Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ổi 500 đồng/kg, dân miền Tây bỏ trái đốn cây

Giá ổi từ gần 10.000 đồng giảm xuống chỉ 300-500 đồng/kg khiến nông dân miền Tây điêu đứng. Nhiều nhà vườn bắt đầu đốn bỏ loại cây này.

Sóc Trăng, Tiền Giang và Đồng Tháp là những địa phương có diện tích trồng ổi nhiều nhất miền Tây. Từ hơn một tháng nay, giá ổi rớt mạnh, từ 9.000-10.000 đồng/kg xuống còn 300-500 đồng/kg nhưng rất ít người hỏi mua. 

Anh Lê Văn Tuấn, ở thị trấn An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) trồng 5 công ổi lê (1 ha = 10 công) cho biết, nhiều năm qua, nhà anh trồng ổi đều có lãi, giá bán thấp nhất cũng trên 5.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, tính từ đầu vụ đến giờ, gia đình đã lỗ hàng chục triệu đồng, vì ổi chỉ bán được với giá trên dưới 500 đồng/kg.

Giá quá thấp, phần lớn các hộ trồng ổi không muốn mất thêm chi phí thuê nhân công thu hoạch. Thông thường, mỗi ha trồng ổi tại miền Tây sẽ mất 8 tháng mới thu hoạch và cho năng suất từ 50 đến 70 tấn.

Chi phí thuê một nhân công thu hái mỗi ngày từ 200.000 đến 220.000 đồng, trong khi giá ổi chỉ 300-500 đồng/kg. Để thuê một công hái ổi trong ngày, người dân phải bán đến 500-700 kg. “Bán không được, nhiều nhà vườn ven các tỉnh lộ mở cửa tự do cho khách du lịch vào hái ăn, thay vì để chín rụng đầy vườn”, một lão nông trồng ổi ở Hậu Giang chua chát nói.

Hiện giá thành đầu tư cho 1 kg ổi đã trên 2.600 đồng, nhiều nông dân đành chấp nhận đốn cây để chuyển sang trồng các loại khác.

Ông Trần Văn Thơm, ở xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) trồng 8 công ổi lê, cho biết, cách đây 3 ngày, ông cho người vào đốn cả vườn để chuyển sang trồng cam sành và một số loại hoa màu khác. Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Kế Sách, toàn huyện có trên 1.000 ha ổi đang vào vụ thu hoạch, 10-15% diện tích phải đốn bỏ.

“Ổi hiện nay rớt giá là do nông dân cứ ùn ùn chạy theo phong trào trồng mà không tuân thủ quy hoạch của địa phương. Khi số lượng trồng quá lớn dẫn đến cung vượt cầu, giá rớt là điều tất nhiên”, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang thừa nhận. Anh Lâm, chủ cửa hàng bán vật tư nông nghiệp ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết thêm, rất nhiều người trồng ổi không có khả năng trả tiền mua phân bón, thuốc cho các đại lý. Một số hộ thậm chí còn đang phảoi rao bán đất trả nợ.

Ngọc Trinh

Bạn có thể quan tâm