"Comple, cà vạt chỉ dành cho các CEO"
Gặp doanh nhân Hoàng Khải lần đầu, nhiều người sẽ khá ngạc nhiên trước một ông chủ của hệ thống nhà hàng, khách sạn 5 sao trong trang phục quần short, áo thun màu nổi, đặc biệt là luôn đội mũ.
Ông thích mặc trang phục này, vì thoải mái. Với ông, quần dài, sơ mi là để đi họp hoặc đón tiếp đối tác. Riêng mũ, bộ sưu tập của ông có tới mấy trăm cái, bởi đây là phụ kiện ông đặc biệt thích.
Ông chủ KhaiSilk cho rằng, lạc quan chính là yếu tố giúp mình thành công. Ảnh: HK. |
“Comple, cà vạt chỉ dành cho CEO. Nhưng nếu CEO của tôi thì tôi cũng không yêu cầu họ phải mặc theo chuẩn này chuẩn nọ. Một CEO giỏi không phụ thuộc vào cách ăn mặc. Trang phục chỉ giúp người ta tự tin chứ không làm nên giá trị con người. Tôi có nhiều bạn bè doanh nhân. Có người coi trọng chuyện ăn mặc sao cho thật trang trọng, nhưng nhiều người họ vượt qua định kiến trang phục, quần áo nào mặc vào thấy thoải mái, làm việc hiệu quả là được”, ông nói.
Về Hà Nội, tôi đã là khách rồi!
Ở Sài Gòn 15 năm, người ta vẫn nghĩ tôi là một người Hà Nội định cư làm ăn, và lâu nay tôi cũng đồng tình với điều đó.
Thực tế, miền Nam mới là quê hương tôi. Quê nội tôi ở Vị Thanh – Hậu Giang (Cần Thơ cũ). Bố tôi tập kết gặp mẹ và sinh tôi ở Hà Nội. Nhiều năm nay, đều đặn năm nào tôi cũng vài lần về quê nội, nhưng chưa chia sẻ chuyện mình là người con của quê hương gạo trắng nước trong.
Chỉ mới tháng 8 vừa rồi, khi cùng mẹ đứng giữa đồng lúa bạt ngàn của quê hương, ngửi cái mùi mạ non thơm nồng ấy, tôi sực tỉnh: Mình là hoàng tử của miền Tây cơ mà, đâu phải Hà Nội. Bây giờ về Hà Nội, tôi đúng là khách rồi!
Hoàng Khải chia sẻ, ông thích đi du lịch để khám phá và trải nghiệm. Sưu tầm, tìm hiểu những giá trị văn hóa đặc trưng ở những miền đất khác là điều không thể sót trong mỗi chuyến đi.
“Đôi khi khách du lịch đến lâu đài Tajmasago, họ ồ lên vì thấy tôi vận bộ trang phục của Bhutan”. Hỏi ông có ngại khi khách thấy một ông chủ Việt lại mặc đồ truyền thống xứ khác trong “nhà” mình, ông tỏ vẻ ngạc nhiên: "Tại sao chuyện nhỏ vậy lại ngại. Tại sao bạn ở Việt Nam nhưng đi ăn sushi, kim chi mà không ăn phở? Hãy cởi mở với cuộc sống. Cái gì mình thích, thấy hạnh phúc thì làm, đừng trói buộc mình với những điều gượng ép".
"Có thể nghèo, nhưng đừng thiếu lạc quan"
Mỗi buổi sáng, Facebook Hoàng Khải lại “sáng đèn”, với câu "Goodmorning" kèm dòng cảm xúc tươi vui. Ít khi thấy chủ lâu đài Tajmasago bi quan hay chia sẻ chuyện buồn, sự thất vọng. Ông bảo, khi vui mới “lướt” Facebook. Trang cá nhân là nơi ông chia sẻ về cuộc sống, từ thói quen chào nhau buổi sáng, câu cảm ơn khi được động viên, đến những trải nghiệm của bản thân, với bạn bè.
Doanh nhân Hoàng Khải chia sẻ bí quyết thành công. |
“Thực tế, cuộc sống ai cũng có chuyện lo nghĩ, nhưng nếu không lạc quan thì sẽ buông xuôi, không thể giải quyết được khó khăn. Càng gặp khó, bạn cần phải lạc quan và bình tĩnh gỡ rối. Đây là bí quyết giúp tôi kinh doanh thành công", ông chủ KhaiSilk hé lộ.
