20 năm trước, cú đệm bóng cận thành tung lưới Oliver Kahn của Ole Solskjaer đưa MU lên đỉnh châu Âu. 20 năm sau, nhiệm vụ đấy tái khởi động với Ole trên cương vị HLV trưởng "Quỷ đỏ".
Sau trận lượt về vòng 1/8 Champions League tại Paris, một hình ảnh về Manchester United được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội: Sir Alex Ferguson, Eric Cantona và HLV tạm quyền Ole Gunnar Solskjaer xuất hiện bên cạnh nhau với nắm đấm giơ cao và nụ cười chiến thắng. Đó là khoảnh khắc mà người hâm mộ "Quỷ đỏ" có thể gọi là “Re-United”: vừa có nghĩa là tái ngộ, lại vừa có thể hiểu mang chất “United” trở lại.
Đó có lẽ cũng là khoảnh khắc nhà Glazer và Phó chủ tịch Ed Woodward quyết định xóa đi 2 chữ “tạm quyền” trong chức danh của Solskjaer.
Khi trang chủ MU chính thức thông báo về việc ký hợp đồng 3 năm với Solskjaer ngày 28/3, không mấy người cảm thấy bất ngờ. Ngay cả khi 2 trận đấu gần nhất của MU kết thúc với thất bại và khiến đội bóng bị loại khỏi cúp FA cũng như top 4 Premier League, người hâm mộ vẫn đặt trọn niềm tin vào Solskjaer. Lọt vào tứ kết Champions League sau màn lội ngược dòng trước Paris Saint-Germain và đưa MU tiến tới sát vị trí top 4 trên bảng xếp hạng Premier League là điều không tưởng với nhiều người ở giai đoạn đầu mùa giải này, khi Jose Mourinho còn dẫn dắt đội bóng.
Ngày 19/12/2018, Solskjaer trở lại Old Trafford với tư cách HLV tạm quyền. Với Solskjaer, HLV là giấc mơ mà ông chuẩn bị cả đời. “Sát thủ có gương mặt trẻ thơ” chia sẻ trên tờ The Guardian: “Tôi đã chuẩn bị cả đời cho việc này. Kể từ khi còn là cậu bé, tôi luôn thử chọn lọc các cầu thủ và đội hình khi chơi điện tử. Đó là quãng thời gian thật tuyệt khi tôi ký hợp đồng với những Zico, Maradona hay Van Basten. Có lẽ sâu thẳm trong tim, tôi luôn muốn được làm công việc hiện tại. Tôi có lẽ còn đặt niềm tin vào nghiệp huấn luyện còn hơn nghiệp quần đùi áo số”.
“Nhà hát của những giấc mơ” là nơi ông thành danh khi còn là cầu thủ. Trong vai trò một “siêu dự bị”, không ít lần Solskjaer vào sân và giúp MU lật ngược thế cờ. Bàn thắng nổi tiếng nhất sự nghiệp Solskjaer là pha ấn định tỷ số 2-1 trước Bayern Munich trong trận chung kết Champions League. Trong đêm Barcelona huyền ảo ấy, Solskjaer được tung vào sân ở phút 81 và ghi bàn ở phút 93 để giúp Sir Alex Ferguson có chức vô địch Champions League đầu tiên trong sự nghiệp.
Bàn thắng vào lưới Bayern Munich có thể là khoảnh khắc đáng nhớ nhất sự nghiệp cầu thủ của Solskjaer, trong khi chiến thắng 3-1 trước PSG là trận thắng khó quên nhất của Solskjaer tính tới lúc này trên cương vị HLV MU. Trong cuộc đời mình, màn lội ngược dòng kỳ vĩ nhất của Solskjaer lại xảy ra ở giai đoạn cuối sự nghiệp cầu thủ. Tháng 8/2004, ông trải qua ca phẫu thuật đầu gối và bỏ lỡ nguyên của mùa giải 2004/05.
