Trong ngày 6/5, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra hoạt động xây dựng nhà ở cao tầng C1-CT, C2-CT thuộc dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do công trình xây dựng không phép.
Nội dung kiểm tra gồm điều kiện khởi công, hồ sơ pháp lý; việc thi công xây dựng theo giấy phép xây dựng, quy hoạch và hồ sơ thiết kế được cấp thẩm quyền phê duyệt; việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, việc mua bảo hiểm của các bên tham gia thực hiện theo yêu cầu.
Dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony nhìn từ phía đường 70 vào. Ảnh: Báo Giao thông. |
Dự án Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc làm chủ đầu tư. Ông Nguyễn Trọng Thông (sinh năm 1953) là Chủ tịch HĐQT, kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Ông Thông cũng là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hà Đô nhiệm kỳ 2019-2024; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hà Đô 1; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hà Đô 2; Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hà Đô 3; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hà Đô 4.
Tính đến ngày 6/5, ông Nguyễn Trọng Thông là người giàu thứ 67 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản lên đến 1.743 tỷ đồng. Ông là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Hà Đô khi nắm giữ 41,6 triệu cổ phiếu HDG.
Năm 2020, Tập đoàn Hà Đô là một trong số ít doanh nghiệp bất động sản báo lãi trên 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu chính đem về cho Hà Đô 4.999 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2019. Doanh thu thuần đạt 1.597 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.260 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và tăng 13% so với cùng kỳ.
KẾT QUẢ KINH DOANH THEO NĂM CỦA HÀ ĐÔ | |||||
Nhãn | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | |
Doanh thu | tỷ đồng | 2300 | 3222 | 4343 | 4999 |
Lợi nhuận sau thuế | 273 | 788 | 1117 | 1254 |
Trong khi đó, theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty An Lạc được thành lập vào tháng 3/2002 và hoạt động trên 3 lĩnh vực kinh doanh chính là đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản. Công ty đặt trụ sở chính tại đường Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Doanh nghiệp được biết đến là chủ đầu tư hàng loạt dự án như Khu đô thị Nam La Khê (Hà Đông), Dự án Chung cư 38 Hoàng Ngân, Khu nhà ở cao tầng Phùng Khoang; chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Nậm Pông, Nhà máy thủy điện Za Hưng, Nhà máy thủy điện Nhạn Hạc.
Dù thực hiện nhiều dự án, doanh thu ghi nhận trên sổ sách của An Lạc không đáng kể. Thậm chí giai đoạn 2017-2019, nguồn thu sụt giảm từ 21 tỷ đồng, xuống 20 tỷ rồi 14 tỷ. Tuy nhiên, công ty lại báo lãi 153 tỷ đồng trong năm 2019 (gấp 11 lần doanh thu).
Tại thời điểm 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 2.363 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.739 tỷ, chiếm 74%. Đến tháng 5/2020, An Lạc nâng vốn điều lệ lên 553 tỷ đồng.
Hiện tại, trang web của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc không thể truy cập được.
Trong ngày 6/5, UBND huyện Hoài Đức cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với Công ty An Lạc. “Chủ đầu tư đang tổ chức thi công phần hầm, diện tích xây dựng 6.177 m2”, quyết định xử phạt nêu.
Cơ quan chức năng yêu cầu trong vòng 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấp phép xây dựng. Hết thời gian này, chủ đầu tư không xuất trình được giấp phép xây dựng sẽ bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định.
Khu đô thị An Lạc (tên thương mại An Lạc Green Symphony) tiền thân là dự án Khu đô thị Đại học Vân Canh, được UBND tỉnh Hà Tây cũ giao Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Lạc làm chủ đầu tư năm 2007. Tổng diện tích giao chính thức là 597.903 m2. Sau hơn chục năm nằm “đắp chiếu”, tháng 6/2020, TP Hà Nội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.