Lâu đài Tajmasago, một công trình kiến trúc độc đáo với kinh phí đầu tư hơn 15 triệu USD, điểm dừng chân tham quan của rất nhiều du khách khi đến TP HCM. Ảnh: H.K. |
Cũng nhẹ nhàng, dí dỏm như cách nói chuyện, ông kể về những lần gặp khó và gỡ khó:
“Ai cũng bảo tôi là người tự do, hạnh phúc, thích là kéo vali đi du lịch. Nhưng để có được điều này, tôi cũng trải qua những tháng ngày gian nan và áp lực ghê gớm. Đó là 8 năm về trước, đầu vào liên tục lao xuống, chúng tôi gánh nợ ngân hàng giữa thời kỳ lãi cao mà hàng không bán được.
Có những ngày, trong đầu tôi chỉ quẩn quanh một câu hỏi là tiền đâu trả nợ ngân hàng, trả lương nhân viên, đóng bảo hiểm, duy trì hoạt động của cả hệ thống kinh doanh từ Bắc tới Nam. Áp lực đó gây bạc tóc đấy, đó là thời kỳ đen tối với tôi.
Ông bà mình nói quá tam ba bận, chứ tôi phải trải qua 4 lần gian nan. Lần đầu là dịch SARS bùng phát thời điểm 2002-2003, suốt 2 năm trời khách không tới, đầu vào bằng không. Chưa hồi phục sau SARS thì xảy ra 2 đợt cúm gia cầm. Làm du lịch mà không đón được khách thì khốn đốn lắm. Hàng không bán được nhưng doanh nghiệp đâu thể đóng cửa, không đầu tư, tu bổ nhà hàng, khách sạn mỗi ngày.
"Hãy cởi mở với cuộc sống. Cái gì mình thích, thấy hạnh phúc thì làm, đừng trói buộc mình với những điều gượng ép".
Tôi đang xoay sở thoát ra thì tiếp tục khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Lần thứ 3 này chật vật hơn 2 lần dịch bệnh, bởi chúng tôi ốm yếu từ 2 lần ảnh hưởng trước. Vậy mà không biết sao tôi lại vượt qua. Cứ tưởng bình yên thì vướng tiếp khủng hoảng kinh tế năm 2011 mà đến giờ nhiều doanh nghiệp vẫn còn phải chống chọi.
Tôi cũng không biết làm sao mình lần lượt đi qua cả 4 lần đen tối này. Nhiều người gượng được khủng hoảng năm 2008, nhưng không thể trụ nổi với đợt khủng hoảng 2011. Bí quyết mà tôi thường chia sẻ với bạn bè là lạc quan. Tôi không bao giờ tuyệt vọng. Cứ khó khăn tôi lại động viên mình là sẽ vượt qua, rồi bắt đầu tìm cách vượt, vượt từng ngày, từng tháng một. Có những tháng tôi chẳng có tiền mà nhiều thứ đè vào, tôi xoay như chong chóng, đủ cách hết. Nếu bi quan, không có niềm tin thì buông bỏ hết rồi.
Bây giờ thì việc kinh doanh của tôi đang rất thuận lợi. Kinh tế ấm lên rồi, sức mua mạnh lên, lại đang vào mùa cao điểm kinh doanh tốt của lĩnh vực dịch vụ, tôi tin sang năm 2016 sẽ tốt hơn nữa".
Hỏi cơ sở đâu ông khẳng định chắc chắn nền kinh tế hết khó, ông bảo: Hãy nhìn vào tôi. Tôi chính là hàn thử biểu của nền kinh tế. Tôi có hàng chuỗi nhà hàng, địa điểm kinh doanh du lịch, trung tâm thương mại, hệ thống bán hàng ở các khách sạn hạng sang… Vì liên đới rất nhiều ngành, tôi nhìn vào lượng khách, doanh thu, để đo đếm nền kinh tế lên hay xuống, đó là con số thống kê đáng tin nhất.
"Với tôi, cuộc sống cũng như một bàn cờ, không nhất thiết anh phải đến cái đích đó, mà phải biết làm thế nào cho phù hợp với từng thời điểm". |
Khổ mà đam mê thì hạnh phúc lắm!