Ở tuổi 32, nhiều cầu thủ có thể nghĩ tới việc giải nghệ với chấn thương khủng khiếp đến vậy. Theo tờ The Times, Solskjaer từng tìm tới trung tâm y tế Gothenburg sau một năm dài đau đớn và điều trị không hiệu quả. Bác sĩ Lars Peterson trực tiếp thực hiện cuộc phẫu thuật với các thao tác phức tạp, từ gắp bỏ các phần bị hoại tử cho tới tiêm hàng triệu tế bào sụn vào chỗ bị thương.
Trong suốt 12 tuần sau đó, đầu gối của Solskjaer được gắn thêm chiếc máy CPM giúp chân ông duỗi ra và co vào 8 tiếng một lần. Âm thanh của chiếc CPM ồn ã như chiếc máy in và khiến người vợ Silje của Solskjaer phát bực khi chồng mình kiên quyết không tháo ra kể cả khi đi ngủ. Mùa giải 2005/06, Solskjaer khoác áo MU trong 5 trận và không để lại nhiều dấu ấn.
Tháng 10/2006, Solskjaer mới chơi trận đấu Premier League trọn vẹn đầu tiên trong suốt 3 năm liền và lập cú đúp. Ở tuổi 33, Solskjaer vẫn đóng vai trò quan trọng trong chức vô địch Premier League của MU mùa giải đó, dù trên hàng công đã có bộ đôi trẻ khỏe Wayne Rooney và Cristiano Ronaldo.
Niềm tin của Sir Alex Ferguson, cổ động viên và trên hết là của chính Solskjaer dành cho bản thân ông đã được đền đáp xứng đáng. Hành trình “lội ngược dòng” trước chấn thương ấy của Solskjaer nói lên nhiều điều về bản thân ông. Thay vì nghĩ một cách tiêu cực, Solskjaer chọn cách nhìn vào mặt tốt của vấn đề là việc chấn thương sẽ giúp ông có thêm thời gian dành cho vợ con. Thay vì chọn cách buông xuôi và sớm treo giày, Solskjaer chọn cách đương đầu với đớn đau bằng một ý chí sắt đá không thể nào lay chuyển.
Đó cũng là điều mà Solskjaer đã thể hiện trong giai đoạn làm HLV tạm quyền của MU. Ông kế thừa một đội ngũ từng bị người tiền nhiệm Mourinho chê bai hết lời và giành chiến thắng 14 trong tổng số 19 trận. Nếu như Mourinho không ngừng than vãn về vấn đề chuyển nhượng và chưa từng tỏ ra thực sự hài lòng về những gì mình có trong tay dù chi hàng trăm triệu bảng, Solskjaer lại biết cách “liệu cơm gắp mắm”.
Khi MU hành quân tới sân Parc des Princes, có tới 10 cầu thủ thuộc đội một không thể ra sân do chấn thương hoặc thẻ phạt. Không có cả ngôi sao lớn nhất Paul Pogba, nhưng Solskjaer vẫn tuyên bố “vượt qua PSG không phải là nhiệm vụ bất khả thi”. Đó là những thứ mà MU thiếu vắng kể từ khi Sir Alex giải nghệ năm 2013: sự lạc quan và tinh thần chiến đấu.
Solskjaer có thể chưa từng nắm một CLB Premier League lâu như David Moyes hay có sự nghiệp HLV hoành tráng như Louis Van Gaal và Jose Mourinho. Tuy nhiên, ông có được thứ mà cả 3 người tiền nhiệm không có: “chất MU”. 11 năm gắn bó với sân Old Trafford trên cương vị cầu thủ giúp Solskjaer thấu hiểu những giá trị, triết lý và tinh thần của đội bóng này.
Hãy nghe bài hát mà CĐV MU dành riêng cho Solskjaer: “Ole đang cầm lái/Cảm giác tuyệt vời biết bao/Chúng ta có Sanchez, Paul Pogba và Fred/Marcus Rashford, cậu ấy sinh ra và lớn lên trong màu đỏ/Đội bóng vĩ đại nhất nước Anh/Chúng ta đã giành mọi chức vô địch”. Với "Quỷ đỏ", bản sắc và chiến thắng là những thứ không thể nào bị đánh mất trong mọi hoàn cảnh.
