Vào dịp lễ Giáng sinh năm nay, người dân Pháp, Đức, Philippines và thủ đô Jakarta của Indonesia không được phép đốt pháo hoa. Quy định này được đưa ra nhằm hạn chế tụ tập đông người, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trong khi đó, các biện pháp hạn chế di chuyển bổ sung được áp đặt rộng rãi trên khắp thế giới. Thậm chí, một số quốc gia như Israel cấm công dân đến một loạt quốc gia nếu không có giấy phép đặc biệt của chính phủ.
Biến chủng Omicron - cũng như các làn sóng dịch mới đang hoành hành - khiến nhiều nước phải áp đặt các biện pháp hạn chế trở lại trở lại. Tuy vậy, dù mối đe dọa từ chủng virus mới là hiện hữu, các công cụ của chúng ta trong đối phó với đại dịch cũng đã được tăng cường.
Phát hiện nhanh chóng
Các nhà khoa học Botswana và Nam Phi là những người đầu tiên cảnh báo thế giới về biến chủng Omicron hôm 24/11. Chỉ hai ngày sau, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức xếp Omicron vào danh sách biến chủng “đáng quan ngại”, cùng với các chủng Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Với động thái này, WHO cho thấy họ hiểu biến chủng Omicron có thể đem lại nguy cơ lớn.
Chủng virus này có hơn 20 dạng đột biến khác biệt so với Delta, biến chủng thống trị trên thế giới kể từ mùa hè năm nay. Một số đột biến mới có thể thay đổi cách virus tương tác với hệ miễn dịch, cũng như tăng khả năng lây lan của chúng.
Các nhà khoa học Botswana và Nam Phi sớm cảnh báo về biến chủng Omicron cho thế giới. Ảnh: AP. |
Các nhà khoa học nhận thấy chủng virus mới có nhiều khả năng lây bệnh hơn cho những người đã được tiêm chủng, hoặc từng mắc Covid-19 trước đó. Tỉnh Gauteng, Nam Phi trở thành “phòng thí nghiệm” trên thực địa đầu tiên về sự lây lan của Omicron ở quy mô lớn.
Có ba cách giải thích về nguồn gốc của biến chủng mới, cũng như nguyên nhân chủng virus này có nhiều đột biến đến vậy.
Đầu tiên, chủng virus này phát triển ở miền Nam châu Phi - khu vực có tỷ lệ giải trình tự gene virus không cao. Do đó, cơ hội phát hiện đột biến sớm hơn đã bị bỏ lỡ. Thứ hai, virus có thể lây lan sang một quần thể động vật, đột biến ở đó rồi lây lại sang con người.
Thứ ba, biến chủng có thể đến từ một bệnh nhân Covid-19 duy nhất có hệ miễn dịch yếu - gây ra bởi HIV hoặc điều trị ung thư. Do đó, virus có thể tồn tại và đột biến trên cơ thể người này mà không gặp thách thức từ phản ứng miễn dịch thông thường. Đây cũng là nguyên nhân nhiều khả năng gây ra chủng Alpha, theo giới khoa học.
Các vũ khí hiệu quả
Xét nghiệm PCR thông thường không phát hiện toàn bộ trình tự gene của virus. Vì vậy, một tỷ lệ mẫu bệnh phẩm Covid-19 nhất định cần được giải trình tự gene để phát hiện các đột biến nguy hiểm, qua đó tìm ra các biến chủng gây quan ngại.
Bên cạnh đó, quy trình này có thể giúp các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ cách virus lây lan, qua đó ra những quyết sách hiệu quả.
Việc giải trình tự gene có đóng góp lớn cho công tác chống dịch của nhân loại. Lấy nước Anh là ví dụ. Ngay sau khi chủng Alpha được phát hiện tháng 12/2020, giới khoa học hiểu biến chủng này có khả năng lây lan cao hơn và các biện pháp hạn chế đang được áp dụng là không đủ.
Qua đó, nước Anh quyết định tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, giúp số ca nhiễm đảo chiều giảm mạnh.
Tháng 3/2021, khi chủng Delta lần đầu xuất hiện tại Anh, các nhà khoa học phát hiện một số dạng đột biến có thể giúp virus lây lan nhanh hơn cả biến chủng Alpha.
Tuy vậy, vaccine vẫn phát huy hiệu quả. Từ kết luận này, London thay đổi chính sách tiêm chủng, thúc đẩy tiêm mũi thứ hai, giúp số ca tử vong không tăng mạnh như số ca bệnh.
Các biện pháp phong tỏa toàn quốc của Anh đến từ khuyến cáo của giới khoa học. Ảnh: Sky News. |
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron - chủng virus có khả năng xâm nhập hệ miễn dịch của những người đã tiêm đủ hai mũi - khiến nhiều quốc gia tăng tốc chiến dịch tiêm bổ sung mũi thứ ba.
Thách thức hiện nay đối với giới khoa học là xác định sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron đến từ bản chất virus nói chung, hay đến từ khả năng lây bệnh cho những người được tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19. Những nhân tố này sẽ quyết định cách virus lây lan ở những khu vực khác nhau trên thế giới.
Các nhà khoa học cũng đang nỗ lực nghiên cứu về mức độ nghiêm trọng của các ca dương tính với chủng Omicron. Tuy vậy, quá trình này sẽ cần thời gian, do nhiều ca bệnh chỉ nhập viện một tuần sau khi bị lây nhiễm.
Giống như năm 2021, các nước châu Âu đang phải đón một làn sóng dịch mới ngay trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Điểm khác biệt là con người đã có nhiều công cụ hơn để đối phó. Vaccine vẫn là vũ khí hữu hiệu trong việc làm giảm số ca bệnh nặng và tử vong. Các loại thuốc đặc trị Covid-19 cũng bắt đầu phát huy hiệu quả.
Trong khi đó, nhờ giải trình tự gene và hiểu biết về các dạng đột biến, các quốc gia có thể nhanh chóng đánh giá nguy cơ để tìm ra biện pháp ứng phó phù hợp. Ngoài ra, quy trình xử lý và phân tích dữ liệu cũng được chuẩn hóa, giúp các dự đoán về tương lai đại dịch chính xác hơn.
So với các đại dịch lớn trước đây, con người có lợi thế lớn: Đó là khả năng nghiên cứu, phân tích ngay khi dịch bệnh hoành hành, thay vì chỉ sau khi đại dịch kết thúc.
Tuy vậy, cuộc chiến không thể để mặc cho các nhà khoa học. Mỗi người chúng ta đều cần tự bảo vệ qua việc tiêm vaccine, hạn chế tiếp xúc, không đến những nơi đông người và tiếp tục đeo khẩu trang.