Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành rất nhiều sắc lệnh hành pháp trong 10 ngày đầu cầm quyền, vượt xa những người tiền nhiệm, giữa lúc ông nỗ lực đảo ngược các chính sách của chính quyền Trump và hoàn thành những cam kết quan trọng với cử tri.
Ông Biden đã ký 28 sắc lệnh hành pháp trong 10 ngày nắm quyền đầu tiên, rất quyết liệt so với các tổng thống khác trong cùng khoảng thời gian. Tổng thống Trump đã ký 7 sắc lệnh vào tháng 1/2017, Tổng thống Obama ký 9 sắc lệnh vào tháng 1/2009 và Tổng thống George W. Bush chỉ ký 2 sắc lệnh vào tháng 1/2001.
Ông Biden khó có thể tiếp tục duy trì tốc độ ban hành như vậy và ông đang bị dòm ngó, sau những hứa hẹn về tinh thần đoàn kết và sự thống nhất lưỡng đảng. Tuy nhiên, việc này phản ánh một thực tế mới rằng các tổng thống đang ngày càng ưu tiên hành động đơn phương khi đối mặt với sự bế tắc ở quốc hội, theo The Hill.
Đòn bẩy của mọi tổng thống
"Ông ấy sẽ sử dụng đòn bẩy mà mọi tổng thống trong lịch sử đã sử dụng: sắc lệnh hành pháp", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong cuộc họp báo hôm 28/1. "Nhưng ông ấy cũng thấy quan trọng là phải làm việc với quốc hội, và không chỉ với một đảng - cả hai đảng - để hoàn thành công việc".
Ông Biden chuẩn bị ký một sắc lệnh hành pháp. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng sắc lệnh hành pháp có thể bị thách thức trước tòa, hoặc dễ dàng bị xóa bỏ bởi người kế nhiệm đến từ đảng khác. Ví dụ điển hình là việc ông Biden hủy bỏ "chính sách Mexico City" - chính sách yêu cầu các nhóm nước ngoài nhận viện trợ kế hoạch hóa gia đình từ chính phủ Mỹ đồng ý không cung cấp hoặc quảng cáo việc phá thai.
Chính sách này được Tổng thống Reagan công bố lần đầu tiên vào năm 1984, và đã liên tục bị các tổng thống đảng Dân chủ đảo ngược, trong khi được các tổng thống đảng Cộng hòa phục hồi kể từ đó.
"Không gì thay được luật", Paul Light, giáo sư về dịch vụ công tại Đại học New York, cho biết: "Bạn không thể xây dựng một chính quyền dựa trên sắc lệnh hành pháp. Chúng là những thứ hỗ trợ, chúng thực sự truyền đi thông điệp mạnh mẽ, nhưng bạn phải thúc đẩy quốc hội đi cùng với bạn".
Tổng cộng, ông Biden đã thông qua hàng chục "hành động hành pháp", bao gồm các bản ghi nhớ và tuyên ngôn của tổng thống. Song sắc lệnh hành pháp được coi là mạnh mẽ nhất vì chúng có hiệu lực tương tự luật pháp và có thể bị kiện ra tòa.
Trong tuần đầu nắm quyền, ngày nào ông Biden cũng công bố sắc lệnh hành pháp, mỗi lần tập trung vào một lĩnh vực chính sách khác nhau. Cách tiếp cận này giúp ông Biden hoàn thành các cam kết với cử tri trong chiến dịch tranh cử và báo hiệu cho các khu vực bầu cử khác nhau rằng ông đang xem xét vấn đề của họ.
"Một số sắc lệnh mang tính tượng trưng hơn là thực chất, và một số trong đó mang lại kết quả khá thấp nếu xét về mặt thu hồi các hành động của ông Trump", Andy Rudalevige, Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu Chính phủ và Luật pháp tại Đại học Bowdoin ở Maine, cho biết.
Các hành động của ông Biden phần lớn là nhằm đảo ngược các chính sách của ông Trump mà đảng Dân chủ coi là có hại. Bằng cây bút ký, ông Biden đã đưa Mỹ tái gia nhập thỏa thuận khí hậu Paris, tạm dừng dự án đường ống khí đốt Keystone XL, hủy bỏ lệnh cấm đi lại từ các quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi và bãi bỏ "chính sách Mexico City".
Tình thế đặc biệt
Động thái của ông Biden cũng vấp phải sự phản đối. Ban biên tập New York Times đã yêu cầu tổng thống giảm tốc độ thông qua các hành động hành pháp, nói chúng là "sự thay thế không hoàn hảo cho luật" mà cuối cùng dẫn đến bất ổn vì chúng có thể bị lật đổ bởi chính quyền tiếp theo.
Các quan chức Nhà Trắng khẳng định các hành động hành pháp của ông Biden không phải là sự thay thế cho luật, mà nhằm xóa bỏ những gì họ cho là các chính sách có hại dưới thời chính quyền trước đó và giải quyết các cuộc khủng hoảng cấp bách, chưa từng có tiền lệ.
Ông Biden ở Nhà Trắng. Ảnh: AFP. |
Matt Bennett, đồng sáng lập Third Way - tổ chức tư vấn theo đường hướng trung tả, nói bài xã luận của New York Times là "ngớ ngẩn". Ông cho rằng hoàn cảnh mà ông Biden đang đối mặt là "có một không hai", vì Mỹ đang ở giữa bốn cuộc khủng hoảng lớn: đại dịch, suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu và bất công chủng tộc.
"Nếu có những việc mà ông ấy có thể nhanh chóng hành động để ngăn chặn tình trạng máu đổ ở bất kỳ lĩnh vực nào trong số bốn lĩnh vực trên, ông ấy sẽ hành động, nhưng ông ấy nhận thức được rằng có rất nhiều điều ông ấy không thể tự mình làm và anh ấy sẽ cần quốc hội", ông Bennett nói.
Dù đang đơn phương tiến lên trên nhiều mặt trận, ông Biden đang cố gắng tận dụng kinh nghiệm và mối quan hệ của mình tại Thượng viện trong các cuộc đàm phán với quốc hội để thông qua dự luật cứu trợ Covid-19 và các đạo luật khác. Thành công trong những việc này có thể định hình rất rõ nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Các đồng minh nói rằng 10 ngày đầu nắm quyền của ông Biden tương phản với chính quyền trước đó, nhưng họ thừa nhận rằng tân tổng thống Mỹ không muốn chỉ dựa vào quyền lực hành pháp.