Trong hơn 3 tháng dẫn dắt MU, Solskjaer đã làm được nhiều điều. Theo Opta, tỷ lệ giành chiến thắng của Solskjaer tại Premier League ở mức 76,9%, cao hơn cả huyền thoại Alex Ferguson (65,2%). Người thầy cũ của Solskjaer từng khẳng định “nếu thiếu đi niềm tin vào bản thân, bạn sẽ chẳng bao giờ gặt hái được thành công”. Đó chính xác là thứ mà Solskjaer mang tới cho MU và các học trò.
Dưới sự dẫn dắt của HLV người Na Uy, những Paul Pogba, Anthony Martial, Luke Shaw hay Romelu Lukaku như lột xác trên sân. Nổi bật nhất là Pogba - người lần đầu cho thấy mình xứng đáng với phí chuyển nhượng kỷ lục thế giới mà MU bỏ ra dưới thời Solskjaer. Trên khán đài, niềm vui cũng trở lại với những tiếng hát vang “Ole, Ole, Ole” vang lên xuyên suốt trận đấu.
Tuy nhiên, liệu những thành công này có mang tính “ngắn hạn” như Mourinho nhận định? Trong vai trò bình luận viên khách mời của đài BeIn Sports, Mourinho đã nhân cơ hội Fulham sa thải Ranieri để đưa ra nhận xét: “Liệu bạn có thể so sánh kinh nghiệm huấn luyện giữa Ranieri và Scott Parker hay không? Chắc chắn không. Đôi khi trong bóng đá, những thay đổi có thể mang tới thành công ngay lập tức như trường hợp CLB cũ của tôi. Tôi không tin tưởng vào những thay đổi này trong thời gian dài hạn”.
Luận điểm của Mourinho có thể được xem là đúng, nếu nhìn vào trường hợp của Chelsea. Đội bóng thành London từng bước vào tới tận trận chung kết Champions League năm 2008 khi Avram Grant thay thế Mourinho. Grant chỉ cách danh hiệu vô địch châu Âu đúng một cú sút luân lưu của John Terry và ra đi không kèn không trống ngay mùa hè đó. 4 năm sau, Roberto Di Matteo thậm chí còn thành công hơn. Vị HLV tạm quyền này lên cầm quân thay thế Andre Villas-Boas và giúp Chelsea vô địch cả Champions League lẫn FA Cup trong mùa giải 2011/12.
Nhờ đó, Di Matteo được Chelsea tưởng thưởng với bản hợp đồng chính thức kéo dài 2 năm vào tháng 6/2012. Chỉ 5 tháng sau đó, Di Matteo phải khăn gói rời sân Stamford Bridge sau chuỗi kết quả nghèo nàn cùng Chelsea. Giai đoạn hậu Chelsea, ông không gặt hái thành công tại Schalke 04 lẫn Aston Villa và thất nghiệp suốt từ năm 2016 cho tới nay.
Một cựu HLV khác của MU là Van Gaal cũng tỏ vẻ bất phục với Solskjaer: “HLV sau tôi (Mourinho) chơi chiến thuật ‘dựng xe buýt’ và chơi phản công. Và giờ một HLV khác lại chơi tương tự. Khác biệt duy nhất giữa Mourinho và Solskjaer là Solskjaer giành chiến thắng. Tuy nhiên, thứ bóng đá MU đang chơi không phải là thứ bóng đá của Ferguson”.
