Khi được phóng viên hỏi ông có sẵn sàng tới Ukraine lúc này không, Tổng thống Biden trả lời ngắn gọn rằng "có", theo Interfax.
Theo New York Times, khó có khả năng ông Biden hoặc Phó tổng thống Kamala Harris sẽ đến thủ đô của Ukraine do những thách thức về bảo đảm an toàn giữa vùng chiến sự.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao khác, như ngoại trưởng Mỹ hoặc bộ trưởng Quốc phòng, có thể thực hiện chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tượng. Nhà Trắng cũng xác nhận đang xem xét việc sớm cử phái đoàn đến Ukraine.
Người phát ngôn của hai vị bộ trưởng nói họ hiện chưa có kế hoạch công du Ukraine.
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Putin "chưa bao giờ từ chối" gặp người đồng cấp Ukraine Zelensky, nhưng trước tiên hai nước cần thống nhất một văn bản thỏa thuận.
"Chúng tôi đã nói về cuộc gặp này. Về nguyên tắc, tổng thống (Nga) chưa bao giờ từ chối, nhưng có một số điều kiện nhất định phải được sắp xếp trước khi có cuộc gặp này, trong đó phải kể tới một văn bản”, TASS dẫn lời ông Peskov.
Cuộc đàm phán gần nhất giữa phái đoàn Nga và Ukraine hôm 29/3 tại Istanbul. Ảnh: AFP. |
Nga cho rằng Belarus là “địa điểm tuyệt vời” để tổ chức đàm phán với Ukraine, nhưng ông Peskov nói cần tham vấn cả ý kiến của Kyiv trong vấn đề này.
Trong khi đó, hôm 12/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định chỉ có Ankara mới có khả năng giúp Nga và Ukraine đạt được tiến bộ trong đàm phán.
Trong tuần này, Tổng thống Putin nói đàm phán giữa hai bên lại một lần nữa “đi vào ngõ cụt”, chệch hướng khỏi những thỏa thuận đã đạt được trong vòng đàm phán tại Istanbul.
Đàm phán Nga - Ukraine bắt đầu vào ngày 28/2 với một số cuộc gặp giữa hai phái đoàn tổ chức tại Belarus. Sau đó, hai bên tiếp tục thảo luận trực tuyến. Vào hôm 29/3, một vòng đàm phán trực tiếp khác được tổ chức tại Istanbul.