'Ôm' nhiều chức, vung vãi hàng trăm tỷ đồng
Ngày 15/6, ông Nguyễn Hữu Lộc - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex Việt Nam) bị bắt giam do đảm nhận quá nhiều chức vụ, tùy tiện vung vãi tiền bạc, gây hậu quả hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước bị thất thoát, khó thu hồi…
Một mình làm “sếp" 4 công ty
Vào thời điểm năm 2007 - khi chưa thành lập Seaprodex Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Lộc là Chủ tịch Hội đồng Quản trị tổng công ty Hải sản Biển Đông. Lúc đó, công ty cổ phần công nghiệp thủy sản (công ty cổ phần CNTS) thuộc Tổng công ty Hải sản Biển Đông, chuyên về cơ khí đóng tàu. Tại công ty cổ phần CNTS, thời điểm đó, ông Lộc cũng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị, đại diện phần vốn nhà nước của tổng công ty Hải sản Biển Đông. Với chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông Lộc đã qua mặt Bộ Nông nghiệp Phát triển nông Thôn, tự ý giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại công ty cổ phần CNTS từ 59% xuống còn 46%, dẫn đến Nhà nước mất quyền chi phối tại công ty này.
Trụ sở Seaprodex Việt Nam tại TP.HCM. |
Vào tháng 4/2007, quá trình công ty cổ phần CNTS góp vốn thành lập công ty cổ phần Biển Tây, ông Lộc tiếp tục được cử làm đại diện, tham gia Hội đồng Quản trị công ty cổ phần Biển Tây (TPHCM). Tháng 6/2007, công ty cổ phần CNTS lại góp vốn vào công ty cổ phần Aquafeed Cửu Long (trụ sở tại tỉnh Trà Vinh), ông Lộc lại được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần Aquafeed Cửu Long. Như vậy, trong năm 2007, ông Lộc đã kiêm nhiệm cùng lúc 4 chức vụ.
Vung vãi tiền tỷ
Ông Lộc đã tận dụng công ty cổ phần CNTS như một “bầu sữa” tài chính dồi dào để chuyển hàng tỷ đồng từ công ty cổ phần CNTS về công ty cổ phần Biển Tây và công ty cổ phần Aquafeed Cửu Long. Dưới sự chỉ đạo của ông Lộc, công ty cổ phần CNTS ký hàng loạt hợp đồng bán nguyên liệu thức ăn nuôi cá mà không hề báo cáo Hội đồng Quản trị công ty cổ phần CNTS. Hậu quả, tính đến tháng 4/2012, công ty cổ phần Aquafeed Cửu Long nợ công ty cổ phần CNTS hơn 113 tỷ đồng (nợ gốc 95,1 tỷ đồng, nợ lãi 18,4 tỷ đồng), khó có khả năng thanh toán, bởi hiện nay, công ty Aquafeed Cửu Long gần như phá sản. Đến cuối năm 2011, tổng số nợ phải thu của công ty này hơn 135 tỷ đồng, nhưng tổng số nợ phải trả đã gần 250 tỷ đồng. Ngoài ra, dưới thời “trị vì” của Chủ tịch hội đồng Quản trị Nguyễn Hữu Lộc, Tổng công ty Hải sản Biển Đông còn cho công ty cổ phần CNTS vay gần 21 tỷ đồng không đúng trình tự, thủ tục...
Khoản nợ 21 tỷ đồng này, hiện công ty cổ phần CNTS cũng không thể trả tổng công ty Hải sản Biển Đông, khi công ty cổ phần Aquafeed Cửu Long chưa trả khoản nợ khó đòi 113 tỷ đồng... Hiện công ty cổ phần CNTS cũng lâm cảnh khốn đốn không kém, khi tổng số nợ công ty này đang gánh lên tới 140 tỷ đồng, mà khoản nợ phải thu chỉ có137 tỷ đồng. Trong khi đó, 137 tỷ đồng nợ phải thu này, chủ yếu là nợ xấu, khó đòi... Ngày 10/1/2012, bà Bùi Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc công ty cổ phần CNTS - đã ra văn bản gửi Hội đồng Quản trị.
Tại văn bản này, bà Mai vừa báo động tình hình tài chính nguy khốn của công ty cổ phần CNTS, vừa quy trách nhiệm: “Mọi hoạt động của công ty cổ phần CNTS liên quan đến công ty cổ phần Aquafeed Cửu Long đều dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty và nay đang là cố vấn công ty (tức ông Nguyễn Hữu Lộc)”.
Bà Mai cũng cho hay, từ khi công ty cổ phần Aquafeed Cửu Long hoạt động, bà chưa nhận được một báo cáo nào về hoạt động của công ty Aquafeed Cửu Long từ người đại diện vốn của công ty cổ phần CNTS. Mọi hoạt động của công ty Aquafeed Cửu Long chỉ được trao đổi trực tiếp từ ông Lộc.
Theo đánh giá của một số người trong cuộc, với những sai phạm nghiêm trọng trên của ông Lộc, nguy cơ Nhà nước mất trắng khoảng 150 tỷ đồng tại các công ty có tên trên, liên quan đến các chức vụ do ông Lộc nắm giữ suốt nhiều năm qua.
Được biết, sau khi ông Lộc bị bắt tạm giam, cơ quan điều tra đã bắt thêm ông Trần Vũ Dũng - Giám đốc công ty cổ phần Biển Tây - về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Điều đáng nói, với tình hình hoạt động tài chính bê bết, có dấu hiệu trục lợi kể trên, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã có một số cuộc thanh tra nội bộ xác minh. Thế nhưng, vào tháng 3/2011, sau khi hợp nhất 3 tổng công ty gồm: tổng công ty Thủy sản Việt Nam, tổng công ty Thủy sản Hạ Long và tổng công ty Hải sản Biển Đông thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Seaprodex Việt Nam); không hiểu vì sao với vô số sai phạm như vậy, ông Lộc lại được “hạ cánh an toàn”, rút về làm Ủy viên Hội đồng thành viên.
Lúc đó, chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Seaprodex Việt Nam do ông Diệp Kỉnh Tần - nguyên Thứ trưởng Bộ nông nghiệp Phát triển nông thôn - kiêm nhiệm. Đến tháng 2/2012, ông Lộc giữ chức vị này thay cho ông Tần. Cho đến 15/6/2013, ông Lộc mới bị cơ quan luật pháp khởi tố, bắt tạm giam.
Theo Lao Động