Trở về sau chuyến biển dài ngày, ông Mai Thành Phúc, chủ tàu KH-91593 (Khánh Hòa), thở dài vì chỉ câu được 8 con cá ngừ đại dương, lỗ gần 50 triệu đồng. “Từ đầu năm đến nay, tôi đi biển 5 chuyến, chỉ lãi được 1 chuyến, 2 chuyến lỗ nặng và 2 chuyến hòa vốn”, ông Phúc nói.
Vay nóng để vươn khơi
Theo ông Phúc, năm nay nghề đánh bắt cá ngừ đại dương mất mùa, sản lượng khai thác giảm thê thảm. Những năm trước, sau mỗi chuyến đi biển, mỗi tàu câu được 3-5 tấn thì nay chỉ còn 1-2 tấn, thậm chí nhiều tàu chỉ được vài tạ.
Còn ông Võ Cương, chủ tàu KH - 92818, cho biết, mỗi chuyến đi biển ông phải chi gần 100 triệu đồng để mua dầu, thực phẩm, nước đá… nhưng sau khi bán cá, trừ chi phí, ông lỗ 30-40 triệu đồng/chuyến.
Từ đầu năm đến nay, ông Cương có 6 chuyến đánh bắt xa bờ, trong đó 3 chuyến bị lỗ nặng, những chuyến còn lại chỉ đủ bù chi phí. “Để có tiền mua vật tư cho chuyến biển sắp tới và trả nợ các chuyến biển thua lỗ, tôi phải vay nóng 200 triệu đồng. Mỗi tháng trả lãi đến 6 triệu đồng”, ông Cương cho biết.
Chiều 7/7, tại 2 cảng cá lớn của Phú Yên là Đông Tác và phường 6 (TP Tuy Hòa), hàng dãy tàu cá neo đậu. Đây là điều lạ trong mùa trăng tối (từ 17 đến mùng 8 âm lịch) mà ngư dân câu cá ngừ đại dương thường tận dụng để ra khơi.
Ngồi trên bờ, lão ngư Trần Kim Hoa (ngụ phường 6) thở dài: “Chưa bao giờ nghề câu cá ngừ đại dương lại chật vật như những ngày qua. Hai tàu của tôi về cảng 10 ngày trước đều thua lỗ. Một chiếc câu được 12 con cá, chiếc còn lại chỉ được 8 con; lỗ gần 100 triệu đồng. Không có tiền chia cho bạn (ngư dân đi cùng) nên bạn cũng bỏ về quê hết. Giờ càng đi càng lỗ nên thôi cứ để tàu nằm bờ!”, ông Hoa nói và đưa tay chỉ 2 chiếc tàu lớn có công suất 120 CV/chiếc.
Khai thác, thu mua cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa. |
Trưa cùng ngày, tàu cá PY-90144-TS của ông Lương Công Xuyên (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) về bến. Người đi biển nổi tiếng thuộc ngư trường như lòng bàn tay bước xuống tàu với khuôn mặt đượm buồn: “Phải vay nóng 100 triệu đồng với lãi suất 10%/tháng nhưng sau 1 tháng ra khơi chỉ câu được 14 con cá thế này thì không biết làm sao trả nợ”.
Càng đi càng lỗ
Không chỉ sản lượng đánh bắt giảm, giá cá ngừ đại dương cũng giảm mạnh, chỉ ở mức 98.000 đồng/kg, thấp hơn cùng thời điểm năm ngoái gần 50.000 đồng/kg. “Giá bán không cao nên tiền chia cho bạn chỉ ở mức 2-3 triệu đồng/người/chuyến biển. Chuyến vừa rồi lỗ gần 50 triệu đồng nhưng tôi vẫn phải bỏ tiền túi ra trả 1 triệu đồng/người để giữ bạn”, ông Phúc nói.
Ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa - cho biết, giá bán cá hiện nay là 95.000 đồng/kg đối với cá câu đèn và 140.000 đồng/kg đối với cá câu vàng, do biển mất mùa trong khi chi phí tăng cao nên hầu hết tàu câu cá ngừ đại dương đều thua lỗ.
Trong số 180 tàu câu cá ngừ đại dương của Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, hiện có trên 140 tàu đã chuyển sang nghề lưới chuồn nhưng làm ăn vẫn không có lãi. “Càng đi càng lỗ. Hơn 2/3 tàu cá hiện phải nằm bờ. Đời sống bà con khó khăn lắm”, ông Thuẫn chia sẻ.
Phải thay đổi phương thức khai thác
Lý giải về việc sụt giảm sản lượng, ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Khai thác Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, cho biết nguyên nhân chính có thể do thời tiết nóng, luồng cá ngừ theo các dòng nước lạnh nên lượng cá về lãnh hải nước ta giảm. Về phía ngư dân, ông Mai Thành Phúc cho rằng việc thu hẹp ngư trường cũng là nguyên nhân vì tàu cá nước ta khi lên các vùng biển phía Bắc thường xuyên bị tàu của Trung Quốc xua đuổi.
Theo ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, vấn đề trầm kha nhất là giá sản phẩm cá ngừ thấp vì thị trường thiếu tổ chức, liên kết; không hình thành được chuỗi gắn kết, phân bố hài hòa lợi ích giữa các bên: ngư dân, chủ tàu, đại lý thu mua, nhà xuất khẩu… do đó phần thiệt luôn thuộc về ngư dân.
“Thị trường tiêu thụ cá ngừ đại dương trên thế giới rất lớn nhưng đòi hỏi chất lượng cao. Trong khi đó, phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng của ngư dân mặc dù cho sản lượng cao nhưng chất lượng thấp nên giá bán bấp bênh, làm lãng phí tài nguyên. Do vậy, chúng ta phải nghiên cứu lại phương thức khai thác sao cho hiệu quả nhất. Việc mở rộng khai thác cá ngừ không phải là càng nhiều càng tốt mà cần căn cứ vào nhu cầu thị trường thì mới bền vững”, ông Lăng nói.
Để cải thiện tình hình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đưa ra phương thức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị, chuỗi này là sự kết hợp một loạt hoạt động gồm: khai thác ngư trường, bảo quản sản phẩm trên tàu, vận chuyển về đất liền và đến nhà máy, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm (xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa).
Ngư dân ngại đóng tàu mới
Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, biển mất mùa đã kéo theo việc đóng mới tàu thuyền theo Nghị định 67 cũng gặp khó. Trong số 18 tàu câu cá ngừ đại dương được tỉnh này phê duyệt, hiện chỉ có 4 tàu đang được đóng.
“Các tỉnh khác cũng vậy, chỉ đóng mới chừng mực chứ không rầm rộ. Chỉ tiêu phân bổ ban đầu cứ nghĩ không đủ cho ngư dân nhưng giờ đây đóng tàu mới chẳng bao nhiêu. Nặng nề lắm, đóng một chiếc tàu tốn rất nhiều tiền trong khi nghề câu cá ngừ đại dương ngày càng khó khăn nên người ta ngại đóng tàu mới”, ông Phương giải thích.