Những gì Van Gaal nhận xét về MU dưới thời Solskjaer không phải không có lý. Ở trận thắng 3-1 trước PSG, MU chỉ thực hiện 224 đường chuyền trong suốt cả trận, trong khi con số trên của đội bóng Pháp là 691. Trong phần lớn thời gian của cả lượt đi và về, PSG mới là đội bóng nắm thế chủ động và tạo được nhiều cơ hội hơn. Thực tế cho thấy dù cùng sử dụng một sơ đồ 4-3-3, MU của Solskjaer cho thấy tính hiệu quả hơn nhiều dưới thời Mourinho. Mourinho thường xuyên cho các học trò chơi rình rập trong cả trận đấu song trong những thời khắc quyết định, hiếm khi thấy MU mạo hiểm xông lên.
Điều này là tương phản với Solskjaer, như cách ông phản ứng trước sức ép từ phía PSG trong hiệp hai của trận lượt về. MU chơi với sơ đồ 5-4-1 và lỳ lợm chịu những cú đấm từ phía PSG trước khi vùng lên ở những phút cuối trận. MU của Solskjaer sử dụng nhiều đường chuyền mang tính rủi ro cao, nhưng lại gặt hái được quả ngọt. Sự khác biệt lớn khác là tâm lý thoải mái của dàn ngôi sao, như Pogba thừa nhận: “Giờ thì chúng tôi mới thực sự được chơi bóng”.
Sau quãng thời gian “trăng mật”, giờ đây Solskjaer sẽ phải đương đầu với nhiều thử thách. Tại Champions League, đứng trước họ là “ngọn núi” mang tên Barcelona. Tại Premier League, nhiệm vụ thực tế nhất của Solskjaer là đưa MU cán đích trong top 4 để đảm bảo suất dự Champions League. Khi mùa hè tới, sẽ là những bài toán về gia hạn hợp đồng với De Gea, Herrera hay giữ chân Pogba trước sự chèo kéo của Real Madrid. Đó là chưa kể việc đưa về MU những bản hợp đồng chất lượng để bổ sung cho những vị trí trung vệ, hậu vệ cánh phải hay tiền vệ trung tâm.
Trường phái huấn luyện của Solskjaer là “đắc nhân tâm”, thể hiện qua cách ông luôn khuyến khích và đặt niềm tin vào các học trò. Một trường hợp thành công điển hình của trường phái này là Zinedine Zidane tại Real Madrid. Sau khi thay thế một Rafael Benitez không được lòng phòng thay đồ Bernabeu, Zidane giúp Real Madrid giành 3 chức vô địch Champions League liên tiếp. Tuy nhiên, “có bột mới gột nên hồ”, bởi Zidane sẽ khó có thể làm nên kỳ tích ấy nếu trong tay không có sẵn những siêu sao như Cristiano Ronaldo, Sergio Ramos, Luka Modric hay Toni Kroos.
Để Solskjaer có thể là một thành công dài hạn, MU cần tạo điều kiện tối đa cho HLV này trên thị trường chuyển nhượng. Việc bổ sung giám đốc thể thao tại MU là cần thiết, bởi từ sau sự ra đi của David Gill vào năm 2013, đội bóng này đã đưa ra nhiều quyết định bất hợp lý về mặt chuyên môn.
Ed Woodward có thể là tài năng lớn trong mảng kinh doanh và kiếm về cho MU hàng loạt bản hợp đồng tài trợ, nhưng các bản hợp đồng của ông đưa về đa phần là thất vọng. Thay vì kiêm nhiệm cùng lúc 2 vai, Ed Woodward nên chỉ đảm nhiệm vai trò kiếm tiền và để việc hoạch định chiến lược thể thao và mua bán cầu thủ cho một người có chuyên môn và kinh nghiệm.
Dẫu sao, trong số những quyết định mà Woodward từng đưa ra, đưa Solskjaer về làm HLV tạm quyền của MU là một quyết định đúng đắn. Solskjaer - người cả sự nghiệp gắn với chữ “Forward”, vừa có nghĩa là trung phong lại vừa mang nghĩa phía trước.
Khi còn là cầu thủ, ông chơi ở vị trí tiền đạo. Giờ đây, nhiệm vụ của ông được Woodward giao phó là “đưa CLB tiến về phía trước”.