Vào tháng 1, Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ kiểm soát dịch Covid-19 khi lên nhậm chức. Ông triển khai một đợt tiêm chủng lớn và thông qua gói cứu trợ đại dịch trị giá 1.900 tỷ USD, trái ngược hẳn với người tiền nhiệm Donald Trump - vị cựu tổng thống từng hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Thế nhưng, sau 11 tháng kể từ nhiệm kỳ của ông Biden, Mỹ đã ghi nhận 800.000 ca tử vong do Covid-19 và trở thành nước có tỷ lệ này cao nhất trong nhóm G7.
Trong khi biến chủng Omicron tiếp tục lây lan nhanh và người dân tập trung cho kỳ nghỉ lễ, bệnh viện ở một số khu vực chứng kiến số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 cao kỷ lục.
Các chuyên gia y tế đang khẩn trương kêu gọi chính quyền thúc đẩy hơn nữa việc đeo khẩu trang, tăng áp lực lên các công ty trong việc giảm chi phí xét nghiệm, chia sẻ công nghệ vaccine trên toàn cầu và đảm bảo nguồn tài chính nhiều hơn để chống lại đại dịch trên diện rộng. Nhiều người cho biết Nhà Trắng đã để các biện pháp như vậy “trượt dốc” trong khi tập trung vào việc tiêm chủng cho người dân, theo Reuters.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ các thành viên Nhóm ứng phó Covid-19 tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Thách thức chính trị
Nhà Trắng đã nhiều lần cho biết họ có các công cụ để chống lại biến chủng Omicron mà không cần đóng cửa trường học và doanh nghiệp, đồng thời hứa hẹn cung cấp nhiều xét nghiệm miễn phí hơn, cùng phân phối mũi tiêm tăng cường rộng rãi.
Thế nhưng, việc các nhà hát Broadway, trường đại học hay giải đấu thể thao chuyên nghiệp đang bị hoãn hoặc hủy phản ánh một thực tế ngược lại.
Reuters đánh giá thách thức khó khăn nhất của ông Biden trong cuộc chiến chống lại đại dịch là chính trị.
Bất chấp số lượng vaccine sẵn có được cung cấp miễn phí trên khắp cả nước, thông tin sai lệch lan truyền trên các nền tảng xã hội và sự phản đối các biện pháp y tế, được thúc đẩy bởi chính trị gia đảng Cộng hòa cùng phương tiện truyền thông bảo thủ, đã cản trở nỗ lực thuyết phục người dân Mỹ đi tiêm vaccine.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), 65,2% dân số đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ nhờ nỗ lực của chính quyền Biden. Thế nhưng, ở một số bang do phe đối lập đảng Cộng hòa lãnh đạo, con số này dưới 50%. So với một quốc gia có nguồn cung vaccine dồi dào, tỷ lệ tiêm chủng này khiến nhiều chuyên gia thất vọng.
Hiện ít hơn 30% dân số được tiêm mũi tăng cường, “vũ khí" bổ sung được cho là cần thiết để chống lại biến chủng Omicron.
Người dân được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Chicago, Illinois. Ảnh: Reuters. |
Đường cong tiêm chủng ở Mỹ đã đi ngang sau khi đi thẳng lên vào nửa đầu năm nay, thời điểm mà vaccine lần đầu tiên trở nên sẵn có một cách rộng khắp. Trong bối cảnh đó, chính quyền Biden tuyên bố sẽ sớm trừng phạt các tổ chức tư nhân phát tán thông tin sai lệch liên quan đến vaccine. Thế nhưng, cuộc chiến tin giả vẫn tiếp diễn.
“Tôi nghĩ họ đã đánh giá thấp thực tế rằng phong trào chống vaccine trước hết là một phong trào chính trị”, tiến sĩ Peter Hotez, hiệu trưởng Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor, nói.
“Các hành vi phản khoa học của cánh hữu" là sát thủ thầm lặng với những người trẻ tuổi và trung niên ở Mỹ, ông cho biết.
Nhà Trắng đã tìm cách phi chính trị hóa vấn đề thông qua việc cử các quan chức y tế lên phát biểu trên Fox News, một kênh truyền hình bảo thủ.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết bất chấp sự khác biệt, Nhà Trắng coi Fox News là một kênh quan trọng để phổ biến thông tin y tế công cộng, bao gồm cả chiến lược chống Omicron của Tổng thống Biden.
