Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup - OGC) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án xử lý đối với các khoản nợ phải thu khó đòi với tổng giá trị 2.553 tỷ đồng, đã được trích lập dự phòng toàn bộ tại cuối năm 2021.
Con số trên chủ yếu là khoản phải thu về cho vay ngắn hạn với số tiền 1.154 tỷ đồng và khoản phải thu ngắn hạn khác 869 tỷ đồng; ngoài ra còn có các khoản trả trước, phải thu thu ngắn hạn khách hàng và tài sản thiếu chờ xử lý.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết các khoản nợ phải thu khó đòi của công ty và công ty con đã tồn tại từ năm 2014 đến nay, đều liên quan đến thời kỳ của lãnh đạo cũ với tính pháp lý phức tạp, hầu hết khoản nợ không có tài sản đảm bảo, khó có khả năng thu hồi.
Theo đó, Ocean Group dự kiến đưa các khoản nợ xấu đã được trích lập dự phòng trên ra theo dõi ngoại bảng cho năm tài chính 2021 và các năm tiếp theo, làm cơ sở để lập và trình bày các báo cáo tài chính.
NỢ PHẢI THU KHÓ ĐÒI ĐỀ XUẤT XÓA KHỎI BÁO CÁO TÀI CHÍNH | |||||||
Nhãn | Phải thu về cho vay ngắn hạn | Phải thu ngắn hạn khác | Trả trước người bán dài hạn | Trả trước người bán ngắn hạn | Phải thu ngắn hạn của khách hàng | Tài sản thiếu chờ xử lý | |
Giá trị | Tỷ đồng | 1154 | 869 | 277 | 168 | 82 | 3 |
Việc điều chỉnh (theo dõi ngoại bảng) này sẽ ghi nhận giảm các khoản phải thu và ghi nhận giảm các khoản dự phòng phải thu khó đòi tương ứng trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2021.
Do các khoản phải thu trên đã trích lập dự phòng 100% nên các chỉ tiêu về tổng tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của công ty sẽ không bị ảnh hưởng. Các khoản này được theo dõi riêng trên ngoại bảng cũng không ảnh hưởng đến việc thu hồi và quyền lợi đối với các khoản công nợ này.
Thực tế đây là các khoản nợ xấu tồn tại từ giai đoạn trước. Công ty cho biết đã rao bán nợ nhưng không có hiệu quả, chỉ bán được một khoản nợ hỗ trợ vốn với giá trị thu hồi 4 tỷ đồng trên giá trị nợ gốc 40 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ocean Group còn tìm kiếm các đối tác để bán nợ xấu, thực hiện thủ tục chào bán công khai một số khoản nợ phải thu khó đòi với giá trị nợ gốc khoảng 1.072 tỷ nhưng vẫn không có đối tác quan tâm mua nợ.
Không chỉ tập đoàn mẹ mà công ty con cũng tích cực chào bán khoản nợ phải thu. Đơn cử, công ty Đầu tư Đại Dương Thăng Long (OTL) chào bán một khoản nợ gốc 640 tỷ đồng, với giá khởi điểm chỉ 20 tỷ đồng.
Động thái xin xóa nợ phải thu khó đòi ra khỏi bảng cân đối kế toán (để theo dõi riêng ngoại bảng) được xem là một tín hiệu tích cực. Thực tế trên các báo cáo tài chính có kiểm toán hay soát xét thì kiểm toán viên vẫn đưa ra kết luận ngoại trừ.
Cụ thể đơn vị kiểm toán cho biết Ocean Group có các khoản nợ phải thu, góp vốn đầu tư, khoản cho vay, tài sản thiếu chờ xử lý và các khoản khác mà kiểm toán viên chưa thể đánh giá khả năng thu hồi. Đó là lý do cổ phiếu OGC vẫn thuộc diện bị kiểm soát do dó ý kiến ngoại trừ.
Do vậy, việc xóa các khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng trên có thể giúp BCTC của Ocean Group khắc phục được ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ các năm trước.
Sau khi có sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới IDS Equity Holdings, Ocean Group đã có những chuyển biến quan trọng, bao gồm việc phát triển nhiều dự án lớn và sự hồi phục của OCH trong ngành du lịch đem lại dòng tiền đáng kể.
Năm 2022, tập đoàn này đặt mục tiêu 937 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và lãi trước thuế khoảng 51 tỷ đồng. So với năm ngoái, chỉ tiêu doanh thu đã tăng 129% nhưng mục tiêu lợi nhuận lại giảm hơn một nửa.