Các nhà khoa học đều sửng sốt khi biến chủng Omicron lần đầu xuất hiện trong cơ sở dữ liệu toàn cầu giải trình tự gene của virus corona. Các đột biến trong biến chủng này rất đáng gờm, và nhiều đột biến trong đó được biết đến là có khả năng ngăn ngừa kháng thể vô hiệu hóa virus.
Nhưng chưa từng có biến chủng nào chứa đựng số lượng đột biến lớn như vậy. Nhiều đột biến của Omicron vẫn còn mới mẻ với giới khoa học.
“Chúng tôi từng gặp những đột biến này ở các chủng khác dưới dạng cặp đôi hoặc cặp ba. Mỗi lần như thế, virus sẽ khó bị vô hiệu hóa hơn nhưng khả năng lây lan lại kém”, Benjamin Neuman, một nhà virus học thuộc Đại học Texas A&M, nói với Washington Post.
“Tuy nhiên, khi chúng kết hợp lại thì đây hoàn toàn là một chiếc hộp đen”, ông Neuman nhận định.
Số lượng đột biến đáng ngại
Omicron có khoảng 30 đột biến được phân bố ở trên ba mũi nhọn chính của protein gai - bộ phận quan trọng giúp virus lây nhiễm cho tế bào người.
Protein gai còn là mục tiêu mà kháng thể ở người thường sẽ nhắm đến, nhưng những đột biến của Omicron đã thay đổi các axit amin trên protein gai. Điều này có nguy cơ làm biến đổi cấu trúc protein gai của Omicron, từ đó ngăn ngừa kháng thể người bám vào đây.
Tuy nhiên, nguy cơ trên chưa chắc sẽ xảy ra vì không ai có thể biết rõ tác động của các đột biến khi chúng đi cùng nhau. Sự kết hợp này có thể biến virus trở nên nguy hiểm hơn Delta hoặc khiến virus không còn nguy hiểm.
“Omicron được cấu thành từ nhiều đột biến tương đối nguy hiểm khi đứng riêng rẽ ở các biến chủng khác nhau, nhưng khi kết hợp lại thì chúng ta khó có thể đưa ra nhận định gì khác ngoài việc Omicron trông rất kỳ lạ”, ông Neuman nói.
Một biển báo yêu cầu người đi phương tiện giao thông công cộng cần đeo khẩu trang tại London, Anh vào ngày 30/11. Ảnh: Reuters. |
Các nhà khoa học không muốn cầm đèn chạy trước thực tế là chưa ai biết được biến chủng này sẽ hoạt động như thế nào trong thực tiễn.
Nhưng nếu Omicron có khả năng chống miễn dịch, các nhà sản xuất vaccine sẽ phải điều chỉnh lại công thức sản phẩm của họ. Đây sẽ là bước lùi lớn khi cả thế giới đang cố gắng rời xa Covid-19 - đại dịch toàn cầu sắp bước vào năm thứ ba.
Một khả năng khác là giống với những biến chủng cũng từng có các đột biến đáng lo ngại trước đó như Alpha, Beta, Lambda, Gamma, Mu…, Omicron sẽ bị Delta đẩy tới bước đường gần như tuyệt chủng.
“Chúng ta hiện ở trong đại dịch của Delta. Liệu biến chủng Omicron có thể vượt qua Delta hay không? Điều này còn cần phải xem xét”, Robert Garry Jr., nhà virus học thuộc Đại học Tulane (Mỹ), nhận định sau khi xem xét các đột biến ở chủng mới.
“Delta là loại virus khá hiệu quả trên phương diện dễ lây lan. Omicron sẽ phải có các đặc tính phi thường để vượt mặt Delta”, ông Garry nói.
Kristian G. Andersen, một nhà dịch tễ học thuộc Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ) nhận định rằng điều duy nhất mình “có thể chắc chắn phần nào là việc Omicron sẽ là biến chủng chống miễn dịch nhất mà chúng ta từng gặp”.
“Nhưng ngoài điều đó ra, thật sự còn quá sớm để khẳng định mức độ nguy hiểm của Omicron trên thang điểm 10. Nó có thể là 3, là 10 hoặc bất cứ con số nào ở giữa”, ông Andersen nói.
