Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Obama được trao quyền đàm phán nhanh TPP

Thượng viện Mỹ vừa thông qua dự luật về trao quyền đàm phán nhanh các hiệp định thương mại quốc tế quan trọng cho Tổng thống Barack Obama, mở đường cho sự ra đời của TPP.

aa
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters

Tỷ lệ bỏ phiếu đối với dự luật về quyền đàm phán nhanh là 60-38, CNN đưa tin. Nó sẽ được đặt trên bàn của Tổng thống Obama để ông ký.

Thượng viện Mỹ tiếp tục bỏ phiếu cho một dự luật khác liên quan, với nội dung hỗ trợ cho những người lao động Mỹ mất việc vì các hiệp định thương mại tự do. Sau đó, dự luật này sẽ được chuyển tới Hạ viện để trải qua một cuộc bỏ phiếu nữa trong hôm 25/6 (theo giờ Washington).

Việc Obama được trao quyền đàm phán nhanh (TPA - Trade Promotion Authority) đã mở đường cho ông trong quá trình hoàn tất các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 quốc gia.

Những khó khăn của ông Obama

Obama gặp nhiều trở ngại trước khi được trao TPA. Hồi tuần trước, khi tổng thống Mỹ tới nhà quốc hội để vận động các nghị sĩ ủng hộ TPA, chỉ 40 thành viên Dân chủ đứng về phía ông. Dự luật hỗ trợ điều chỉnh thương mại TAA, vốn giúp người lao động mất việc do ảnh hưởng từ các hiệp định tự do, đã bị Hạ viện bác bỏ với tỷ lệ 302 phiếu chống và 126 phiếu thuận.

Ông Michael J. Green, cựu cố vấn về châu Á của Tổng thống G.W. Bush, bình luận rằng, nếu tổng thống không có được TPA, sẽ là thảm họa cho chính sách châu Á của ông, theo New York Times.

Ông Green và các nhà phân tích khác cũng cảnh báo, nếu TPP thất bại, nhiều thành viên có nguy cơ ngưng quá trình cải cách kinh tế, cắt giảm thuế quan, theo như tiêu chuẩn đề ra khi đàm phán với Mỹ. Động thái này có thể khiến các nước chuyển hướng sang các tổ chức kinh tế, hay thỏa thuận thương mại khác không bao gồm Washington như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á mà Trung Quốc vừa tạo ra.

TPP được xem là nội dung kinh tế quan trọng hàng đầu trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của ông Obama. Trái với ông chủ Nhà Trắng, nhiều nghị sĩ cùng đảng Dân chủ lo ngại TPP sẽ khiến người lao động Mỹ mất việc làm. Trong khi đó, đa số nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ hiệp định này.

Dù được trao TPA, cuộc tranh luận về đàm phán TPP của ông Obama vẫn chưa chấm dứt, thậm chí nó còn mới bắt đầu. Tổng thống hy vọng rằng, quy trình đàm phán sẽ diễn ra trong vài tháng tới và sau đó được quốc hội thông qua.

Mục tiêu của ông Obama và các nghị sĩ ủng hộ TPP là hiệp định này vượt qua cửa Thượng viện Mỹ trước khi chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016 áp đảo chương trình nghị sự ở nước này.  

Lộ trình đàm phán TPP

Mỹ là quốc gia khởi xướng TPP năm 2010. Washington tham gia các vòng đàm phán ngay từ thời gian đầu nhiệm kỳ thứ nhất của Obama. Ông chủ Nhà Trắng thể hiện quyết tâm chính trị nhằm hoàn tất hiệp định. Đây cũng là một phần trong kế hoạch xoay trục về châu Á của Mỹ.

Khi TPP ra đời, tầm ảnh hưởng của kinh tế Mỹ sẽ tăng đáng kể tại khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh và vị trí chiến lược ngày càng rõ rệt.

Cùng với Mỹ, 11 nước khác tham gia đàm phán TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam chiếm tỷ trọng 40% nền kinh tế toàn cầu.

Phan Lê - Hải Anh

Bạn có thể quan tâm