Khi số ca nhiễm biến chủng Omicron tại Mỹ lên mức hàng triệu, các chuyên gia dự báo làn sóng hiện tại có thể mang đến lợi ích lâu dài. Dù Omicron dễ lây lan, biến chủng này khiến người bệnh ít trải qua triệu chứng nặng. Một khi đợt lây nhiễm lắng xuống, Omicron có thể giúp nâng cao miễn dịch cộng đồng, và Covid-19 dần trở thành một vấn đề về sức khỏe ít nguy hiểm hơn.
Quan điểm trên mới chỉ dừng lại ở mức ý tưởng, liên quan đến các tranh luận trên mạng xã hội hay các buổi phỏng vấn của một số nhà khoa học. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng viễn cảnh đó hoàn toàn có cơ sở, phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của SAR-CoV-2 - loại virus vẫn có khả năng tạo ra các biến chủng khác trong tương lai, theo Washington Post.
Ông Robert Wachter, Trưởng khoa Y tại Đại học California ở San Francisco và là người ủng hộ quan điểm về lợi ích lâu dài của Omicron, cho biết: “Mọi dự đoán về tương lai đều phải đi kèm lo ngại virus có thể tạo ra những biến chủng khác và khiến mọi thứ chệch hướng".
Covid-19 có thể tạo ra các biến chủng mới và làm chệch hướng dự đoán của giới khoa học. Ảnh: Washington Post. |
Tranh luận xung quanh chủng Omicron
Ông Wachter cho rằng sau khi làn sóng Omicron lắng xuống, nhiều người sẽ đạt được khả năng miễn dịch với virus và không phải trải qua triệu chứng nặng như với các chủng virus trước.
"Thật khó để nói Omicron là điều may mắn. Nhưng ở một chừng mực nào đó, biến chủng này mang đến nhiều triển vọng", ông Wachter khẳng định.
Theo ông Wachter, khác biệt của Omicron đến từ “sự kết hợp giữa khả năng lây nhiễm lớn, nhưng nguy cơ gây bệnh hạn chế và chúng khó tránh được hệ miễn dịch".
Quan điểm của ông Wachter vấp phải phản đối từ một số học giả khác - những người tin rằng có quá ít cơ sở để đưa ra dự báo trên. Trước đây, mỗi khi giới chuyên gia cho rằng đại dịch đang đến hồi kết, virus lại biến đổi. Trong trường hợp của Omicron, chủng này tạo ra các đột biến khác nhau và tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với hệ miễn dịch.
Hôm 12/1, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo biến chủng Omicron rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với những người chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19.
“Mặc dù biến chủng Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn so với Delta, nó vẫn là một loại virus nguy hiểm, đặc biệt đối với những người chưa được tiêm chủng”, AFP dẫn lời ông Tedros.
Trước đó, hôm 6/1, ông Tedros từng cảnh báo việc lây nhiễm Omicron "không nhẹ". “Cũng giống như các biến chủng trước, Omicron đang khiến nhiều người nhập viện và cũng cướp đi mạng sống của những người khác", ông khẳng định.
WHO đã lên tiếng cảnh báo về làn sóng lây nhiễm do biến chủng Omicron. Ảnh: Reuters. |
Sẵn sàng cho "bình thường mới"
Hiện tại, virus tiếp tục đột biến và lan rộng, nhất là ở các quốc gia thiếu vaccine. Chưa có bằng chứng cho thấy nCoV đã chuyển sang trạng thái ít nguy hiểm hơn. Một biến chủng mới - kết hợp khả năng lây nhiễm của Omicron và mức độ nghiêm trọng từ các chủng như Delta - vẫn có thể xuất hiện.
Bà Natalie Dean, chuyên gia tại Đại học Emory, nói người ta nghĩ đại dịch suy yếu vào mùa xuân năm 2021, và rồi biến chủng Delta xuất hiện. Sau đó, mọi thứ có vẻ tốt hơn vào mùa thu, cho đến khi Omicron lan rộng.
Dù nhiều người đồng ý rằng việc lây nhiễm Omicron diện rộng tạo khả năng miễn dịch trong một nhóm dân số và giúp chống lại các biến chủng khác, tranh cãi xuất hiện liên quan đến mức độ bền vững cũng như khả năng miễn dịch sau làn sóng hiện tại.
“Trừ khi chúng ta ghi nhận biến chủng mới nguy hiểm hơn (viễn cảnh có thể xảy ra nếu thế giới không đạt được công bằng trong phân phối vaccine), có vẻ Mỹ sắp kết thúc đại dịch sau đợt gia tăng ca nhiễm lần này", bà Monica Gandhi, chuyên gia tại Đại học California ở San Francisco, cho biết.
Tại Mỹ, bệnh nhân Covid-19 vẫn tràn ngập các bệnh viện. Trong khi đó, hầu hết địa phương đang đối mặt với giai đoạn lây nhiễm nghiêm trọng nhất trong đợt gia tăng mùa đông.
Tại Atlanta, 6 hệ thống bệnh viện lớn ghi nhận số ca nhập viện do Covid-19 tăng 100-200%. Ở những nơi khác, số trường hợp dương tính buộc các nhà hàng phải đóng cửa vào thời điểm đông khách nhất trong thời gian trước dịch, theo CNN.
Nhóm chuyên gia cố vấn cho Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Mỹ thay đổi chiến lược chống dịch, điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn "bình thường mới". Các đề xuất cho rằng có thể ngừng tính riêng số ca tử vong do Covid-19 với các bệnh đường hô hấp như cúm.
Mỹ vẫn nhấn mạnh tiêm chủng (bao gồm tiêm nhắc lại) và các biện pháp như đeo khẩu trang, tránh tụ tập. Dù vậy, giới chức cho rằng người dân nên duy trì cuộc sống bình thường và không cần tự cô lập khỏi xã hội.
“Quan điểm của tôi là cảnh giác với virus. Tôi thực hiện các biện pháp phòng ngừa hợp lý, nhưng sẽ không làm tất cả chỉ để không bị lây nhiễm”, ông Andrew Noymer, thành viên Đại học California tại Irvine, cho biết.
Các chuyên gia cho rằng cần sẵn sàng cho "bình thường mới" với Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Viễn cảnh tương lai
Vaccine Covid-19 vẫn có khả năng ngăn chặn các triệu chứng nghiêm trọng của Covid-19, nhất là sau khi tiêm liều bổ sung. Đến nay, sau nhiều tuần Omicron lan rộng, số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ vẫn chưa tăng mạnh.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra biến chủng Omciron tương đối giống các bệnh như cảm lạnh và có thể ít khiến người bệnh tử vong hơn.
Tuy nhiên, trẻ em vẫn là đối tượng có nguy cơ cao, do đặc điểm cơ quan hô hấp khác với người trưởng thành, ông Barney Graham, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết.
Hiện tại, thách thức đặt ra là giảm thiểu nguy cơ về các đợt lây nhiễm trong tương lai thông qua những nỗ lực tiêm chủng toàn cầu.
“Trong vòng ba đến sáu năm tới, tôi nghĩ rằng mọi người đều sẽ tiếp xúc hoặc bị nhiễm virus ở một mức độ nào đó", ông Graham nói. "Điều này không thể tránh khỏi", ông cho biết.
“Đến khi toàn thế giới được tiêm phòng, tôi nghĩ không chỉ các nước phương Tây, mọi quốc gia vẫn đối mặt với mối lo từ các biến chủng mới, có thể nguy hiểm hơn Omicron", CNBC dẫn lời ông Andrew Freedman, chuyên gia tại Trường Y Đại học Cardiff.