Omicron chưa đối đầu trực diện với Delta
Công tác xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có thể giúp xác định liệu những đột biến của Omicron có nguy hiểm hay không hay chỉ là sự thay đổi ngẫu nhiên và vô nghĩa. Tuy nhiên, biến chủng này còn quá mới nên chưa được thử nghiệm nhiều.
Ngoài ra, Omicron có thể chưa có cơ hội cạnh tranh trực tiếp với Delta, biến chủng vốn được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ vào đầu năm nay.
Một bãi hỏa thiêu nạn nhân Covid-19 tại Ấn Độ trong năm nay. Ảnh: Reuters. |
Delta có khả năng lây nhiễm cao gấp đôi so với phiên bản đầu tiên của SARS-CoV-2. Bước vào mùa hè năm nay, Delta đã vượt qua gần như mọi biến chủng khác trên thế giới.
Trong khi đó, tại thời điểm cuối xuân năm nay, Nam Phi chỉ gặp phải mức độ lây nhiễm thấp trước khi biến chủng Omicron xuất hiện và làm bùng phát ổ dịch mới. Như vậy, ổ dịch này có thể chỉ là sự kiện siêu lây nhiễm ngẫu nhiên, không phải là tín hiệu cho thấy Omicron có độ lây lan mạnh.
Kinh nghiệm trong quá khứ phần nào cho chúng ta hy vọng Omicron sẽ dần biến mất.
Các biến chủng khác như Mu từng xuất hiện với các đột biến có khả năng làm giảm độ hiệu quả của kháng thể. Nhưng lợi thế ấy không đủ để giúp chúng vượt qua điểm yếu tương đối trong cơ chế lây nhiễm.
Vì thế, khi Mu xuất hiện tại miền Nam bang California, biến chủng này chỉ gây sóng gió trên báo đài được 1-2 tuần rồi bị Delta nhấn chìm.
Nguồn gốc của Omicron hiện vẫn là một ẩn số. Biến chủng này xuất hiện từ một nhánh rất xa trong cây phả hệ của SARS-CoV-2. Tuy có chung một số đặc điểm, Omicron không phái sinh từ Delta.
Do việc xét nghiệm và giám sát dịch tễ học chưa được đồng đều ở một số vùng, các nhà khoa học chưa thể chắc chắn thời gian Omicron đã lưu hành trong cộng đồng. Có khả năng Omicron đã dần biến đổi trong cộng đồng người và không bị các các tổ chức khoa học hoặc cơ sở y tế phát hiện.
Giới chức y tế các nước đang tập trung đẩy mạnh tăng cường tiêm chủng và coi đây là biện pháp tốt nhất để bảo vệ trước biến chủng mới. Ảnh: WHO. |
Dù vẫn chỉ là phỏng đoán, một khả năng khác gần đây được nhiều nhà khoa học đề cập đến là việc Omicron có thể đã biến đổi trong nhiều tháng bên trong một bệnh nhân bị suy yếu miễn dịch và mắc Covid-19 dài ngày.
Nếu một chủng virus vẫn sống sót sau khi người bệnh dùng các liệu pháp như kháng thể đơn dòng hoặc huyết thanh giai đoạn hồi phục, chúng có thể sẽ tập hợp được nhiều đột biến. Những trường hợp như vậy đã được ghi nhận trong quá khứ, nhưng chưa có trường hợp nào dẫn tới bùng dịch trong cộng đồng.
Ngoài ra, tình trạng thiếu dữ liệu đã ngăn các nhà khoa học đưa ra kết luận về khả năng gây ra bệnh nặng của Omicron. Giới chức Nam Phi từng cho biết họ chưa thấy bằng chứng cho thấy có sự gia tăng đột biến của các ca bệnh nặng.
Bác sĩ Angelique Coetzee, người điều trị cho những bệnh nhân Omicron đầu tiên tại Nam Phi, cho biết những bệnh nhân này tới nay chủ yếu chỉ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc thể nhẹ. Hầu hết ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Nam Phi là ở thanh thiếu niên - nhóm tuổi nhìn chung có rủi ro mắc bệnh nặng thấp hơn.
Trong lúc đó, giới chức y tế tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bao gồm tiêm nhắc lại. Họ cho rằng đây là cách tốt nhất để chuẩn bị cho biến chủng mới.
“Chúng ta phải tiêm vaccine”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh. “Chúng ta phải tiêm nhắc lại”.