Gần đây hơn, những lời hùng biện của ông Biden được đánh giá là đã ít mang tính chính trị hơn, tập trung trực tiếp vào việc kêu gọi mọi người tiêm chủng. Vào hôm 28/12, ông ta đã đưa ra cảnh báo “nghiệt ngã” về một mùa đông "đầy các bệnh nặng và tử vong” với những người không tiêm chủng.
Xét nghiệm, khẩu trang là một vấn đề khác
Đầu tháng này, ông Biden cho biết chính phủ sẽ yêu cầu các công ty bảo hiểm y tế tư nhân hoàn trả cho 150 triệu khách hàng của họ chi phí xét nghiệm Covid-19 tại nhà. Ngoài ra, họ được yêu cầu cung cấp 50 triệu xét nghiệm miễn phí thông qua các phòng khám và trung tâm y tế ở nông thôn cho người không có bảo hiểm.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những động thái như vậy chưa đủ.
"Có nhiều người Mỹ không được bảo hiểm hơn thế, và những gì chúng tôi được cấp chỉ là xét nghiệm nhanh? Các chính sách này hoàn toàn không phù hợp", Angela Rasmussen, một nhà virus học người Mỹ tại Tổ chức Vaccine và Bệnh truyền nhiễm của Đại học Saskatchewan, cho biết.
Ngày 21/12, truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống Biden sẽ công bố kế hoạch phân phối miễn phí 500 triệu bộ test nhanh tại nhà cho người dân nhằm đối phó làn sóng lây nhiễm có thể tăng mạnh vào mùa đông sắp tới.
Nhu cầu xét nghiệm Covid-19 gia tăng sau khi các công ty Mỹ yêu cầu nhân viên đi làm trở lại, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu xét nghiệm nhanh trên toàn quốc vào mùa thu này. Chi phí các chương trình xét nghiệm tại địa phương và tiểu bang vì thế mà cũng tăng vọt.
Không những vậy, sự xuất hiện của biến chủng Omicron dễ lây lan khiến các dòng người chờ bên ngoài điểm xét nghiệm ngày càng dài. Người Mỹ đang phải tranh nhau để mua các bộ xét nghiệm tại hiệu thuốc và trên mạng.
Người dân xếp hàng để xét nghiệm nhanh Covid-19 ở New York vào ngày 17/12. Ảnh: AFP. |
Trong bối cảnh đó, Nhà Trắng cho biết hàng chục nghìn địa điểm xét nghiệm miễn phí đang được vận hành trên khắp đất nước, và nguồn cung các bộ xét nghiệm tại nhà được tăng gấp 4 lần với hàng chục loại mới được tung ra thị trường.
"Chúng tôi đang làm việc với các thống đốc và quan chức y tế địa phương để bổ sung thêm nguồn lực", một quan chức Nhà Trắng cho biết. "Chúng tôi cũng đang làm việc với các nhà sản xuất để mở rộng công suất".
Cựu Giám đốc CDC Tom Frieden chia sẻ thêm chính quyền cũng cần tăng cường khuyến khích việc đeo khẩu trang và trợ cấp giá cho mặt hàng này.
"Khẩu trang và tiêm chủng cho đến nay là hai biện pháp can thiệp quan trọng nhất. Tuy nhiên, đến nay, người dân vẫn cảm thấy khó khăn trong việc xác định chất lượng của khẩu trang mà họ mua, cùng mức giá hợp lý", ông nói.
Biến chủng Omicron đang kéo dài cuộc khủng hoảng toàn cầu và có thể không phải là biến chủng cuối cùng, khi phần lớn người dân ở các quốc gia kém phát triển vẫn chưa được tiêm vaccine, tạo cơ hội cho virus đột biến.
Các chuyên gia cho rằng chính quyền Biden có thể làm nhiều hơn nữa để cung cấp vaccine cho phần còn lại của thế giới, nhằm bảo vệ các nhóm dân số khác và cả chính người Mỹ.
“Có một cuộc chiến đang diễn ra trong Nhà Trắng để có thể hành động nhiều hơn nữa”, ông Gregg Gonsalves, phó giáo sư dịch tễ học tại Đại học Yale, cho biết.