Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông chủ cuộc thi 'Hoa hậu bò sữa'

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cổ Giống bò sữa Mộc Châu là người khai sinh cuộc thi "Hoa hậu bò sữa" và tự hào khi được gọi là "Chiến bò".

Ông chủ cuộc thi 'Hoa hậu bò sữa'

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cổ Giống bò sữa Mộc Châu là người khai sinh cuộc thi "Hoa hậu bò sữa" và tự hào khi được gọi là "Chiến bò".

Không ngại ngần, ông cho biết thích biệt danh dân dã này vì nó gắn tên ông với nghiệp kinh doanh. Một cái nghiệp mà theo cách nói của ông, sau bao thăng trầm vẫn sẽ tạo ra hàng trăm "tỷ phú" nông dân đi lên từ nghề nuôi bò sữa. Xốc vác, trẻ trung, lịch lãm, ông nói: “Tôi là Tổng giám đốc, kiêm nhiều thứ lắm, ví thử ở cái thời bao cấp, thì tôi phải được tính bằng 5 ông với 5 chức danh khác nhau, rất oách”.

 
Ông Trần Công Chiến - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.

Tôn vinh bò để... tạo nên nhiều tỷ phú

Lên Sơn La lần này, thấy ông tất bật và tâm huyết với các hoa hậu bò, tôi thắc mắc thì ông dí dỏm: “Đã 12 năm nay rồi, công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu (tỉnh Sơn La) tổ chức thi bò đẹp và tiến tới đăng ký bản quyền quốc gia hội thi 'Hoa hậu bò sữa Mộc Châu' hẳn hoi. Trước thi có họp báo tại thủ đô, giải nhất năm 2012 lên tới 51 triệu đồng, tổng số tiền giải thưởng cả trăm triệu đồng. Gớm, nó to tiền, to tiếng hơn khối cái giải hoa khôi... người đấy nhé”.

Nói xong, ông chợt trầm giọng: “Tôi đi nhiều nước trên thế giới, thấy họ tự hào về nghề nuôi bò sữa lắm. Có người đem dụng cụ ra giới thiệu bốn đời nhà tôi chung thủy với nghề chăn bò vắt sữa. Bây giờ, ở cao nguyên Mộc Châu, có người nuôi hơn 100 con bò sữa, trị giá dăm bảy tỷ đồng. Chưa kể mỗi tháng mấy trăm triệu tiền sữa vắt được từ đàn bò đó. Thế tại sao chúng ta không có một hành động tri ân với đàn bò?”.

 
Hội thi “Hoa hậu bò sữa Mộc Châu”.

Ông Chiến cũng cho biết, thực ra mục đích sâu hơn của cuộc thi này tạo động lực thúc đẩy các hộ chăn nuôi áp dụng các phương pháp cải tiến, công nghệ chăn nuôi hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu và châu Mỹ tạo ra dòng bò hạt nhân cao sản. Hội thi được tổ chức thường niên và còn là ngày hội để người chăn nuôi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời, tôn vinh những bàn tay vàng trong ngành chăn nuôi bò sữa, thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất, khẳng định giá trị, chất lượng sản phẩm sữa Mộc châu, quảng bá thương hiệu...

Chính vì thế, từ hội thi đã chọn được những con bò hạt nhân chất lượng cao, với sản lượng 40 – 50 lít/ ngày, cá biệt có con đạt sản lượng sữa kỷ lục tới 76 lít/ngày. Đây là những nguồn gen quý, mà các nhà khoa học có thể nghiên cứu để lai tạo ra những con bò nhiều sữa, chất lượng cao, đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi bò sữa.

Để dễ hình dung về việc làm giàu từ con bò, ông Chiến đưa ra phép tính: “Nếu quy mô hộ nuôi từ 90 - 100 con bò, trừ mọi chi phí và với mức giá thu mua sữa hiện nay là 13,5 nghìn đồng/kg sữa thì cũng thu lãi trên 150 triệu đồng/tháng. Điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể trở thành tỷ phú trong một thời gian ngắn”.

Chia sẻ lợi nhuận - rủi ro

Khi được hỏi: tạo sao công ty không tự mình đẩy mạnh phát triển quy mô đàn bò sữa? Ông bảo, thâm tâm ông cũng muốn phát triển đàn bò sữa và quy mô của công ty thật nhanh nhưng ngành này có những đặc thù riêng, không thể nóng vội được.

Với mô hình kết hợp nhà nông - doanh nghiệp như hiện nay thì người nông dân cũng phải có tư duy mới, phải được đào tạo và có kỹ năng, phải tiếp cận với khoa học kỹ thuật để sản xuất theo quy mô hàng hóa, không thể làm ăn manh mún mãi được. Chính sách phát triển của chúng tôi là bền vững, nên trong tất cả các khâu sản xuất, chúng tôi đều đầu tư đồng bộ và chú trọng đến sự gắn kết để đạt chất lượng cao nhất.

