Động thái mới nhất của OPEC+ nhằm giảm mạnh sản lượng dầu đã đi ngược lại nỗ lực bấy lâu của Tổng thống Joe Biden.
Quyết định của các quốc gia vùng Vịnh cho thấy chính sách ngoại giao của tổng thống Mỹ không thể mang lại kết quả như mong đợi, bất chấp màn cụng tay gây chú ý với thái tử Saudi Arabia.
Sau khi sản lượng dầu bị hạn chế, Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc quản lý chính sách kinh tế và đối ngoại, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái và chính trị năng lượng nổi lên như một chìa khóa cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Và một lần nữa, OPEC+ chứng minh rằng ngay cả khi tầm quan trọng của dầu mỏ đang giảm dần, nhóm vẫn hành động vì lợi ích riêng. Trong trường hợp này, việc duy trì giá dầu quan trọng đối với các nước thành viên hơn các tác động chính trị khác.
Quyết định bất ngờ
Cuộc họp của nhóm OPEC+ hôm 5/10, do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu, tạo ra một loạt vấn đề kinh tế và đối ngoại tác động đến cả nền chính trị Mỹ và cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong nhiều tháng, Nhà Trắng đã tìm cách ngăn chặn việc cắt giảm 2 triệu thùng/ngày. Họ kêu gọi một số đồng minh Arab thân cận nhất bắt đầu từ Saudi Arabia - nơi ông Biden đến thăm và gặp gỡ Thái tử Mohammed bin Salman vào tháng 7, bất chấp sự phản đối của các tổ chức nhân quyền và thậm chí cả một số cố vấn riêng.
Cái cụng tay gây chú ý giữa Tổng thống Joe Biden và Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: AP. |
Các quan chức cho biết vào thời điểm đó, ông Biden đã mạo hiểm giải quyết nhiều mối quan ngại về an ninh quốc gia - nhưng chủ yếu là việc tăng nguồn cung dầu - ngay cả khi điều đó có nghĩa ông đang giúp Thái tử Mohammed khôi phục vị thế.
Sau chuyến thăm, các nước ngầm kỳ vọng rằng Saudi Arabia sẽ tăng sản lượng khoảng 750.000 thùng/ngày và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sẽ theo sau, với mức tăng 500.000 thùng.
Song sự gia tăng chỉ là thoáng qua.
Mặc dù Saudi Arabia tăng sản lượng đáng kể vào tháng 7 và tháng 8, họ từ chối cam kết duy trì mức sản lượng này trong suốt khoảng thời gian còn lại của năm 2022.
OPEC+ lo ngại bóng ma suy thoái toàn cầu sẽ khiến giá dầu giảm từ 120 USD/thùng xuống dưới 80 USD. Trước đó, giá dầu đã giảm từ 120 USD xuống khoảng gần 90 USD chỉ trong vòng 3 tháng. Nếu xu hướng này tiếp tục, họ sẽ phải cắt giảm ngân sách, đe dọa sự ổn định xã hội, theo Reuters.
Quyết định của OPEC+ hôm 5/10 sẽ khiến sản lượng dầu hàng ngày trên toàn cầu giảm khoảng 2%. Mặc dù một số thành viên trong nhóm vốn đã hoạt động kém hiệu quả và không thể đạt được sản lượng mục tiêu, quyết định này vẫn có thể tác động lớn đến giá cả, với mức tăng 15-30 cent/gallon tại các trạm, chuyên gia ước tính.
Và đối với ông Biden, sự thay đổi này đến vào một thời điểm không thể tồi tệ hơn, khi chỉ còn cách cuộc bầu cử giữa kỳ một tháng.
Nhà Trắng đã thể hiện sự tức giận và ngạc nhiên rõ ràng trước quyết định này.
Vào ngày 4/10, thư ký báo chí Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên rằng "chúng tôi không cân nhắc kế hoạch mới" từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Mỹ ngoài những gì ông Biden đã thông báo trước đó.
Tuy nhiên, chưa đến 24 giờ sau, với thông báo cắt giảm của OPEC+, các quan chức Nhà Trắng cho biết Bộ Năng lượng sẽ "giải phóng" thêm 10 triệu thùng vào tháng 11.