Khi được hỏi có quay lại với ước mơ dang dở của một sinh viên nhạc nếu được trở lại tuổi trẻ, ông cười: Quãng đời đã qua tôi không tiếc bất cứ thứ gì. Tôi quan niệm cái đẹp là những gì mình đam mê và yêu thích.
Bây giờ, dù điều hành hơn chục nhà hàng cùng một hệ thống các cửa hiệu kinh doanh tơ lụa, trung tâm thương mại, nhưng trông ông lúc nào cũng như một người rỗi việc. Chuyện “rảnh” được ông lý giải: "Khổ mà được làm việc mình thích thì không ai thấy vất vả đâu. Tôi khổ lắm chứ, nhưng tôi làm việc bằng đam mê nên mọi thứ đều nhẹ nhàng, và tôi hạnh phúc".
Tôi luôn tâm niệm, mình phải biết cân bằng cuộc sống để làm một đầu tàu vững chãi. Doanh nghiệp muốn phát triển tốt ăn thua là đầu tàu. Đầu tàu chạy ổn để kéo các toa phía sau. Nhân viên góp sức đẩy các toa tiến theo đường thẳng, không vênh, không trật đường ray. Đầu tàu phải biết kéo và phanh kịp thời, không làm được việc này thì các toa không thể tiến, cũng không dừng lại được.
"Tôi cũng đã trải qua rất nhiều thăng trầm của cuộc sống. Với tôi, cuộc sống cũng như bàn cờ, không nhất thiết anh phải đến cái đích đó, mà phải biết làm sao cho phù hợp với từng thời điểm. Đừng nghĩ mình phải làm những việc to tát mới quan trọng.
"Đành rằng đi Rolls Royce, Range Rover, Jaguar hay máy bay hạng sang, ở lâu đài hoặc những khách sạn 5 sao ... là chuyện đương nhiên và xảy ra hàng ngày với tôi. Nhưng để có một tô phở tự bưng, một cốc bia hơi góc phố và những chuyến tàu đêm lại không dễ với một người bận rộn. Thế nên tôi nghĩ, sống mà không có những trải nghiệm thì cũng không đáng lấy một xu”, ông chia sẻ trên trang cá nhân.
Chat với Hoàng Khải
- Lúc nào cũng thấy ông online, có phải ông chủ KhaiSilk dành phần lớn thời gian hàng ngày cho Facebook?
- Không, phải có thời gian cho online và offline chứ. Ví dụ buổi sáng, 6h tôi ngủ dậy, tập thể dục, sau đó vào Facebook để goodmorning mọi người, rồi đọc tin tức, update về các xu hướng mới của cuộc sống, để thấy bạn bè hạnh phúc hay buồn chán.
Đến 8h30, tôi đi làm. Giờ ăn trưa, lại vào, rồi đi ôtô cũng tranh thủ. Đừng nói lúc nào tôi cũng Facebook, phải vui tôi mới online.
- Có khi nào ông phát hiện nhân viên lên Facebook ta thán ông chủ?
- Nếu có thì với tôi cũng không vấn đề gì cả. Bản thân tôi chẳng bao giờ cấm, ép hay buộc nhân viên phải thế này mà không được thế kia. Tôi cũng không có yêu cầu gì đặc biệt với nhân viên. Tôi và họ rảnh là trà chiều, bánh ngọt chia sẻ về công việc, cuộc sống. Giờ thì họ “bỏ rơi” tôi uống trà một mình, vì họ bận rồi.
- Gần đây thấy ông thường sưu tầm, chia sẻ những món ăn đặc sản vùng miền, có phải đó là chiêu PR khéo cho các nhà hàng Hoàng Khải?
- Chia sẻ, hay PR đều đúng. Nhưng, kể cả bạn có PR đi nữa mà không làm từ cái tâm, lòng đam mê, yêu thích thì cũng không làm được. Album món ngon Hà Nội của tôi gần 51.000 lượt chia sẻ nghĩa là người ta tin tôi. Facebook cũng xác nhận là hit từ trước đến nay.
- Slogan kinh doanh của ông là gì?
- Làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn.
- Tóm tắt trong một câu, ông là người thế nào?
- Tôi là người thú vị.