Suốt quãng đường gần 300 km từ TP.HCM đi TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), các phương tiện giao thông phải đi qua đèo Chuối, đèo Bảo Lộc và đèo Prenn. Trong đó, đèo Bảo Lộc (thuộc một phần địa phận huyện Đạ Huoai và một phần TP Bảo Lộc) nguy hiểm nhất với gần 100 khúc cua liên tục uốn lượn, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm.
Có những đoạn cua nối cua che tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông, kể cả phía trước và chiều ngược lại.
Hàng loạt “điểm đen”
Từ đỉnh đèo Bảo Lộc thuộc xã Đại Lào (TP Bảo Lộc) đổ dài xuống thị trấn Đạ M’ri (huyện Đạ Huoai) liên tục có các khúc cua “cùi chỏ”. Đặc biệt, vào mùa mưa như hiện nay, đèo Bảo Lộc thường xảy ra tình trạng lở đất, đá; đường trơn trượt gây nguy hiểm.
Mặt khác, trong khi mặt đường đèo nhỏ thì phương tiện qua lại rất đông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) nhưng nhiều tài xế vẫn phóng nhanh, vượt ẩu.
Thời gian gần đây, tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra thường xuyên trên đèo Bảo Lộc. Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay, trên đèo này xảy ra gần 10 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 12 người chết và nhiều người bị thương.
Trong đó, những “điểm đen” TNGT thuộc các khúc cua ở những vị trí Km 98, Km 101 và Km 103 (thuộc địa phận thị trấn Đạ M’ri).
Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra ở đèo Bảo Lộc.
|
Ngoài ra, trên cung đường này thường xuyên xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng như xe va vào vách núi, mất thắng, lật ngửa chắn ngang đèo, rơi xuống vực sâu.
Gần đây nhất là vụ xe khách loại 42 chỗ ngồi của Công ty TNHH TMDV - VT Tấn Hà do tài xế Phan Duy Toàn (ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An) điều khiển chở hơn 30 hành khách khi đổ đèo Bảo Lộc đã mất kiểm soát. May mà lúc đó có xe tải do tài xế Phan Văn Bắc điều khiển chạy phía trước. Tài xế Toàn đã cho xe khách tông vào đuôi xe tải để được dìu xuống hết đèo, hành khách thoát nạn.
“Đã nhiều năm nay, tôi lái xe tải chở hàng từ Đà Lạt, Đức Trọng về TP.HCM hằng ngày qua đèo Bảo Lộc. Thú thật, dù làm nghề tài xế đã lâu nhưng mỗi khi lái xe qua đèo Bảo Lộc là tôi có cảm giác lo lắng, bất an bởi có rất nhiều khúc cua nối nhau, khuất tầm nhìn, nguy hiểm rất khó xử lý” - “Vô lăng vàng 2016” Phan Văn Bắc bộc bạch.
Ông Nguyễn Tạo - tài xế xe khách; ngụ huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Mỗi tháng, tôi điều khiển xe qua đèo Bảo Lộc khoảng 2 lần. Khi xe khách qua đèo, dù đêm khuya hay mỏi mệt đến mấy cũng không dám lơ là vì tôi biết nơi này thường xuyên xảy ra TNGT nên phải cố tỉnh táo để đề phòng chuyện không may”.
Chậm vì phải xin ý kiến
Quốc lộ 20 là tuyến đường huyết mạch nối tỉnh Lâm Đồng với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Vì mức độ nguy hiểm của đường đèo này nên khi bàn giao giữa Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ 78 với Công ty 7-5 (Bộ Quốc phòng) vào tháng 1/2009, đoạn từ Km 98 đến Km 108 đèo Bảo Lộc có tất cả 19 điểm được yêu cầu bố trí lắp đặt gương cầu lồi.
Ngoài ra, Chi cục Quản lý Đường bộ IV.1 cũng đã kiến nghị lắp đặt thêm 10 biển báo dốc xuống nguy hiểm, dốc lên nguy hiểm và 6 biển báo đoạn đường thường xảy ra tai nạn để Cục Quản lý Đường bộ IV - Bộ Giao thông Vận tải xem xét.
Ngày 25/3, Cục Quản lý Đường bộ IV đã có văn bản gửi Công ty TNHH BOT Hùng Phát (đơn vị mua lại việc quản lý và khai thác cung đường này từ Công ty 7-5) và Chi cục Quản lý Đường bộ IV.1, yêu cầu khẩn trương rà soát để điều chỉnh, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ đoạn Km 98 đến Km 108+458 trên Quốc lộ 20 (qua đèo Bảo Lộc) trước ngày 15/4.
Mọi sự chậm trễ gây mất ATGT trên đèo Bảo Lộc thì các đơn vị này hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo báo cáo từ Chi cục Quản lý Đường bộ IV.1, hệ thống báo hiệu giao thông trên đèo Bảo Lộc còn rất nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến ATGT.
Mãi đến ngày 3/10, Công ty TNHH BOT Hùng Phát mới hoàn thiện việc lắp đặt, chỉnh sửa biển báo và bổ sung đủ 19 gương cầu lồi tại các vị trí cần thiết trên đèo Bảo Lộc theo quy định.
Về sự chậm trễ này, ông Nguyễn Đình Trưởng, Phó Giám đốc Công ty TNHH BOT Hùng Phát, lý giải: “Trong hồ sơ thiết kế, đèo Bảo Lộc chỉ có 3 gương cầu lồi. Tuy nhiên, sau khi đưa vào khai thác, Chi cục Quản lý Đường bộ IV.1 nhận thấy việc bổ sung 16 vị trí gương cầu là cần thiết để bảo đảm ATGT. Về phía công ty, trước khi triển khai, chúng tôi phải xin ý kiến của Tổng cục Đường bộ và Bộ Giao thông Vận tải để sau này còn quyết toán”.
Theo ông Lưu Tiến Chinh, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban ATGT huyện Đạ Huoai, dù đã lắp đặt biển báo, gương cầu lồi nhưng đèo Bảo Lộc không vì thế mà hết nguy hiểm. Những khúc cua gấp, nguy hiểm vẫn còn đó nên người tham gia giao thông chỉ còn cách phải hết sức tỉnh táo khi qua đèo này.
9 tháng, 111 người chết vì TNGT
Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng cho biết 9 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh này xảy ra 155 vụ TNGT làm 111 người tử vong và 110 người bị thương. Trong đó có 95 vụ nghiêm trọng, 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng.
So với năm 2015, số người chết tăng 9, số vụ tai nạn tăng 1. Các địa phương xảy ra nhiều TNGT là TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Đức Trọng, Đạ Huoai. Trong đó, Quốc lộ 20 là tuyến xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng nhất.