ bản về công nghệ chế biến thực phẩm. Cũng có một cái may mắn là hồi học bên Liên Xô thì tôi có dịp được học về nghiên cứu khoa học và 3 năm học trong phòng thí nghiệm nên đến khi về nước tôi áp dụng vào quá trình tạo ra các công thức cho sản phẩm của riêng mình. Tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để làm thí nghiệm tạo ra công thức cho mỗi sản phẩm, mỗi công đoạn chế biến. Ví như Sấu bao tử tôi phải mất 3 năm mới tạo ra đươc công thức cho nó. Vì cứ mỗi lần thí nghiệm phải mất ít nhất một mùa, thí nghiệm xong mà không thành công thì lại phải đợi sang năm mới thí nghiệm lại được. Có rất nhiều lần thí nghiệm không thành, nhưng qua mỗi lần hỏng thì tôi lại rút được kinh nghiệm và cuối cùng cũng có được công thức cho mỗi sản phẩm để đưa vào chế biến công nghiệp".

Các sản phẩm mà ông Lam nghiên cứu chủ yếu dựa vào ba tiêu chí là ngon - sạch - đẹp. Bởi theo ông: "Sản phẩm mà không ngon thì mọi người không ăn, không đẹp thì không làm quà được và nếu không sạch thì thị trường thời đại mới cũng sẽ không chấp nhận. Chính cái 'ngon sạch đẹp' đó giúp sản phẩm của chúng tôi đi vào lòng người". 

Với ông Lam, sản phẩm phải đạt chất lượng cao nhất để phục vụ triết lý kinh doanh của ông là: phụng sự xã hội bằng gói giải pháp "tinh hoa quà Việt". Đây cũng chính là lá cờ để ông và công ty hướng tới. "Gọi là quà dành cho người Việt bởi đây là sản phẩm của người Việt làm ra, và dành cho người Việt. Tức là ô mai của chúng tôi sẽ được điều vị để phù hợp với hương vị và khẩu vị của người Việt", ông Lam cho biết.

Thương hiệu ô mai Hồng Lam được nhiều người biết đến.

Giải thích thêm về ý nghĩa đó, Ông Lam cười và nói: "Từ năm 2000 ban ngày tôi làm trong xưởng sản xuất, nhưng tối thì tôi ra Hàng Đường trông nom cửa hiệu, chính những lúc đó tôi thấy những người khách của Hồng Lam họ luôn luôn muốn chọn những gì tốt nhất của Hà Nội về làm quà cho người thân. Đó cũng là gói giải pháp quà, ví dụ họ có thể mua làm quà cho vợ, cho mẹ, cho bạn bè… và đem vào miền Nam, đem ra nước ngoài tạo ra sức sống cho quà Việt. Từ đó tôi dần hiểu rằng sứ mệnh của Hồng Lam là làm sao để tạo ra những sản phẩm dần đạt tới "tinh hoa quà Việt" để những sản phẩm đó là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, là những sản phẩm cổ truyền song phải dần vươn ra khỏi phạm vi đất nước đến với khắp nơi trên thế giới.

Cho con cái lựa chọn hướng đi riêng

Để có được sự thành công như ngày hôm nay, Ông Nguyễn Hồng Lam cũng đã trải qua rất nhiều khó khăn, có những lúc tưởng chừng như không vượt qua được. Ông Lam ngậm ngùi: "Ban đầu khi tôi mở ra làm thì bị rất nhiều người ghen gét đố kỵ bởi họ sợ mình cạnh tranh nên tìm cách phá đặt điều nói xấu, tìm cách tẩy chay… khiến tôi rất thất vọng và chán nản. Rồi cũng khá nhiều lần tôi đã bị vấp ngã và thất bại bởi chính sự tính toán sai lầm của mình. Ví dụ những cải tiến của tôi về thiết bị trong tính toán thì rất tốt nhưng vào đến thực tế thì không dùng được khiến các sản phẩm không đạt phải bỏ và lại phải làm lại. Hay có những sản phẩm mới tôi sáng tạo ra, lúc đó tôi nghĩ nó rất hay bởi mùi vị khá đặc biệt nhưng khi đưa ra thị trường lại không được chấp nhận. Thất bại cũng khá nhiều nhưng tôi luôn nghĩ 'mỗi lần vấp ngã là một lần bớt dạ' nên sau những thất bại ấy tôi lại cố gắng tìm hiểu nguyên nhân và lại bắt đầu từ những thất bại đó".

Là người từng trải và vượt qua bao khó khăn thử thách trong sự nghiệp nhưng quan điểm nuôi dạy con của ông Nguyễn Hồng Lam lại khá thoải mái. Ông cho hay: "Đối với con cái, tôi để chúng tự chọn lấy hướng đi của cuộc đời, còn mình có chăng chỉ định hướng thôi. Ví dụ như tôi để cho con chọn trường và chọn nước muốn học, chỉ yêu cầu các con điều kiện cần là các con có thể thi vào trường đó và điều kiện đủ là các con có khả năng theo được cái đó. Tôi tuyệt đối không bao giờ áp đặt với các con mà chỉ hướng dẫn cho các con.

Tôi không quá đao to bùa lớn, không quá khắt khe với con cái mà luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để chúng có thể học được những gì mình thích. Với tôi, đồng tiền chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích nên phải làm sao sử dụng đồng tiền hiệu quả nhất. Đồng tiền ở khía cạnh nào đó là quyền lực xã hội nên nhiệm vụ của chúng ta là phải sử dụng chúng một cách tốt nhất, đừng quá phụ thuộc vào nó mà phải làm cho nó sinh sôi nảy nở. Tôi chỉ cố gắng tuyền đạt điều ấy cho các con để chúng biết phải làm gì với đồng tiền mà gia đình dành cho con cái là được, nên tôi sẽ cho con cái những gì mà chúng cần miễn điều đó có ích.

Tôi luôn mong muốn các con sau khi học xong sẽ tiếp quản và phát triển công việc của gia đình còn chúng có muốn theo hay không thì tùy. Hiện tại con gái đầu tôi đang học cao học, con thứ 2 đang bắt đầu học hỏi làm công tác nghiên cứu thị trường cho công ty. Tuy các con tôi chưa làm được gì to tát nhưng ít ra chúng cũng rất kiên trì học tập khiến tôi an lòng phần nào. Còn công ty thì tôi quan niệm doanh nghiệp là của xã hội, tôi định sẽ thành lập Hội đồng Quản trị theo kiểu cổ phần hóa tức là những người trong công ty sẽ cùng nhau quản lý phát triển. Nên cho dù sau này các con tôi không ai tiếp quản công việc của gia đình thì cái tên của công ty cũng không bao giờ mất đi và vẫn gắn liền với cuộc sống là tôi mãn nguyện rồi".

Theo Gia đình

Bạn có thể quan tâm