Những ngày qua, ca khúc Như lời đồn của Khắc Hưng, qua sự thể hiện của Bảo Anh, gây xôn xao vì tựa đề nhạy cảm, thiếu văn minh. Nhạc sĩ Dương Cầm khẳng định nếu có quyền, anh sẽ cấm Như lời đồn vì ngụ ý không đẹp, khó chấp nhận. Nhiều người trong nghề cũng đồng ý với quan điểm này. Trước đó, Như cái lò của Khắc Hưng cũng bị chỉ trích là phản cảm, thô tục.
Zing.vn có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - tác giả ca khúc Nhật ký của mẹ, đồng thời cũng là người có nhiều năm gắn bó với âm nhạc thiếu nhi - về những tranh cãi quanh câu chuyện ca khúc thô tục, phản cảm thời gian qua.
'Huấn luyện viên có ca khúc tục ảnh hưởng rất nhiều đến học trò'
- Là một trong những nhạc sĩ phản đối cách tên ca khúc mang ý đồ thô tục như "Thu dẩm", "Như cái lò", anh nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng âm nhạc cần phát triển đa dạng vì thực tế âm nhạc Âu Mỹ, Hàn Quốc cũng chẳng hiếm gặp những trường hợp như vậy?
- Tôi nghĩ đây là vấn đề về nhận thức. Nếu so sánh như vậy thì mình phải nhận thức được rằng âm nhạc các nước Âu, Mỹ, Hàn Quốc phát triển như vậy là nhờ vào những bài hát như thế nào.
Như lời đồn của Khắc Hưng và Bảo Anh bị người trong nghề chỉ trích. |
Tất nhiên, ở đâu cũng có những thành phần tầm bậy, tầm bạ với những sản phẩm tầm bậy, tầm bạ. Nhưng cũng lại luôn luôn có những người làm đúng với giá trị của nghề.
Tôi hoàn toàn đồng ý là âm nhạc ở nước nào cũng có bài nọ, bài kia, người nọ người kia. Nhưng hãy công bằng nói với nhau rằng: Một bài hát có tên là “F*** you” thì liệu có thể có được tôn trọng như bài hát My heart will go on không?
Bài nào được tôn trọng, bài nào được kính nể, yêu quý hơn? Bài nào có sức sống lâu bền hơn, cái đấy nhìn thấy rất rõ. Thế nên, đâu có thể so sánh như vậy được.
- Anh dùng từ “trẻ trâu muốn làm nhạc sĩ” để nói về những trường hợp đặt tên ca khúc câu khách, ca từ phản cảm. Tại sao anh ví von như vậy?
- Quan điểm của tôi trong chuyện tên bài hát là lỗi của ca sĩ thì ít, lỗi của nhạc sĩ thì nhiều. Tôi dùng từ “trẻ trâu” không phải là nói Khắc Hưng mà là tôi nói chung tất cả các bạn nghĩ mình là nhạc sĩ nhưng lại thể hiện thái độ “ngông” trong nghề, trong đó chủ yếu là nhóm underground.
Và không chỉ riêng vấn đề tựa đề, rõ ràng phần ca từ của nhiều ca khúc cũng có vấn đề, gợi dục, thể hiện phông văn hóa rất thấp. Cái đó làm sao có thể gọi là văn hóa, nghệ thuật được.
- Trên trang cá nhân anh viết “Người nghệ sĩ với hệ tư tưởng lệch lạc như vậy dạy được gì cho trẻ con”. Khắc Hưng - Bảo Anh, chủ nhân của "Như lời đồn", đang là huấn luyện viên của chương trình Giọng hát Việt nhí, anh bình luận về họ?
- Quan điểm của tôi trong nghề là không bao giờ bình luận trực tiếp về bất kỳ ai, trừ khi họ làm gì đó quá sốc, còn hay hay dở là việc của họ, tôi không bao giờ quan tâm.
Trên trang cá nhân của mình, tôi có viết: “Người nghệ sĩ với hệ tư tưởng lệch lạc như vậy dạy được gì cho trẻ con”. Tất nhiên là tôi cũng đã gián tiếp nói về vấn đề này. Nhưng không nói riêng ai.
Quan điểm của tôi là nếu bạn không làm giám khảo, đôi khi bạn muốn viết gì thì viết. Nhưng khi bạn đang làm giám khảo, huấn luyện viên của một chương trình về thiếu nhi phải có tư duy, lối sống đúng, nhận thức làm nghề đúng đắn mới có tư cách dạy cho các con.
Nhưng tôi biết đó cũng chỉ là lý thuyết thôi, còn thực tế là các game show trên truyền hình thường phải mời người mang lại rating cao, thu hút được khán giả, làm chương trình trở nên hấp dẫn.
Bảo Anh và Khắc Hưng hiện là huấn luyện viên chương trình Giọng hát Việt nhí. |
- Anh có điều gì nhắn gửi đến các huấn luyện viên, giám khảo như vậy?
- Tôi không chỉ trích, tôi chỉ khuyên thôi. Theo tôi, đã là huấn luyện viên cho trẻ em thì phải luôn cân nhắc, thận trọng, cẩn trọng trong chính lời nói trên mạng xã hội lẫn ngoài cuộc sống.
