Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 21/12 đã vạch ra kế hoạch mới nhằm chống lại biến chủng Omicron.
Theo New York Times, chiến lược của chính quyền Biden bao gồm việc tăng gấp đôi các chiến dịch tiêm chủng và hỗ trợ các bệnh viện nếu lượng bệnh nhân quá lớn. Quan chức liên bang sẽ chỉ đạo các nguồn lực, bao gồm cả quân y, để hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe và phân phối xét nghiệm nhanh cho người dân Mỹ.
Tuy nhiên, tổng thống đã loại trừ việc phong tỏa và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt khác.
Trước kế hoạch mới của ông Biden, một số nhà khoa học hôm 21/12 đã lập luận rằng sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron đòi hỏi các biện pháp ngăn chặn mạnh tay hơn. Các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo rằng kế hoạch mới sẽ không đủ để ngăn chặn sự gia tăng nghiêm trọng số ca mắc và nhập viện vì Covid-19 trong vài tuần tới.
Phản ứng rụt rè
Một số chuyên gia bày tỏ sự thất vọng về kế hoạch chống dịch mới và mô tả đó là phản ứng y tế công cộng rụt rè, theo New York Times.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 mới ở Mỹ ập đến ngay trong dịp đoàn viên và tiệc tùng mừng năm mới, và điều này có thể đẩy mạnh sự lây lan của virus.
Quan chức y tế liên bang hôm 20/12 đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khuyên bệnh nhân của họ nên tiến hành xét nghiệm Covid-19 nhanh tại nhà trước khi tham gia vào bất kỳ cuộc tụ họp nào.
Tiêm ngừa Covid-19 tại xe cho người dân ở San Ramon, California trong tháng 12. Ảnh: New York Times. |
Trái ngược hoàn toàn với lời khuyên được đưa ra vào năm ngoái, Tổng thống Biden đang khuyến khích mọi người tụ tập và ăn mừng dịp lễ, miễn là họ đã tiêm chủng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn.
Dẫu vậy, tổng thống vẫn cảnh báo rằng biến chủng Omicron đang lây lan với tốc độ chưa từng có, và cho biết ngay cả những người được tiêm chủng đầy đủ, thậm chí là tiêm tăng cường, vẫn có thể nhiễm virus dù ít có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn.
Trái với khuyến khích của tổng thống, một số chuyên gia kêu gọi người dân nên xem xét lại kế hoạch dịp lễ nếu gia đình và bạn bè của họ có người dễ bị tổn thương - bao gồm người cao tuổi, người có bệnh nền và người có hệ miễn dịch suy yếu.
Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nói: “Nếu bạn thực sự muốn bảo vệ mình và người khác trong thời gian này, hãy hạn chế tiếp xúc với mọi người”.
Hàng trăm chuyên gia y tế công cộng, các nhà khoa học, nhà cung cấp dịch vụ y tế, và người ủng hộ đã ký một lá thư hôm 20/12 kêu gọi chính phủ liên bang khuyến khích người dân đeo khẩu trang bất kể có tiêm chủng hay chưa. Bức thư nói rằng đeo khẩu trang là biện pháp phòng ngừa có thể được thực hiện nhanh chóng và có hiệu quả cao.
Các chuyên gia cho biết chính quyền Biden có kế hoạch cung cấp miễn phí 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh cho người dân Mỹ. Tuy nhiên, các bộ xét nghiệm được dự kiến chỉ có vào đầu tháng 1/2022, và số lượng có thể sẽ không đủ. Trong khi đó, các bộ xét nghiệm như vậy đã cháy hàng ở nhiều nơi.
Không thể mất cảnh giác
Vẫn chưa rõ liệu biến chủng Omicron có thực sự gây bệnh nhẹ hơn những biến chủng trước đó hay không, nhưng một số nhà khoa học lo ngại rằng niềm tin này đã được phổ biến rộng rãi và công chúng đang mất cảnh giác với đại dịch.
“Đây là một mầm bệnh cực kỳ dễ lây lan và chúng ta chưa biết mức độ bệnh nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong mà biến chủng này có thể gây ra”, theo Galit Alter, nhà miễn dịch học và virus học hợp tác với Viện Ragon của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, M.I.T. và Harvard.