Các quan chức không nói rằng ông Biden hối tiếc vì cái cụng tay với Thái tử Mohammed. Tuy nhiên, New York Times nhận định động thái này cho thấy thời kỳ các tổng thống Mỹ có thể yêu cầu các đồng minh vùng Vịnh ủng hộ chỉ vì lợi ích của mối quan hệ, hoặc để Mỹ tiếp tục cam kết bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công, đã không còn.
Bước đi quyền lực của Saudi Arabia
Ngoài tác động lạm phát và chính trị, quyết định này còn khiến nỗ lực giới hạn giá dầu Nga của Mỹ và châu Âu lâm nguy.
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak đã tham dự hội nghị hôm 5/10. Ông Novak đóng vai trò trung tâm trong việc hợp tác với các nước sản xuất dầu khác.
Quyết định của OPEC+ sẽ giúp Nga đạt được mức giá bán cao hơn để bù lại các khoản chiết khấu cho những đối tác khác. Về bản chất, việc cắt giảm sản lượng sẽ nâng cao doanh thu cho tất cả thành viên OPEC+, bao gồm Nga.
Quan chức các nước OPEC+ nhóm họp ở Vienna. Ảnh: Reuters. |
Trong một tuyên bố từ Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese, Nhà Trắng cho biết ông Biden “rất thất vọng trước quyết định thiển cận của OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng, khi nền kinh tế toàn cầu đang hứng chịu tác động tiêu cực từ chiến sự ở Ukraine”.
Họ cho biết ông sẽ "tham khảo ý kiến Quốc hội về các công cụ và cơ quan chức năng bổ sung để giảm bớt sự kiểm soát của OPEC+ đối với giá năng lượng".
Trong khi đó, Saudi Arabia không hề “hối lỗi”.
“Chúng tôi thà hành động trước hơn là xin lỗi”, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, kiêm Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, nói với các phóng viên về nỗ lực tăng giá. Ông không nhắc đến các thỏa thuận ngầm với Washington vào tháng 7.
Theo New York Times, Thái tử Mohammed đã cố ý tách khỏi Washington và vun đắp các mối quan hệ quốc tế rộng rãi hơn, đặc biệt với Trung Quốc và Nga. Ông cũng nói rõ không coi Saudi Arabia là đối tác cấp dưới của Mỹ và sẵn sàng từ chối bất kỳ yêu cầu nào trái với lợi ích của đất nước.
Một số nhà phân tích chính trị vùng Vịnh coi động thái này như một đòn giáng thẳng vào ông Biden.
“Nó chắc chắn là về chính trị”, Cinzia Bianco, nhà nghiên cứu vùng Vịnh tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết. Bà giải thích rằng Saudi Arabia thất vọng với những gì họ nhận được từ Mỹ sau chuyến thăm của ông Biden tới vương quốc.
Ngược lại, các nhà phân tích của Saudi Arabia đã bác bỏ luận điểm này và lặp lại tuyên bố của quan chức các nước OPEC+, cho rằng quyết định cắt giảm không liên quan đến chính trị.
“Đó chắc chắn không phải một hành động chống lại ông Biden. (Quyết định này) chỉ nhằm giữ giá trong một biên độ có thể chấp nhận được”, Ali Shihabi, nhà phân tích của Saudi Arabia, cho biết.
Ông Shihabi nói rằng dầu mỏ là nguồn năng lượng quan trọng đối với nền kinh tế Saudi Arabia và các kế hoạch của Thái tử Mohammed, do đó việc đảm bảo mặt hàng này tạo ra lợi nhuận quan trọng hơn các mối quan tâm khác.
“Họ chỉ đang cố gắng duy trì huyết mạch kinh tế. Đây là huyết mạch của vương quốc, và mọi thứ phụ thuộc vào nó", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng Saudi Arabia muốn chứng tỏ tầm quan trọng của dầu mỏ và khả năng chi phối thị trường của nước này.
“Đó chắc chắn là một động thái quyền lực của Saudi Arabia. Họ đang thể hiện rằng họ có khả năng tạo ra thị trường này", Karen Young, học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia, nhận định.