Đặc biệt là sản phẩm âm nhạc phải định hướng được cho các con thế nào là cái đúng, thế nào là cái đẹp, chứ bản thân mình còn không phân biệt được cái đẹp, cái ngông của bản thân thì còn dạy được ai nữa, làm sao có tư cách.
Các nhà sản xuất nếu có tâm với thiếu nhi cũng nên cân nhắc người nào quan điểm đúng đắn với nghề, phù hợp với chương trình.
- Theo anh, việc huấn luyện viên ra mắt những ca khúc gây tranh cãi, bị phản ứng liệu có ảnh hưởng gì đến chính học trò nhỏ tuổi của họ hay không?
- Ảnh hưởng rất nhiều, ngay cả khi người đó không phải là huấn luyện viên mà chỉ là ca sĩ nổi tiếng, được nhiều người yêu mến đã có tác động rất nhiều đến các khán giả trẻ.
Như khi tôi thể hiện quan điểm về tên ca khúc, nhiều bạn trẻ phản đối bằng những lý luận rất ngây ngô như: "Tên đâu có bậy, chỉ là do suy diễn mới thành bậy". Nghĩa là họ bảo vệ thần tượng rất vô lý, mù quáng, không nhận thức được đúng sai, thể hiện tri thức thấp. Rõ ràng, điều này là ảnh hưởng một phần bởi những bài hát tiêu cực.
Với thiếu nhi lại càng nguy hiểm vì các em còn quá nhỏ. Khi các em thấy thầy giáo của mình, huấn luyện viên của mình ra các ca khúc đó, các em sẽ xem chứ. Các em sẽ thắc mắc: "Tại sao mình không được viết như vậy, được hát như vậy?".
Trong lúc đào tạo có thể huấn luyện viên không dạy bài đó, nhưng hành động của người lớn trẻ em đều thấy. Ai là thầy của các em, các em sẽ làm theo, trẻ con mà, tâm lý đó chúng ta phải hiểu.
Một hình ảnh trong MV Thu dẩm của rapper LK bị nhiều người lên án. |
"Tất cả đều chạy theo tiền thì âm nhạc thiếu nhi không thể phát triển"
- Là người có thời gian nghiên cứu về âm nhạc thiếu nhi, anh thấy game show, truyền hình thực tế về âm nhạc cho trẻ em trên sóng truyền hình hiện nay đang tồn tại những vấn đề gì?
- Về dàn dựng thì tôi thấy rất ổn, các chương trình đều được đầu tư về âm thanh, ánh sáng. Tôi chỉ tiếc là các chương trình cho trẻ em nhưng các em toàn hát ca khúc người lớn.
Thêm nữa là ngồi xem ở nhà thì thấy không sao, nhưng tham gia vào mới biết. Tôi từng trực tiếp tham gia vào một vài game show, thấy áp lực của người lớn đặt vào vai các em quá lớn, không còn là một sân chơi nữa.
Người lớn khiến các em có suy nghĩ phải thắng bạn này, phải loại bạn kia. Em này thân với huấn luyện viên, em kia thì không. Tất cả làm cho cuộc thi không còn bổ ích với những đứa trẻ, vô hình dạy cho chúng những suy nghĩ tiêu cực, không tốt.
- Thực tế, game show ca nhạc vẫn là nơi phát hiện ra nhiều tài năng nhí, nhưng gần đây loại hình này đã bị bão hòa, không còn hấp dẫn. Theo anh, sân chơi âm nhạc cho thiếu thi trên sóng truyền hình có thể đi theo hướng nào khi game show thoái trào?
- Tôi nghĩ cần phải kết hợp nhiều yếu tố, nhất là trong bối cảnh mọi thứ đã thay đổi như hiện nay. Ngày xưa trẻ con chỉ có một lựa chọn là 7h tối ngồi xem Những bông hoa nhỏ, rồi sau có Đồ Rê Mí. Nhưng giờ các em chỉ cần cầm smartphone, máy tính bảng có thể xem mọi thứ trên mạng.
Nguyễn Văn Chung cho rằng âm nhạc thiếu nhi muốn phát triển cần phải có sự chung tay của nhiều người. |
Trong khi đó, sóng giờ vàng truyền hình giờ lại dành cho phim truyền hình, game show. Nghĩa là cả gia đình và xã hội giờ dường như đều đang xem nhẹ chương trình cho thiếu nhi. Cơ quản quản lý, tôi thấy cũng đang không quá chú trọng việc phát triển âm nhạc cho trẻ em. Thế nên, chúng ta mới đang bế tắc.
Các nhạc sĩ cũng chẳng mấy ai viết cho thiếu nhi vì không có nguồn thu ổn định, không có đầu ra, không thể bắt họ uống nước suối để viết nhạc cho thiếu nhi được. Ai cũng biết viết nhạc thiếu nhi không ra tiền, vì nhạc về tình yêu mới có thu nhập tốt. Rõ ràng, chúng ta đang thiếu từ trên xuống dưới để phát triển âm nhạc cho các em.
Với sóng truyền hình, tôi chỉ mong các nhà đài hỗ trợ, kết hợp với các nhà sản xuất để làm chương trình về thiếu nhi đúng nghĩa. Nếu tất cả đều chạy theo tiền thì âm nhạc thiếu nhi của chúng ta không thể khởi sắc như xưa được.