“Chúng ta cần tái thiết lập các biện pháp nghiêm ngặt như khi đối mặt với làn sóng virus đầu tiên”, bà nói.
Phân phối xét nghiệm nhanh tại nhà ở Chelsea, Massachusetts. Ảnh: AFP. |
Saskia Popescu, một nhà dịch tễ học ở Arizona, cho rằng ông Biden cần có những biện pháp khiến cộng đồng cảnh giác cao độ hơn.
“Nên hạn chế tụ tập trong nhà ở những khu vực có khả năng lây lan cao và đeo khẩu trang ngay cả khi tham gia các sự kiện lớn ngoài trời. Các nhà hàng phải có đủ chỗ ngồi ngoài trời và hệ thống thông gió đủ tốt, đồng thời nên yêu cầu khách đến ăn tại chỗ xuất trình bằng chứng tiêm chủng”, bà Popescu khuyến nghị.
“Bây giờ là lúc để củng cố các biện pháp phòng tránh. Tôi hiểu mọi người đang do dự vì đã quá mệt mỏi, nhưng thực sự chúng ta cần những biện pháp đó hơn bao giờ hết”, bà nhấn mạnh.
Tiến sĩ Jacob Lemieux, thuộc Hiệp hội Massachusetts về Sẵn sàng Bệnh học, cho biết Omicron đang lây lan nhanh đến mức Mỹ không nên chờ đợi và quan sát.
Người Mỹ cũng không thể đặt cược tất cả vào niềm tin rằng biến chủng này ít gây triệu chứng nghiêm trọng hơn, ông nói.
Các loại vaccine và mũi tiêm nhắc lại được ông Biden khuyến khích giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng, nhưng việc tiêm phòng chỉ có hiệu quả cao nhất là hai tuần sau khi tiêm.
Bệnh viện “đang bị đẩy đến bờ vực”
Tại Mỹ, nhiều bệnh viện vốn đã căng thẳng vì sự gia tăng số ca Covid-19 do biến chủng Delta gây ra. Các bệnh viện và y tá đã bắt đầu trực tiếp cầu xin công chúng hãy thận trọng trong đại dịch.
Dù hoan nghênh các đề xuất của ông Biden, Rick Pollack, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Mỹ, ngày 21/12 cho biết nhân viên y tế “đang bị đẩy đến bờ vực”. Ông nhắc lại lời kêu gọi tất cả người Mỹ hãy tiêm phòng và tiêm tăng cường càng sớm càng tốt.
Xét nghiệm PCR nhanh ở sân bay quốc tế Miami. Ảnh: AP. |
Ở Rhode Island, có rất ít bằng chứng cho thấy các biện pháp hiện tại là đủ để ngăn chặn đợt bùng phát mới nhất. Tại một số bệnh viện, phòng cấp cứu thường xuyên kín chỗ và bệnh nhân có khi phải chờ 12 giờ mới có giường. Các bác sĩ phải điều trị cho bệnh nhân trong bãi đậu xe, Megan Ranney, bác sĩ cấp cứu và là hiệu trưởng của Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, cho biết.
Các chuyên gia cho biết tình trạng thiếu nhân sự có thể buộc nhân viên y tế dù đã bị nhiễm virus vẫn phải tiếp tục làm việc nếu có thể, bất chấp rủi ro đối với bệnh nhân.
“Không có y tá. Không có giường. Bạn không thể làm gì được”, bác sĩ Ranney nói.
Bà nói thêm kế hoạch huy động Vệ binh Quốc gia của chính quyền nhằm hỗ trợ các bệnh viện đang bị quá tải và tăng số giường bệnh là rất cần thiết.
Các nhân viên y tế đã cầu xin công chúng thực hiện mọi biện pháp có thể để tự bảo vệ bản thân và giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế.
Mary Turner, một y tá thuộc bộ phận chăm sóc đặc biệt và là Chủ tịch của Hiệp hội Y tá Minnesota, nhắc lại lời kêu gọi: “Hãy chủng ngừa và tiêm nhắc lại. Nhân viên y tế chúng tôi đang ở bờ vực rồi”.
“Một năm rưỡi trước, tôi đã ví những gì chúng ta đang trải qua như một cuộc chiến, và chúng tôi là những người lính ra trận, nhưng chúng ta đang thua trong cuộc chiến này”, bà Turner nói.