Ngày 22/9, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tỉnh Quảng Bình tiếp tục ghi nhận hiện tượng loài ốc xoắn dạt vào bờ biển nhiều vùng trong tỉnh này.
Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết hiện tượng ốc xoắn dạt vào bờ biển Quảng Bình là hiếm thấy nhưng không phải bất thường. Hiện tượng này từng xuất hiện, được ghi nhận nhiều lần ở vùng biển huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trước đây.
Người dân nhiều vùng biển ở Quảng Bình ra nhặt loài ốc xoắn về ăn hoặc bán cho thương lái. Ảnh: A.T. |
Trong các ngày 19-21/9, Chi cục Thủy sản Quảng Bình liên tục nhận thông tin về việc loài ốc xoắn dạt vào bờ với số lượng lớn, tập trung ở vùng biển phía bắc cửa sông Gianh. Khu vực phía nam cửa sông Gianh cũng có ốc dạt vào bờ nhưng số lượng thưa thớt hơn.
Rất nhiều người dân địa phương có ốc dạt vào bờ biển đã thu gom loài hải sản này về ăn hoặc bán cho thương lái thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Hiện tượng này khiến người dân địa phương quan tâm, đặt nhiều nghi vấn do ốc dạt vào bờ quá nhiều sau khi bão vừa tan.
Chiều 21/9, Đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Thủy sản chủ trì đã đi thực tế, ghi nhận tình hình tại một số xã biển.
Qua ghi nhận, bờ biển ở 3 xã Quảng Đông, Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch) và Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) có lượng ốc dạt vào dày đặc, số lượng rất lớn. Chỉ riêng tại 3 xã này, ngành thủy sản địa phương ước tính khoảng hơn 10 tấn ốc còn sống dạt vào bờ biển.
Một tháng trước, Chi cục Thủy sản từng ghi nhận việc ngư dân xã Cảnh Dương khai thác loài ốc xoắn này với số lượng nhiều hơn hàng năm. Tàu giã cào đánh bắt mỗi ngày được khoảng 1 tạ ốc về bán cho thương lái.
"Ốc dạt vào bờ biển dày đặc sau bão có thể là do lũ về khiến lượng lớn nước ngọt đổ ra biển làm giảm độ mặn. Khi nước biển giảm mặn thì loài ốc này bị suy yếu, không bám chặt vào đáy biển. Có thể đây là nguyên nhân khiến ốc bị sóng đánh dạt vào bờ nhiều", ông Linh nói.
Cán bộ ngành Thủy sản Quảng Bình lấy mẫu ốc dạt vào bờ biển để gửi xét nghiệm. Ảnh: A.T. |
Ốc xoắn là loài hải sản thông thường, sống ở vùng đáy biển cách bờ khoảng 2,5 km, được ngư dân khai thác và tiêu thụ trên thị trường tỉnh Quảng Bình lâu nay. Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh Quảng Bình đã lấy mẫu gửi xét nghiệm số ốc bị dạt vào bờ sau bão để xác định có độc tố hay không.
Ngành thủy sản tỉnh Quảng Bình đã thông báo về các địa phương có ốc dạt vào bờ, khuyến cáo người dân hạn chế tiêu thụ và chế biến loài hải sản này khi chưa có kết quả xét nghiệm cụ thể. Chi cục cũng đã đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành giám sát, kiểm tra chất lượng nước biển tại khu vực xảy ra hiện tượng này.
Đến chiều 22/9, Quảng Bình chưa ghi nhận trường hợp người dân bị ngộ độc do ăn loài hải sản này.