Minh chứng là hiện nay 100% hộ chăn nuôi đã mua sắm, trang bị đủ máy cắt cỏ, máy vắt sữa và máy tắm bò; 90% hộ đã trang bị máy thái băm thức ăn, có 85 hộ đã đầu tư mua máy cơ giới canh tác nông nghiệp, nhiều hộ đã mua sắm ôtô bán tải để phục vụ sản xuất...

Không chỉ vì lợi ích trước mắt của doanh nghiệp mà phát triển nóng, đặc biệt đối với một sản phẩm đặc thù gắn bó với ngành nông nghiệp thì làm sao phải đảm bảo để đồng vốn của người nông dân được bảo toàn và phát huy tối đa hiệu quả. Có lẽ chính vì lý do đó mà công ty Giống bò sữa Mộc Châu là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam thành lập quỹ bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm giá sữa vào năm 2004.

Ông Chiến nhớ lại: “Hồi đó, chính sách bảo hiểm nông nghiệp đâu có được như bây giờ, mấy anh em trên công ty bàn nhau, hay ta làm một cái quỹ để chia sẻ rủi ro cho người nông dân. Chúng tôi cứ từng người một, xuống từng hộ chăn nuôi phân tích cho mọi người hiểu và tham gia quỹ này. Hồi mới làm trầy trật lắm, cũng có tiếng này tiếng nọ, nhưng chúng tôi quyết làm bằng được”.

Hiện tại, chủ đàn bò đóng 600.000 đồng tiền bảo hiểm cho mỗi con bò, nếu bò không may bị chết sẽ được bồi thường 12 triệu đồng. Bò bị ngã phải thải loại được đền bù 10 triệu đồng, đủ để mua một con bê con thay thế. Tương tự, chính sách bảo hiểm giá sữa với một phần vốn đối ứng của công ty và người dân đóng góp 50 đồng/kg, nếu sữa giảm giá sẽ được trợ giá 60% số tiền. Đến nay, 100% các hộ nuôi bò ở Mộc Châu đều tham gia quỹ. Tổng quỹ bảo hiểm giá sữa và vật nuôi của công ty hiện đã lên tới hơn 15 tỷ đồng và đã chi trả hàng tỷ đồng cho nhiều hộ nuôi bò sữa.

Câu chuyện sữa bột và sữa tươi

Thị trường sữa đang nóng với nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề sữa bột chế biến thành sữa tươi hay những vấn đề về thị phần sữa.... nhưng có vẻ như công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu vẫn giữ vẻ điềm tĩnh của người đứng ngoài cuộc. Ông Chiến phân tích: về mặt logic, việc các công ty sữa khác tăng thị phần đồng nghĩa với việc thị phần của chúng tôi bị thu hẹp nhưng trong bối cảnh thị trường sữa nước Việt Nam hiện nay thì thị trường còn rất rộng lớn. Nếu các Doanh nghiệp sữa Việt Nam phát triển nhanh làm chủ được thị trường sữa trong nước thì không chỉ tốt cho doanh nghiệp, ngành sữa mà còn tốt cho người dân. Một sự cạnh tranh mà mọi người đều có lợi thì nên khuyến khích và cổ vũ quá đi chứ.

Tôi cũng chợt nhận ra thêm một điều: quyết tâm và những nỗ lực âm thầm của ông Chiến “bò” không phải để giành giật thị phần với các đối thủ cùng ngành mà đang để lấp đầy khoảng trống thị trường còn lâu mới có thể lấp đầy. Để từ đó tạo thêm nhiều lớp tỷ phú mới cho vùng đất “thảo nguyên xanh - sữa mát lành” Mộc Châu.

Ngược dòng để thành công

Những năm 1988 - 1989 là giai đoạn công ty lâm vào tình trạng bi đát nhất. Trong lúc tưởng chừng như bế tắc đó, tập thể lãnh đạo công ty đã có một quyết định táo bạo, đó là mạnh dạn triển khai khoán thử bò. Năm 1989 công ty đã chuyển chăn nuôi bò sữa từ nuôi tập trung ở trại sang khoán cho hộ, lúc đầu thí điểm cho 17 chủ hộ chăn nuôi bò sữa, sau đó nhân rộng dần.

Năm 2005 công ty hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, trong đó cổ đông là người chăn nuôi, chế biến sữa chiếm 49%, nhà nước nắm giữ 51%.

Một dấu ấn khác của ông Trần Công Chiến là quyết định đầu tư phát triển đàn bò sữa và công nghệ chế biến sữa để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trung tâm giống và chuyển giao kỹ thuật được thành lập năm 2011. Với tổng diện tích đất 25 hécta, trung tâm được trang bị công nghệ chăn nuôi tiên tiến và đến nay đã có 500 con bò, trong đó có 250 con đang vắt sữa cho gần 2.000 tấn sữa tươi mỗi năm.

“Tôi bước lên từ luống cỏ nuôi bò. Tôi và những người nuôi bò rất biết ơn những con bò sữa. Cuộc thi chỉ như là một chi tiết về sự tôn vinh, tri ân những cỗ máy sinh học đem sữa cho tất cả chúng ta, qua đó thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa đầy tiềm năng của cao nguyên Mộc Châu” - ông Chiến tâm sự.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bạn có thể quan tâm